Nộp tiền để được vinh danh

Nộp tiền để được vinh danh
TP - Không ít sự kiện “mua danh bán cúp” vẫn diễn ra gây nhiễu thông tin, khiến công chúng nghi ngờ thực chất của những tên tuổi được tôn vinh. Đơn giản bởi thủ tục đầu tiên để bước lên sân chơi này là … tiền.
Nộp tiền để được vinh danh ảnh 1
 

Đóng tiền nhận rồng

Giám đốc một tập đoàn chỉ cho phóng viên thấy, ở góc phòng làm việc của ông, xấp hồ sơ mời chào tham gia đủ loại giải thưởng từ năm này sang năm khác ngày một chất chồng. Ông nói: “Tôi chả thấy ý nghĩa chỗ nào, khi doanh nghiệp được mời phải nộp từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng, để nhận về mấy cái cúp và danh hiệu hão”.

Ông đưa tôi xem một số hồ sơ mời chào. Đủ loại danh hiệu, bằng, cúp mà doanh nghiệp có thể nhận, nếu nộp đủ tiền theo các mẫu đơn đăng ký tham dự chương trình in sẵn. Từ chứng nhận thương hiệu tiêu biểu trong ngành xây dựng, chế biến thực phẩm cho tới các danh xưng cao quý khác hóa ra đều phải đóng tiền, có khi rất nhiều tiền.

Ví dụ Cúp vàng Doanh nhân văn hóa. Đơn đăng ký tham dự bình chọn và trao cúp vàng năm 2010 cần điền tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, số tài khoản… Bên dưới kê 3 khoản tiền cần đóng nếu đăng ký. Trong đó, khoản nhỏ nhất là lệ phí xét thưởng gồm 30 triệu đồng cộng 10% thuế VAT, thanh toán trước 50% …

Hay Chương trình Doanh nhân hiền tài. Doanh nghiệp muốn được tặng biểu tượng “Rồng thiêng” chế tác bằng vàng 4 số 9 có khắc tên riêng của doanh nhân thì phải “có thành tích nổi bật trong năm vừa qua có đăng ký tham dự chương trình”.

Thành tích nổi bật là do doanh nghiệp tự khai, còn đăng ký tham dự chương trình thì phải góp tiền theo 1 trong 5 mức tài trợ in sẵn, từ cao nhất 275 triệu, thấp nhất 22 triệu đồng, thanh toán hết trước khi chương trình… diễn ra 5 ngày .

Bản chụp điều kiện tham gia chương trình công nhận Gia tộc Doanh nhân
Nhiều loại hồ sơ mời chào danh hiệu có đóng tiền.
 

Đặc biệt hơn nữa là Chương trình Công nhận Gia tộc Doanh nhân. Ngoài việc trao biểu tượng Rồng vàng bốn số 9 theo kiểu “đóng Tiền nhận rồng” như trên (tất nhiên giá vàng tăng nên giá Rồng cũng tăng, từ 22 triệu lên 27,5 triệu), đơn vị tổ chức còn sáng tạo thêm phần trưng bày long trọng và trao bảng Công nhận gia tộc doanh nhân tại Hà Nội.

Điều kiện đăng ký rất đơn giản: gia tộc có doanh nhân hoặc chủ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tự nguyện đăng ký tham dự chương trình. Nếu muốn được xướng danh Gia tộc doanh nhân tiêu biểu và được trao 1 bảng Công nhận gia tộc doanh nhân bằng gỗ quý, có khắc nổi mạ vàng tên 4 đời ông bà cha mẹ, anh chị em, vợ con dâu rể của doanh nhân đăng ký, thì mức đóng tối thiểu là 44 triệu đồng…

Nhiều loại hồ sơ mời chào danh hiệu có đóng tiền
Bản chụp điều kiện tham gia chương trình công nhận Gia tộc Doanh nhân .
 

Không tôn vinh, chỉ… công nhận

Còn nhớ cách đây chưa lâu, cả nước đã xôn xao trước sự kiện vừa bị tố cáo đích danh xả bẩn ra môi trường làm chết cả đoạn sông Thị Vải, Vedan lại được tôn vinh là đơn vị tài trợ và được trao tặng danh hiệu Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009. Nghịch lý này khiến người ta nghi ngờ lây những tên tuổi được xứng đáng vinh danh.

Sau vụ việc trên, tình trạng mua danh bán cúp vẫn chưa chấm dứt, mà biến tướng sang những hình thức khác. Một số Cty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông thường đứng sau các tổ chức chính trị - xã hội để dàn dựng những cuộc “mua bán vinh danh”.

Phóng viên gọi vào số điện thoại in sau cuốn hồ sơ mời tham gia Chương trình công nhận Gia tộc doanh nhân, hỏi: “Tôi phải làm gì nếu muốn tham gia chương trình công nhận Gia tộc doanh nhân Việt Nam và Doanh nhân hiền tài?”. Giọng nữ ngọt ngào: “Dạ , chỉ cần chị ký vào đơn đăng ký, chuyển trước 50% số tiền để chúng em đặt bảng … “ Nhưng Quyết định 51 của Thủ tướng đã nghiêm cấm huy động kinh phí đối với người được xét tôn vinh danh hiệu cơ mà ?” , “ Vâng, chúng em có tôn vinh đâu, chỉ công nhận thôi mà!”.

Vào trang web Cổng thông tin Thi đua khen thưởng Giải thưởng Việt Nam sẽ thấy hàng năm trên cả nước có rất nhiều danh hiệu thi đua khen thưởng. Phần Thi đua- Khen thưởng cấp Nhà nước ổn định và được bầu chọn có hệ thống.

Còn phần giải thưởng của các tổ chức-hiệp hội, trong 34 danh hiệu, giải thưởng, cúp vàng thuộc lĩnh vực “ Doanh nhân-Doanh nghiệp-Sản phẩm” vẫn còn trà trộn khá nhiều giải mang tính mua bán như đã nêu trên, cần được rà soát thẩm tra.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng băn khoăn trước thực trạng mua bán danh hão vẫn gây rối nhiễu thông tin, đánh lừa công chúng. Ông cho rằng cần chấn chỉnh nghiêm khắc hơn nữa, để những người thực sự có đóng góp đáng kể cho xã hội cảm thấy cống hiến của họ được ghi nhận xứng đáng.

Chấn chỉnh tình trạng loạn tôn vinh, loạn khen thưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 51 ngày 28-7-2010 về việc ban hành quy chế tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, ngoài các hình thức đã được quy định trong Luật TĐ-KT.

Tại điều 4 nêu rõ 8 hành vi bị nghiêm cấm: 1. Đặt danh hiệu và giải thưởng trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục... 2. Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng …

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG