Không để chè bẩn có đất sống

Chăm sóc đồi chè ở vùng cao Ảnh: Hồng Vĩnh
Chăm sóc đồi chè ở vùng cao Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau khi Tiền Phong có bài viết 'Rùng mình chè bẩn' (số 199, ngày 18-7- 2011), lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ khẳng định không để chè bẩn “có đất sống”, để bảo vệ uy tín cho các thương hiệu chè của tỉnh.

> Rùng mình chè bẩn

Chăm sóc đồi chè ở vùng cao Ảnh: Hồng Vĩnh
Chăm sóc đồi chè ở vùng cao. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Chè bẩn không phải là chuyện mới

Ông Phạm Quang Thao, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: Nhiều năm qua, Phú Thọ chủ yếu sản xuất chè đen (chè xuất khẩu) theo phương pháp công nghiệp, chất lượng chè được đối tác kiểm soát rất chặt. Do vậy, chúng tôi biết rằng chè “bẩn” khó có đất sống ở Phú Thọ. Tuy nhiên, chuyện chè “bẩn” không phải là mới.

Hiệp hội Chè Việt Nam đã có những cảnh báo từ lâu. Tôi biết rõ vấn đề này không dễ giải quyết, đơn giản vì quản lý kém. Các tỉnh thường giao việc kiểm tra, kiểm soát cho Sở NN&PTNT và Sở Công Thương nhưng thiếu rõ ràng, chồng chéo trách nhiệm.

Mời nhà báo đi thực tế

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Chúng tôi muốn phát triển chè hữu cơ (chè sạch thiên nhiên). Hà Giang ở địa bàn xa xôi nhưng từ năm 1994 Hiệp hội Chè thế giới ITC (Luân Đôn - Anh) đã có phát hiện và đánh giá Hà Giang có chè San Tuyết thuộc một trong ba loại chè ngon và quý nhất ở Việt Nam.

Chính Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) thời kỳ 2004-2005 đã hỗ trợ kinh phí cho đồng bào ở huyện Vị Xuyên bảo tồn và phát triển nguồn gene loại chè này. Hai năm nay, chè của Hà Giang được kiểm soát rất chặt.

Cách đây 4 năm, phía Trung Quốc có tổ chức một cuộc thu gom chè ở nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Giang. Chúng tôi đã phát hiện và xử lý một doanh nghiệp mua chè từ Phú Thọ lên rồi có chế biến “bẩn”.

Chính vì vậy, để đề phòng hiện tượng này, chúng tôi đã chỉ đạo kiểm soát chặt và lâu nay chưa phát hiện thêm vụ sản xuất chè bẩn nào. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin vụ việc, và sẵn sàng mời các nhà báo đến Hà Giang tìm hiểu thực tế sản xuất chè.

Chấn chỉnh ngay

Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Tôi chưa được nghe báo cáo về loại chè này ở Yên Bái. Báo Tiền Phong đã nêu huyện Văn Chấn có chuyện đó. Ngay ngày mai, trong chuyến công tác về huyện, tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo huyện báo cáo cụ thể để có biện pháp xử lý, giải quyết.

Sau khi báo nêu, UBND tỉnh sẽ gửi công điện đến nhiều ban ngành liên quan, yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc sản xuất chế biến chè, truy tìm cơ sở vi phạm ATVSTP, báo cáo lên UBND tỉnh trước ngày 30-7 để có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết không để tình trạng này gây ảnh hưởng đến một ngành có tổng giá trị chế biến lên tới hơn 400 tỷ đồng/năm.

Thành lập đoàn kiểm tra sản xuất chè

Ngày 19-7-2011, Cục Chế biến Nông-Lâm-Thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) có Quyết định số 79 thành lập đoàn kiểm tra điều kiện sản xuất, chế biến thương mại và chất lượng sản phẩm chè của các nông hộ và cơ sở sản xuất quy mô nhỏ tại Tuyên Quang. Đoàn gồm: Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn.

Ông Trương Quốc Uy, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế của Cục làm phó đoàn. Thành viên của đoàn còn có ông Hoàng Vĩnh Long, Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam; ông Đặng Văn Vĩnh, chuyên viên phòng chế biến, bảo quản nông sản của Cục. Hôm nay, đoàn lên Tuyên Quang kiểm tra (dự kiến 2 ngày). Nếu có diễn biến mới sẽ gia hạn thời gian kiểm tra.

Yên Bái có gần 100 cơ sở chế biến chè búp tươi, riêng huyện Văn Chấn có hơn 40 cơ sở. Với sản lượng gần 100.000 tấn/năm và thuộc vùng sản xuất chè lớn thứ hai trong cả nước nhưng chè Yên Bái lại luôn đứng cuối bảng xếp hạng chất lượng.

Theo một đại gia trong ngành chè, chất lượng chè Yên Bái thấp nhưng vẫn có đất sống vì nhiều DN vẫn tìm đến thu mua chè kém chất lượng để trộn với chè chất lượng cao tiêu thụ kiếm lợi lớn.

Một vị lãnh đạo tỉnh này còn tỏ ra ngạc nhiên khi một thời gian dài UBND tỉnh không cấp phép mới cho một cơ sở chế biến nào, vậy mà bỗng dưng thấy tăng thêm 30 cơ sở nữa. Những cuộc họp lãnh đạo tỉnh nêu quyết tâm đóng cửa nhiều cơ sở vi phạm ATVSTP từ hai năm nay nhưng cuối cùng vẫn chưa đóng cửa được cơ sở nào (!?)

- Theo báo cáo từ một đợt kiểm tra năm ngoái, trong số 20 cơ sở chế biến chè ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ, có tới một nửa không đạt yêu cầu về nhà xưởng, thiết bị và ATVSTP. Còn chế biến theo các hộ gia đình thì không thể kiểm soát được.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Học sinh bậc THPT thường gặp nhiều khó khăn, áp lựcẢnh: PV
Học sinh bối rối chọn ngành nghề
TP - Học sinh THPT ở độ tuổi nhạy cảm, dễ tổn thương và gặp khó khăn khi định hướng nghề nghiệp cũng như chịu nhiều áp lực từ học tập, thi cử. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa được phát hiện và hỗ trợ tư vấn, điều trị kịp thời.