Dân thành phố khát nước sạch

Tỷ lệ thất thoát nước ở Hà Nội và TPHCM lên đến 40% Ảnh: Hồng Vĩnh
Tỷ lệ thất thoát nước ở Hà Nội và TPHCM lên đến 40% Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nhiều đô thị đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch khi mùa hè đến. Chỉ khoảng 70% dân số đô thị được cung cấp nước sạch, nhưng gần nửa trong số đó bị thất thoát do công nghệ lạc hậu.

> Đến năm 2015, 100% dân Hà Nội được dùng nước sạch
> Nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội: Nhếch nhác và thiếu đủ thứ

Tỷ lệ thất thoát nước ở Hà Nội và TPHCM lên đến 40% Ảnh: Hồng Vĩnh
Tỷ lệ thất thoát nước ở Hà Nội và TPHCM lên đến 40%. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Trao đổi với Tiền Phong, bà Trần Thị Huệ - Trưởng phòng Quản lý Quy hoạch và Khai thác tài nguyên nước - Cục Quản lý tài nguyên nước, cho biết:

Tỷ lệ thất thoát nước trong các hệ thống cấp nước đô thị hiện nay rất lớn do việc cải tạo hạ tầng phân phối nước gặp nhiều khó khăn. Ở Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ thất thoát lên đến gần 40%.

Theo tính toán, với dân số đô thị gần 30 triệu người hiện nay, chỉ riêng nhu cầu nước cho sinh hoạt ở đô thị (150 lít/ người/ngày), tổng nhu cầu toàn quốc đã vào khoảng 4,5 triệu m3/ngày. Nếu tính cả nhu cầu nước cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì con số ước tính khoảng 8 triệu m3/ngày.

Trước tình hình thất thoát nước như vậy, liệu cư dân đô thị có được cung cấp đủ nước sạch?

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước trung bình cả nước mới đạt được khoảng 70%, chỉ một số ít đô thị đạt được mức 80%, chủ yếu cấp cho các vùng nội thị.

Chính vì vậy, ngoài các công trình khai thác nước thuộc hệ thống cấp nước tập trung do các công ty cấp nước đô thị quản lý còn rất nhiều công trình khai thác nước, hệ thống cấp nước (chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất tại chỗ) do các hộ gia đình, chủ các cơ sở sản xuất, khu/cụm công nghiệp, các doanh nghiệp ở các đô thị tự đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình tự cung cấp nước.

Tại Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước của thành phố khoảng 1 triệu m3 nước sạch/ngày, nhưng lượng nước cấp từ hệ thống cấp nước do các công ty kinh doanh nước sạch của thành phố quản lý chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu.

Tại TPHCM, nhu cầu nước khoảng trên 2,5 triệu m3/ngày, trong đó hệ thống của công ty cấp nước cung cấp khoảng 2 triệu m3/ngày, còn lại là do các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân tự đầu tư công trình khai thác từ nguồn nước dưới đất.

Hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất ở các khu vực đô thị hiện nay ra sao, thưa bà?

Tại các nhà máy cấp nước đô thị hiện nay, nước thô khai thác từ nguồn dưới đất chiếm gần 40% và nước mặt khoảng trên 60%.

Ngoài hệ thống cấp nước tập trung do ngành nước quản lý thì ở mỗi đô thị đều có hàng vài chục đến hàng trăm giếng khoan khai thác quy mô công nghiệp với công suất từ vài trăm đến hàng chục ngàn m3/ngày đêm và hàng vài chục đến hàng trăm ngàn giếng khoan đường kính nhỏ cấp nước hộ gia đình. Vì vậy, việc khai thác nước dưới đất ở các đô thị thực tế là rất lớn, theo tính toán có thể đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng nước tại các đô thị hiện nay.

Tuy nhiên, do công trình khai thác nước tại chỗ, tập trung trong phạm vi đô thị hoặc các vùng phụ cận - nơi tập trung đông dân cư với nhiều hoạt động xây dựng, sản xuất liên quan đến nguồn xả thải, môi trường và nguồn nước mặt bị ô nhiễm, nên nguồn nước dưới đất có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Các nguyên nhân khác như nhiều công trình khai thác nước không bảo đảm yêu cầu cách ly, cá nhân không đủ năng lực kỹ thuật chuyên môn thực hiện, … đã và đang ảnh hưởng đến an toàn nguồn nước và tính bền vững của các hệ thống cấp nước đô thị.

Cảm ơn bà.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước trung bình cả nước mới đạt khoảng 70%, chỉ một số ít đô thị đạt được mức 80%, chủ yếu cấp cho các vùng nội thị. Chính vì vậy, ngoài các công trình khai thác nước thuộc hệ thống cấp nước tập trung do các công ty cấp nước đô thị quản lý, còn rất nhiều công trình khai thác nước, hệ thống cấp nước (chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất tại chỗ) do các hộ gia đình, chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng và quản lý vận hành.

 

Mỹ Hằng thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG