Nới chỉ tiêu lạm phát tới 17%

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp thứ 41 Ảnh: TL
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp thứ 41 Ảnh: TL
TP - “Ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, cần tập trung chỉ đạo, điều hành kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức khoảng 15-17%”- Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết đề xuất mới nhất của Chính phủ trình UBTVQH, sáng 30-6.

> Dự báo lạm phát cả năm 17%

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp thứ 41 Ảnh: TL
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp thứ 41. Ảnh: TL.

Trước đó, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ thống nhất mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn 15%. Dẫu vậy, báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc không khỏi lo ngại “chỉ tiêu 17% là con số phải phấn đấu”. Bởi theo tính toán của ông, giá cả trong các tháng còn lại sẽ vẫn tăng, tháng 11 có thể giảm, nhưng đến tháng 12 sẽ lại tăng như thường lệ.

Cũng theo Bộ trưởng KH&ĐT, Chính phủ đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP (thấp hơn mức QH quyết định 5,3%). Cùng đó, KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những điểm sáng.

Siết đầu tư công gặp trở ngại

Cùng nhận định với Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho rằng, diễn biến 6 tháng đầu năm không thuận lợi, kinh tế gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm trong khi lạm phát, giá nhiều mặt hàng tăng đột biến.

Lãi suất ngân hàng cho vay cao, 18%-22%, cá biệt 25-27%. Thị trường vàng, ngoại tệ diễn biến phức tạp, chứng khoán giảm sút, bất động sản diễn biến bất thường. Chỉ số giá tiêu dùng chuyển biến theo hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao 13,2% trong 6 tháng, vượt xa chỉ tiêu 7% cả năm.

UBKT cho rằng, thực hiện các giải pháp của Chính phủ, kinh tế vĩ mô có chuyển biến tích cực, nhưng tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2011 không ít khó khăn, thách thức. Cho nên, việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa đã gây một số khó khăn cho sản xuất, nhưng những giải pháp của Chính phủ đề ra trong NQ 11 là hoàn toàn đúng.

Từ phân tích trên, Ủy ban này kiến nghị “tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ”, nhưng cần điều hành linh hoạt, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi tới sản xuất kinh doanh. Chú ý đến các giải pháp quản lý thị trường, giám sát, kiểm soát các hoạt động tín dụng để ổn định, từng bước giảm mặt bằng lãi suất.

Để kiểm soát lạm phát, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn đề nghị phải làm mạnh hơn trong siết chặt đầu tư, mua sắm công. Chủ nhiệm UB KT Hà Văn Hiền nói, chủ trương cắt giảm đầu tư công đã gặp một số phản ứng từ các địa phương, nhưng không thể làm khác, phải cắt giảm để giảm lạm phát. Tuy nhiên, chủ trương này đang gặp trở ngại do hướng dẫn chưa cụ thể, tiêu chí cắt giảm không rõ.

Người nghèo bị ảnh hưởng lạm phát nặng nhất

Ủy ban Kinh tế đánh giá, lạm phát tăng cao đã gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân, đặc biệt là 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo (chiếm 22,1% số hộ cả nước). Thu nhập thực tế, nhất là người thu nhập thấp, người lao động ở các khu công nghiệp bị giảm sút.

Đây là nguyên nhân làm đình công gia tăng (3 tháng đầu năm xảy ra 218 cuộc, tại 14 tỉnh, 83% xảy ra tại các DN vốn FDI). Cần có biện pháp giúp DN tiếp cận được vốn vay với lãi suất hợp lý, xem xét phương án miễn giảm, giãn thuế thu nhập DN, hỗ trợ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ.

“Cần đánh giá sâu hơn tác động của những chính sách thời gian qua với người dân như thế nào, nó giúp giảm nhẹ hay thêm khó khăn cho họ” - Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị. Theo bà, cần hỗ trợ để người nghèo, người có công được tiếp cận tốt hơn chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ giá điện - bởi có tình trạng người dân khó tiếp cận những chính sách này.

Bức tranh 6 tháng đầu năm khiến “tâm trạng xã hội lo lắng”, và “lạm phát cao chúng ta cũng bị ảnh hưởng, chứ không phải chỉ một bộ phận nhân dân”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhận định. Ông cho rằng, phân tích sâu những điểm sáng (kết quả đạt được) sẽ thấy chưa thật vững chắc, từ thu ngân sách cho đến tăng trưởng.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, với giá bán điện hiện nay, EVN đang lỗ lớn, nếu không điều chỉnh giá, sẽ rất khó thu hút được vốn đầu tư cho ngành điện. Nếu tính đúng, tính đủ, giá điện sẽ tăng mạnh, gây lạm phát, nhưng việc tăng giá điện là khó tránh khỏi. Việc điều chỉnh giá cần được thực hiện theo lộ trình, có thể kế hoạch thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường sẽ phải lùi tới 2013.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG