Khóc cũng kệ?

Khóc cũng kệ?
TP - Các cụ có câu “Con khóc mẹ mới cho bú”. Nhưng với việc Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) nêu quan điểm của Cục trên website vfa.gov.vn ngày 6-7 về nguy cơ gây bệnh của phẩm vàng tổng hợp Tartrazine hay còn gọi là E102 thì, có thể thấy, người tiêu dùng khóc cứ khóc. Kệ.

> Đã làm gì để phòng độc cho người tiêu dùng?
> Nguy cơ từ phẩm vàng tổng hợp

Khách quan mà nói, những thông tin mà Cục ATVSTP dẫn ra khiến dư luận phần nào yên tâm. Chẳng hạn Cục “nhiều lần tham khảo ý kiến các chuyên gia”, kể cả chuyên gia dự sự kiện mới nhất đang diễn ra, hội nghị đại hội đồng CODEX (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm Quốc tế) thế giới lần thứ 34 tại Geneve, Thụy Sỹ từ 4 đến
10-7-2011. Cục cũng nêu việc, năm 2009, “CODEX đã giao các ủy ban khoa học của mình nghiên cứu và kết quả cho thấy “chưa đủ bằng chứng cơ sở khoa học để kết luận E102” gây hại.

Cục cũng cho biết tiếp, hiện tại, “chỉ có một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hạn chế sử dụng phẩm màu này”, còn “hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm”.

Nhưng dư luận lại cảm thấy bất an khi Cục kết luận “tiếp tục cập nhật trên cơ sở tư vấn … và phân tích các tài liệu khoa học của thế giới đối với E102 để đưa ra các khuyến nghị kịp thời và chính xác nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Câu hỏi đặt ra là Bộ “phân tích các tài liệu khoa học nào của thế giới đối với E102? Tại sao Cục chỉ dẫn các tài liệu minh họa cho quan điểm “chưa đủ bằng chứng” kết luận tác hại của E102? Căn cứ vào đâu Cục cho rằng tác hại của E102 chỉ là nhận định của “một số kết quả nghiên cứu đơn lẻ”?

Tại sao Cục chỉ thông tin “hầu hết các nước của EU, Mỹ và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm” mà không phản ánh một nửa sự thật còn lại là không ít sản phẩm ở các nước đó được yêu cầu phải ghi cảnh báo E102 trên
nhãn (*)?

Tại sao Cục không lưu ý phàm là “phẩm màu tổng hợp” thì đều không có giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm như nhận định của PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, trên Tiền Phong mới đây?

Hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam tiêu thụ 26 sản phẩm được phép dùng E102 từ 10 năm nay. Suốt 10 năm đó, Cục chưa hề tiến hành đánh giá mức tiêu thụ E102 thực tế của người Việt Nam, xem có tuân thủ mức liều có thể chấp nhận và mức liều tối đa cho phép. Tuyên bố ngày 6-7 của Cục ATVSTP khiến dư luận không khỏi lo ngại về trách nhiệm của Cục được Chính phủ và nhân dân giao phó.

_____

(*) Theo Quy định (EC) số 1333/2008 của Nghị viện châu Âu và của Hội đồng châu Âu ngày 16-12-2008 về các chất phụ gia thực phẩm, phải ghi dòng chữ “có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự chú ý của trẻ em” nếu dùng E102. Tại Mỹ, nhãn thực phẩm phải có lưu ý cảnh báo E102 là “màu nhân tạo” và nó “có thể gây nên những hành động thái quá và những vấn đề về hành vi ở trẻ em”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG