Bão giật cấp 13 đổ bộ từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh

Bão giật cấp 13 đổ bộ từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh
TP - Trưa, chiều nay 30-7, bão số 3 (Nockten) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng ven biển, dự kiến đổ bộ vào khu vực từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10, 11, giật cấp 12, 13.

> Bão số 3 đang hướng về Thanh Hóa – Hà Tĩnh

Bão giật cấp 13 đổ bộ từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh ảnh 1
 

Mưa lớn từ trưa 30 đến 1-8

Tại cuộc họp khẩn đối phó với bão số 3, ngày 29-7, ông Bùi Minh Tăng, giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, cho biết, sáng 30-7, tâm bão cách bờ biển Thái Bình - Nghệ An khoảng 320 km về phía Đông.

Đến 16 giờ ngày 30-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ vĩ bắc, 107,3 độ kinh đông, cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 170 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, 13.

Theo ông Tăng, một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão (tên quốc tế là Muifa), với sức gió đạt đến 9 và tiếp tục mạnh dần lên. Do cơn bão này tương tác với bão số 3, khiến bão số 3 diễn biến phức tạp, có chiều hướng đi xuống hoặc đi ngang, chệch xuống khu vực Bắc Trung bộ thay vì dự đoán đổ bộ vào Bắc bộ như trước đó. Từ đêm 30, sáng ngày 31-7, bão số ba có khả năng vào khu vực Thanh Hóa- Hà Tĩnh.

Theo ông Tăng, do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía tây bắc khu vực bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Từ chiều tối ngày 30-7, ở phía đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy. Các tỉnh từ Hải Phòng - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao 3 - 5m.

Ông Tăng cũng dự báo, từ trưa nay, 30-7, mưa xuất hiện và kéo dài đến ngày 1-8. Lượng mưa lớn sẽ tập trung ở khu vưc từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, khoảng 200-300 mm, một số nơi có có thể đến 400 mm.

Mưa sẽ gây một đợt lũ lớn trên các sông suối ở các tỉnh Bắc Trung bộ, nhiều sông lũ sẽ vượt báo động II, báo động III và không loại trừ lũ lịch sử. Ở Bắc bộ cũng sẽ xuất hiện một đợt lũ nhỏ và vừa.

Các tỉnh vùng núi Bắc Trung bộ, Bắc bộ cần cảnh giác với hiện tượng lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng hoặc cục bộ.

Hiện các hồ chứa vừa và nhỏ ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã tích được từ 60 đến 80% dung tích, một số hồ đã đầy nên đợt mưa này nhiều hồ sẽ đầy và tràn, nguy cơ sạt lở, thậm chí vỡ đập không thể loại trừ nên cần kiểm tra, gia cố khẩn cấp và theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh.

Đảm bảo an toàn về người, tài sản là trên hết

Tại cuộc họp hôm qua, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát lưu ý, bão số 3 là cơn bão mạnh, sức gió lớn, trước, trong và sau bão có thể có diễn biến phức tạp. Ông Phát yêu cầu cá c địa phương tiếp tục kêu gọi kiểm đếm các tàu thuyền về nơi an toàn. Việc sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu trú tránh bão phải đúng kỹ thuật, tránh trường hợp va đập, chìm tàu ở cửa biển.

Ở vịnh Bắc bộ cần xem xét khả năng cấm biển từ sáng 30-7, từ bắc vĩ tuyến 17 trở ra. Do bão đi nhanh, đổ bộ sớm, nên những vùng nguy hiểm, các địa phương cần sơ tán dân phải xong trước 15h ngày 30-7.

Tại Công điện khẩn ngày 29-7, gửi các bộ ngành và các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương kiểm tra, có biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các công trình xây dựng, bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình đang thi công.

Có phương án chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện; kiên quyết không cho người ở lại trên tàu thuyền, trên các đầm, chòi canh, nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ.

Thủ tướng yêu cầu hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chủ động với tình huống mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày; cử người canh gác, hướng dẫn đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngâm sâu.

Thủ tướng đã cử hai 2 đoàn công tác trực tiếp vào các tỉnh từ Thanh Hóa – Quảng Trị để kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão.

Ngày 27-7, tàu cá QNg 95010 của Quảng Ngãi do ông Nguyễn Văn Pho làm thuyền trưởng (11 ngư dân) làm nghề lặn ở khu vực quần đảo Trường Sa bị sóng lớn đánh chìm. 11 người trên tàu được một tàu Philipines cứu vớt. Hiện, Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo tiến hành xác minh thông tin về tàu và liên lạc với tàu Philippines để sớm đưa ngư dân được cứu trở về.

- Ngày 29-7, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) cho biết, dự kiến hôm nay, 6 chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM đi Vinh và ngược lại sẽ phải hủy. Cụ thể, gồm: VN1711, VN1713 (Hà Nội - Vinh), VN1710 và VN1712 (Vinh - Hà Nội), VN1266 (TP HCM - Vinh) và VN1267 (Vinh- TP HCM).

- Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do tương tác với bão Muifa mới hình thành nhưng rất mạnh ngoài khơi Tây Thái Bình Dương nên bão số 3 đổỉ hướng di chuyển so với dự đoán ban đầu. Khả năng bão sẽ đi lệch về phía Tây Tây nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG