Kiềm chế lạm phát, giúp người nghèo

Kiềm chế lạm phát, giúp người nghèo
TP - Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), đại diện Việt Nam khẳng định đã và đang thực hiện Nghị quyết 11 (NQ11) một cách hiệu quả. Các nhà đầu tư nước ngoài khẳng định tiếp tục đầu tư cho Việt Nam.

Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam:

Kiềm chế lạm phát, giúp người nghèo

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư, các vị đại sứ, trưởng đoàn và đại diện tổ chức tài trợ quốc tế.

Thắt lưng buộc bụng

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, đầu tư công của Việt Nam những năm qua khá cao, năm 2009 đầu tư công chiếm 46% trong tổng đầu tư xã hội. Do đó cần thực hiện các giải pháp: Không ứng trước vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ năm 2012 cho các dự án, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2011, thu hồi về ngân sách Trung ương các khoản này để bổ sung vốn cho công trình, dự án hoàn thành trong năm 2011.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, mục tiêu của NQ 11 là thu ngân sách nhà nước tăng 7 - 8 % so với dự toán; tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong các tháng còn lại của năm 2011. “Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng, tiết kiệm chi phí tối đa hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết”, ông Trung khẳng định.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong năm 2011 Nhà nước đã cắt giảm, điều chuyển số vốn đầu tư trên 80 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.

Không để người nghèo... nghèo thêm

Một nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị CG lần này là bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia, lạm phát ở Việt Nam đang ở mức cao, các nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nhiều nhất; tỷ lệ đói nghèo có thể đã tăng 2,1% do lạm phát.

Một số đối tác cho rằng, trong khi các biện pháp hỗ trợ những gia đình nghèo khi giá điện tăng được đón nhận thì vẫn có dấu hiệu cho thấy người di cư nghèo không đăng ký không được liệt vào danh sách hộ gia đình đủ điều kiện được đền bù. Chính sách này cũng có thể không đến được đối với người di cư nghèo trả tiền điện cho chủ nhà trọ. “Đối với những hộ nghèo có đăng ký, ngưỡng 50KWh/tháng là quá thấp và trợ cấp 30 nghìn đồng/tháng là quá nhỏ để có tác động đáng kể”, một chuyên gia phân tích.

Các chính sách bình ổn giá đang thực hiện tại các thành phố lớn tỏ ra không đem lại nhiều lợi ích cho người nghèo. Người nghèo có xu hướng không mua thực phẩm ở các điểm bán hàng “bình ổn giá” do giá cả không thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường, chủng loại mặt hàng nghèo nàn. Cùng đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới đưa ra gần đây chưa đến được những người cần nhất.

Đại diện IMF cho rằng, Chính phủ đã có những tiến bộ trong việc ổn định thị trường ngoại hối. Sự ổn định thị trường ngoại hối đã giúp giảm lợi tức rủi ro ngoài nước với chênh lệch lãi suất quốc gia của Việt Nam.

Theo IMF, những cắt giảm trong chi tiêu của Chính phủ cần hướng đến các hoạt động đầu tư công kém hiệu quả, chứ không phải các chương trình xã hội và các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng, tạo việc làm đem lại giá trị gia tăng cao. Người nghèo, người lao động di cư, cán bộ viên chức nghỉ hưu là những đối tượng bị tác động nhiều nhất bởi lạm phát. Theo đó, Chính phủ cần phải kiềm chế lạm phát để trợ giúp người nghèo, người bị thiệt thòi trong xã hội.

Đại diện IMF hy vọng, nếu tiết kiệm phần lớn các khoản vượt thu dự kiến thì thâm hụt ngân sách có thể giảm xuống 4% GDP trong năm 2011, con số này ít hơn một nửa mức thâm hụt năm 2009. Sẽ hữu ích nếu Chính phủ có thể tăng mục tiêu thâm hụt ngân sách trong trung hạn tham vọng hơn với việc giảm thâm hụt xuống khoảng 3% GDP năm 2015.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt NQ 11, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, sử dụng một cách linh hoạt và thận trọng, đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, tiếp tục giải quyết các chỉ tiêu vĩ mô khác. Hỗ trợ sản xuất, nhất là các lĩnh vực sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn. Chính sách lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo mức phát triển dài hơi.

Đánh giá những đóng góp của các nhà tài trợ đối với sự phát triển của Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những chương trình, dự án từ các nhà tài trợ đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển, từ một nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình. Những tài trợ này đặc biệt có ý nghĩa không chỉ đối với phát triển mà còn đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hạn chế biến đổi khí hậu, thiên tai.

Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ nhất nội dung nêu trong NQ11.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.