Ngư dân ngán mua bảo hiểm tàu

Ngư dân Trương Văn Hai với con tàu từng trầy trật vì bảo hiểm Ảnh: Nam Cường
Ngư dân Trương Văn Hai với con tàu từng trầy trật vì bảo hiểm Ảnh: Nam Cường
TP - Ra khơi đối mặt với hiểm nguy, neo đậu âu thuyền cũng luôn thấp thỏm mùa mưa bão. Vì thế, phao cứu sinh duy nhất của ngư dân để giữ cần câu cơm chính là bảo hiểm. Thế nhưng từ nhiều năm nay, những cuộc hôn nhân giữa ngư dân và bảo hiểm luôn đầy sóng gió.

> Nhà nước cần có tàu bảo vệ ngư dân

Ngư dân Trương Văn Hai với con tàu từng trầy trật vì bảo hiểm Ảnh: Nam Cường
Ngư dân Trương Văn Hai với con tàu từng trầy trật vì bảo hiểm. Ảnh: Nam Cường.
 

7 lần đáo tụng đình

Đó là trường hợp của ngư dân Nguyễn Đức Thạch (Thanh Khê- Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90271 công suất 450CV. Ngày 14-11-2008, anh Thạch đưa tàu ra khơi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Ngày 20-11, trên đường vào bờ, tàu anh bị hỏng máy, nước tràn vào gây chìm. Rất may, bộ đội biên phòng đã ứng cứu kịp thời đưa 14 ngư dân vào bờ an toàn.

Riêng con tàu, anh Thạch phải thuê nhiều tàu trục vớt, lai dắt vào bờ. Sau khi sửa chữa, anh bị thiệt hại gần 400 triệu đồng. Trong khi đó, con tàu trị giá ban đầu gần 1 tỷ đồng, anh mua bảo hiểm của Cty bảo hiểm Bảo Minh giá 10 triệu đồng/năm, mức bồi thường tối đa 820 triệu đồng.

Đại diện bảo hiểm yêu cầu anh Thạch xuất trình bằng lái máy trưởng hạng 4-5, trong khi thuyền trưởng tàu ĐNa 90271 chỉ là hạng 1-2 (không đúng luật đối với tàu trên 90 CV). Đồng thời bảo hiểm tiếp tục đưa ra bằng chứng là bản tin dự báo thời tiết là đài khí tượng thủy văn (KTTV) miền Nam thông báo có áp thấp nhiệt đới tại vùng biển Bình Thuận - Cà Mau vào ngày 11-11-2008 và cho rằng tàu ĐNa 90271 ra khơi không hợp pháp.

Anh Thạch phải lặn lội gõ cửa đài KTTV Trung Trung Bộ, BCH PCLB Đà Nẵng, chứng minh được, áp thấp nhiệt đới lúc đó cách vùng biển Quảng Trị gần 1.000km, và Đồn biên phòng Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Bình… không ngăn chặn tàu ra khơi thời điểm đó.

Vụ việc được đưa ra tòa. Mất 2 năm trời với 7 lần ra tòa xét xử, cuối cùng anh chỉ được phía Cty bảo hiểm chi trả 197 triệu, tức là 2/3 số tiền yêu cầu bồi thường. Trong khi anh tốn gần 50 triệu tiền thuê luật sư, phí tổn cho bên thi hành án, cùng 2 năm trời đi lại không làm ăn được gì. “Giờ đây, số nợ hơn 500 triệu cả ngân hàng và vay ngoài vẫn còn y nguyên. Tôi không chơi với bảo hiểm nữa”- anh Thạch nói.

Anh Trương Văn Hai (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), kể: Tháng 7-2009, hai tàu ĐNa 90235 và ĐNa 90035 của anh tránh bão ở Cồn Cỏ (Quảng Trị), bị va đập hư hỏng, chìm cả hai chiếc, có giấy biên nhận của Đồn biên phòng Cồn Cỏ. Anh thuê tàu trục vớt, lai dắt về, mất gần 250 triệu.

Lúc đầu bên bảo hiểm rất nhiệt tình, chạy ra tận đảo giám định, nhưng sau đó ngâm hồ sơ đến 4 tháng, cùng với hàng chục lý do khấu hao, trừ chi phí. Cuối cùng đền bù chỉ còn 51 triệu cho hai tàu. Anh Hai quả quyết: “Tôi không tin nữa, giờ còn 1 chiếc ĐNa 90235 đang câu mực ở Hoàng Sa, tôi có mua bảo hiểm nhưng nói thật, cho vui thôi”.

Anh Phạm T. - ngư dân ở Thanh Khê, sau bão Chan Chu, đội tàu 4 chiếc, bị nạn 3 chiếc. Anh hàng chục lần lên xuống bảo hiểm, chứng minh hàng chục thứ giấy tờ, rồi dự nhiều cuộc họp, cuối cùng chỉ nhận được đúng 1/3 giá trị hợp đồng bảo hiểm.

Nhiêu khê, phức tạp

Không nhiều ngư dân bỏ thời gian công sức đáo tụng đình đến 7 lần như anh Thạch. Với họ, kiện bảo hiểm khác nào kiến kiện củ khoai. Theo các ngư dân, một trong nhiều chiêu bên bảo hiểm hay đưa ra khi phải bồi thường là cố làm cho thủ tục hết sức rườm rà nhiêu khê, nghiêm trọng hóa vấn đề và kéo dài thời gian. Khi đó, ngư dân vừa không có thời gian, vừa không am hiểu luật pháp, sẽ dễ dàng bỏ cuộc chấp nhận mức đền bù tối thiểu.

Từ năm 2009 đến nay, số lượng hợp đồng bảo hiểm thân tàu của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng… ngày càng giảm. Ngoài lý do lượng tàu nằm bờ, ngư dân bỏ biển nhiều, thì còn do nhiều ngư dân thất vọng trước thủ tục nhiêu khê, chi trả không đàng hoàng nên từ chối bảo hiểm.

Ông Lê Văn Vui (xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam), chủ xưởng sửa chữa tàu, kể: “Nhiều chủ tàu chẳng may bị hỏng hóc khi ra khơi nhưng không thấy nhân viên bảo hiểm tới. Khi lên với đại lý bảo hiểm thì họ bảo về kê khai hàng chục thứ chứng thực từ biên phòng đến người làm chứng, ảnh hiện trường, biên bản… khiến chủ tàu tốn nhiều thời gian, công sức.

Nhiều người chấp nhận bỏ tiền tự sửa để ra khơi còn hơn ngồi chờ tiền bảo hiểm. Tháng trước, tàu QNa 1864 của ông Võ Văn Quang (Tam Quang, Núi Thành) bị gãy trụ cẩu tàu, ông được yêu cầu kê khai một loạt giấy tờ. Không biết bao giờ mới làm xong hồ sơ nên ông đành tự bỏ tiền túi ra sửa chữa”.

Điều đáng nói, do các chính sách nhà nước lâu nay chỉ chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ (trên 90CV), trong khi ngư dân nghèo lại thường là chủ những tàu thuyền công suất nhỏ. Ở Quảng Nam hiện có 4.967 tàu thuyền công suất dưới 90CV không mua bảo hiểm.

Theo ông Trần Văn Hưng - trưởng phòng NN-PTNT huyện Núi Thành (Quảng Nam): Toàn huyện có hơn 1.800 tàu có công suất dưới 90CV không mua bảo hiểm. Thời điểm 2008 - 2009, quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có việc hỗ trợ dầu cho ngư dân với điều kiện bắt buộc là tàu thuyền nhỏ phải có bảo hiểm thì chủ tàu thuyền đổ xô đi mua bảo hiểm. Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, quyết định trên không còn hiệu lực nên ai nấy quên mua bảo hiểm luôn.

Ông Võ Đình Lịch - GĐ Chi nhánh bảo hiểm Bảo Minh - Đà Nẵng cho biết: Tình trạng ngư dân mua bảo hiểm giá thấp nhưng luôn đòi bồi thường giá cao rất phổ biến. “Ngoài ra, theo luật, thuyền trưởng tàu xa bờ phải có bằng cấp 4 - 5, trong khi ngư dân luôn cho rằng họ chỉ cần dựa vào kinh nghiệm đi biển là đủ. Thế là không đúng. Ngư dân thường không hiểu, chúng tôi làm tất cả đều theo luật” - ông Lịch nói.

Được biết, hiện Bảo Minh ở Đà Nẵng chỉ còn 65 hợp đồng bảo hiểm thân tàu xa bờ, trong đó quận Thanh Khê chiếm hơn 70%.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG