Luẩn quẩn

Luẩn quẩn
TP - Văn bản trả lời của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) về tình hình sử dụng và quản lý phẩm màu vàng tổng hợp E102 gửi Tiền Phong (*) khá luẩn quẩn, chỉ bám vào lý thuyết mà thiếu thực tế, và không trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.

> Chưa coi trọng người tiêu dùng
> Văn bản không đúng thể thức
> Bộ Y tế không có văn bản cho phép sử dụng E102

Một, công văn khẳng định “việc sử dụng E102 trong mì ăn liền là hoàn toàn phù hợp với quy định của Việt Nam”. Công văn còn trích Quyết định 3742 của Bộ Y tế yêu cầu “sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phải đảm bảo đúng đối tượng thực phẩm…”. Đối chiếu danh mục 26 nhóm thực phẩm được phép sử dụng E102 mà Quyết định 3742 nêu, không thấy có mì ăn liền.

Vậy, với việc cho E102 vào mì ăn liền, doanh nghiệp đã sử dụng E102 “đúng đối tượng thực phẩm” chưa? Vì sao Cục vẫn khẳng định trường hợp ấy là “đúng đối tượng thực phẩm”?

Hai, với các trường hợp không có trong Quyết định 3742 nhưng vẫn được Codex cho phép sử dụng, công văn viết: “Bộ Y tế (Cục ATVSTP) sẽ xem xét trong trường hợp cụ thể để cho phép công bố tiêu chuẩn sản phẩm”. Vậy, trường hợp cho E102 vào mì tôm, Cục có thành lập hội đồng để xem xét văn bản bổ sung không? Nếu có, việc này diễn ra khi nào và đó là văn bản nào?

Ba, không dưới hai lần Cục khẳng định sử dụng E102 trong mì gói là “hoàn toàn phù hợp với quy định của Việt Nam”. Cụ thể là quy định nào thì không thấy Cục nêu ra. Được biết, từ năm 1999 đến nay, không có bất cứ văn bản nào của Bộ Y tế quy định rõ ràng cho sử dụng E102 trong mì gói.

Bốn, Cục khẳng định “việc sử dụng phẩm màu E102 đã có quy định có tính pháp lý”. Theo lập luận của Cục, quy định pháp lý đó chính là Quyết định 3742 và Tiêu chuẩn Codex. Tuy nhiên, Quyết định 3742 có ghi rõ “Bộ Y tế tổ chức xem xét việc sử dụng phụ gia thực phẩm trên cơ sở đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Tiêu chuẩn Codex cũng yêu cầu, ngay cả với phụ gia được phép sử dụng, cơ quan quản lý vẫn phải tiến hành điều tra lượng tiêu thụ thực tế, đánh giá độc tính, mức độ tích lũy, để từ đó có những điều chỉnh, khuyến cáo thích hợp. Sao Cục không cho biết đã thật sự làm theo các quy định này chưa. Nếu làm rồi và làm đúng, sao không chỉ cụ thể Cục đã tiến hành việc đó bao giờ, ở đâu.

Năm, liên quan đến ghi cảnh báo tác dụng không mong muốn của E102 trên nhãn sản phẩm, công văn khẳng định “Ở Việt Nam việc ghi nhãn sản phẩm tuân theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30-8-2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa”.

Tuy nhiên, Nghị định 89 có yêu cầu với phụ gia thực phẩm, doanh nghiệp phải ghi rõ thành phần định lượng và, quan trọng hơn, thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn. Với E102, nguy cơ dị ứng đã được các quốc gia thừa nhận, Codex cũng nêu vấn đề, và bản thân Cục cũng đề cập. Vậy thì sao cảnh báo nguy cơ dị ứng vẫn không được nêu ra?

Phóng viên Tiền Phong đăng ký phỏng vấn trực tiếp người đứng đầu Cục về E102. Sau gần hai tuần chờ đợi, phóng viên nhận được một văn bản 8 trang không ghi ngày tháng, không có tên và chữ ký người trả lời, trừ một dấu treo đầu văn bản và dấu giáp lai trên từng trang. Đáng nói hơn cả, nội dung trả lời cho thấy chưa thực sự tôn trọng sức khỏe người tiêu dùng.

> Toàn văn Văn bản trả lời của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG