Nồi cơm và đĩa nhạc

Nồi cơm và đĩa nhạc
TP - Tiền tác quyền mỗi ca khúc sẽ tăng từ 500 ngàn đồng lên 1 triệu đồng với đĩa CD và tăng từ 750 ngàn đồng lên 1,5 triệu đồng với DVD.

Đấy là mức tăng mới mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc VN đưa ra từ đầu năm, đang gây ra một làn sóng phản đối. Nhiều hãng đĩa ngừng sản xuất, thậm chí dọa đóng cửa, nhiều hợp đồng đình trệ, xuất hiện cả những phát ngôn kiểu “mức giá ấy là bản cáo chung cho công nghiệp ghi âm VN”. Cuộc tranh cãi này chưa đi đến thỏa thuận nào, nhưng cứ kéo dài như thế, sản phẩm băng đĩa ca nhạc vốn cũ kỹ rồi sẽ càng èo uột hơn, và người thiệt thòi là công chúng.

Đáng chú ý, trong thông cáo báo chí, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN cho rằng việc tăng tiền tác quyền âm nhạc là “đi ngược lại Nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Trong lúc các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đang triển khai việc bình ổn giá đưa Nghị quyết 11 vào cuộc sống”. Chắc chắn, tác quyền tăng, giá đĩa sẽ tăng. Xăng dầu, điện, gas, thịt, rau đều đã tăng giá làm cho mâm cơm gia đình người dân Việt trở nên bé mọn hao hụt. Nay, băng đĩa – thứ hàng hóa không chịu chi phí đẩy – cũng tự cho mình cái quyền tăng giá, là không hợp lý, ít ra ở thời điểm này. Hãy cho người dân cái quyền được thưởng thức âm nhạc, được giải trí khi họ đã đau đầu giữa bối cảnh giá cả leo thang.

Thiếu nhà sản xuất băng đĩa, ca khúc chỉ nằm trên giấy, không đến được với khán thính giả, không thành giá trị gia tăng như nhạc chuông, nhạc chờ, karaoke…

Nhà sản xuất cũng luôn phải đối mặt nạn đĩa lậu. Dường như, đây là căn bệnh vô phương cứu chữa vì lợi nhuận quá cao và việc in sao quá dễ dàng. Đồng thời với tăng giá tác quyền, nên tăng biện pháp dẹp đĩa lậu. Như vậy, việc bảo vệ và gia tăng quyền lợi cho những người sáng tạo mới đầy đủ và đồng bộ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG