Quân dân cùng giữ biển

Quân dân cùng giữ biển
TP - “Mấy tháng trước, chúng tôi câu cá ngừ đại dương. Hết mùa cá ngừ, chúng tôi vẫn bám lại ngư trường đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa để câu cá nhám và đánh lưới chuồn.” Ông Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn cho biết.

> Ngư dân kể chuyện bị kiểm ngư Trung Quốc đoạt tài sản

Tàu của ngư dân câu mực cạnh đảo Đá Lớn, huyện Trường Sa, Khánh Hòa
Tàu của ngư dân câu mực cạnh đảo Đá Lớn, huyện Trường Sa, Khánh Hòa.

Ngư đội Trường Sa

“Mấy tháng trước, chúng tôi câu cá ngừ đại dương. Hết mùa cá ngừ, chúng tôi vẫn bám lại ngư trường đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa để câu cá nhám và đánh lưới chuồn.” Ông Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn cho biết.

Ngư đội Trường Sa Lớn và ngư đội Song Tử Tây là hai ngư đội Trường Sa đầu tiên được thành lập tháng 12-2010, theo sáng kiến chung của Hội nghề cá Việt Nam, Hội Nghề cá Khánh Hòa, Sở NN&PTNT Khánh Hòa cùng Cty TNHH Một thành viên 128 (Quân chủng Hải quân).

Mỗi ngư đội có 4 tàu loại 300 - 400 CV của ngư dân Khánh Hòa và một tàu lớn của Cty 128, được gọi là tàu mẹ, mang tên Hải Âu 1 và Hải Âu 2. Các tàu ngư dân bám biển đánh cá liên tục, tàu mẹ làm nhiệm vụ tiếp tế dầu nhớt, mua và chuyển cá về bờ để bán lại cho Cty TNHH Hải Vương, một doanh nghiệp chuyên thu mua cá ngừ đại dương. Các ngư đội được hỗ trợ miễn phí nước ngọt, thuốc men, chăm sóc y tế. Với mô hình này, các ngư đội có thể bám biển 9 - 10 tháng mỗi năm.

Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa cho biết, từ cuối 12-2010 đến hết quý I/2011, hoạt động của hai ngư đội đã bước đầu có hiệu quả, dù thời gian này liên tục biển động. Nhưng khoảng một tháng rưỡi nay, hai “tàu mẹ” hầu như không giúp được cho ngư đội, vì phải tham gia xua đuổi tàu Trung Quốc vào đánh bắt thủy sản, xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Các tàu Trung Quốc rất táo tợn, không chỉ vào khu vực đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Bình Định, mà vào cả vùng biển Khánh Hòa, vùng các trạm DK1 của Việt Nam. Tàu ngư dân cũng tham gia ngăn cản tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Theo ông Mai Thành Phúc, ngư dân thường xuyên gặp rất nhiều tàu Trung Quốc. “Tàu của họ có cái to gấp 10 lần tàu ta, nhưng chúng tôi không sợ, vì chúng tôi đang đánh bắt tại vùng lãnh hải của Tổ quốc mình” - ông Phúc nói. Khi thấy tàu lạ xâm phạm, ngư đội rải dàn câu trên chiều rộng có khi đến 40 hải lý. Dàn câu sẽ bị hư hại khi bị tàu Trung Quốc vướng vào, nhưng cũng vì vậy tàu của họ bị cản trở, không thể dễ dàng xâm phạm vùng biển của ta…

Cần quyết sách lớn

Theo ông Võ Thiên Lăng, trước tình hình tàu thuyền Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Việt Nam, đe dọa hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam, chuyện hỗ trợ ngư dân bám biển phải trở thành quyết sách lớn của Chính phủ.

Nhà nước cần có chủ trương tổ chức lại hoạt động đánh bắt hải sản để bảo đảm an toàn cho ngư dân, đặc biệt là vào vụ cá Nam. Cả về tính thời sự và về lâu dài, mô hình ngư đội Trường Sa như Khánh Hòa đang triển khai cần phải được phát huy.

Các ngư đội phải được pháp lý hóa bằng quyết định thành lập của UBND tỉnh, có phối hợp hỗ trợ từ Bộ Tư lệnh Hải quân. Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa phải sớm được triển khai thực hiện.

Trung tá Trần Văn Nhật, Đảo trưởng đảo Phan Vinh nói: Việc đẩy đuổi tàu Trung Quốc vào đánh cá là chuyện thường ngày ở Trường Sa, nhất là ở các đảo chìm. Tàu cá Trung Quốc rất lớn, đến đậu cạnh bãi san hô, rồi thả các tàu nhỏ và xuồng vào bãi, bắt hết các loại cá, ốc, sò, cua...

Bộ đội trên đảo dùng cờ hiệu, pháo hiệu yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc rời xa đảo. Khi họ cố ý chây ỳ, ta cho xuồng cao tốc (xuồng CQ) ra đẩy đuổi, móc cáp kéo phương tiện vi phạm ra khỏi vùng nước quanh đảo. Có khi phải nổ súng cảnh cáo đối tượng liều lĩnh, vào chỉ cách đảo ta vài trăm mét. Nhưng nhiều khi anh em không thể đuổi được hết tàu xuồng Trung Quốc, vì đông quá. Xuồng CQ mình quay về đảo, họ lại thả xuồng vào bãi...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG