Lại phập phồng nỗi lo thủy điện

Lại phập phồng nỗi lo thủy điện
TP - Chưa có phương án phòng chống lũ vùng hạ du, kế hoạch đảm bảo an toàn đập mùa mưa bão chất lượng chưa cao, chưa sát thực tế… đang là thực trạng đáng báo động của nhiều nhà máy, hồ thủy điện trên cả nước.

Thủy điện 'hớ hênh' trước lũ lụt

Hớ hênh

Thống kê của Bộ Công Thương tại hội nghị quản lý an toàn đập thủy điện, phòng chống lụt bão do Bộ này tổ chức tại Đà Nẵng ngày 19 – 7, cho thấy tính đến năm 2011, tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện trên cả nước đạt hơn 8.000 MW.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN - Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện đều có hồ chứa với dung tích đến vài tỷ mét khối và hệ thống đập để tích trữ nước, điều tiết nước hồ chứa nên nếu để xảy ra sự cố có thể gây thảm họa lớn.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay hầu hết các đập, thủy điện chưa xây dựng được phương án bảo vệ đập và phương án phòng chống lụt bão. Thực tế, nhiều hồ chưa thực hiện đúng, đủ quy trình theo quy định nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc như thủy điện Sông Ba Hạ, Hố Hô, An Khê - Ka Năk…

Theo ông Cao Anh Dũng, Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), trước năm 2010 rất ít chủ đập xây dựng phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập. Từ năm 2011, một số chủ đập đã tính đến phương án này, nhưng đến tháng 7 - 2011 chỉ có 35/44 phương án được phê duyệt, 7 đập đang hoàn chỉnh và 2 đập thủy điện Mường Hum, Bắc Bình chưa xây dựng phương án.

Điều đáng báo động, nhiều vùng hạ du chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xả lũ của thủy điện nhưng đến nay hầu hết các chủ đập chưa xây dựng phương án phòng chống lũ, hoặc có xây dựng song chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho hạ du, chưa được phê duyệt. Hiện mới có 15 đập báo cáo về hiện trạng an toàn đập. Bên cạnh đó, tất cả các đập đã đến kỳ kiểm định nhưng chưa được chủ đập thực hiện kiểm định theo quy định.

Người dân tự cứu

Ông Dũng kiến nghị, để tránh tình trạng các đập hớ hênh trước mùa bão lũ cần xác định rõ ranh giới vùng hạ du của đập, đặc biệt đối với nhiều đập được xây dựng trên cùng một lưu vực sông; tính toán cụ thể lượng mưa, khả năng thoát lũ…

Theo ông Đào Tấn Cam, GĐ Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, các thủy điện cần xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du tương ứng với tần suất xả lũ. Bên cạnh đó, nếu các chủ đập chỉ thông báo xả lũ trước 2 giờ là quá ngắn không kịp để các địa phương di dời người dân đến nơi an toàn. Cần phải tăng gấp đôi quỹ thời gian này mới kịp xoay xở.

Ông Cam cũng cho biết, những tháng đầu năm 2011, thủy điện An Khê Ka Năk (Gia Lai – BQL thủy điện 7 quản lý) chỉ xả nước về sông Ba (Phú Yên) đạt khoảng 1m3/giây trong khi phương án xả 4m3/ giây khiến hơn 20.000 ha lúa ở vùng hạ lưu sông này đang đứng trước nguy cơ chết khát.

Theo ông Nguyễn Văn Lê - Chủ tịch HĐQT Cty CP thủy điện A Vương (Quảng Nam): đơn vị hoàn thành cả phương án PCLB đảm bảo an toàn đập và phòng chống lũ lụt vùng hạ lưu. Tuy nhiên, ông Lê cũng khẳng định: “Phương châm chính là người dân tự cứu mình. Thiên tai ngày càng khốc liệt, người dân cần chủ động các biện pháp, phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết”.

Tăng cường quy trình vận hành liên hồ thủy điện

Theo Bộ Công Thương, hiện Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng mùa kiệt, và liên hồ chứa lưu vực sông Đồng Nai cho cả mùa lũ và mùa kiệt.

Theo quy định, có 11 hệ thống hồ trên các sông cần phải có quy trình vận hành liên hồ, gồm: sông Cả (5 hồ), sông Hương (4 hồ), Vu Gia - Thu Bồn (6 hồ), sông Kôn - Hà Thanh (3 hồ)… Ông Cao Anh Dũng kiến nghị, Bộ TN&MT cần sớm xây dựng trình Chính phủ phê duyệt ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa cho các lưu vực sông còn lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG