Học làm cha làm mẹ

Học làm cha làm mẹ
TP - Bước vào năm học, nhiều trẻ bỗng dưng thích game, mệt mỏi, đổ bệnh… nhưng không phải phụ huynh lúc nào cũng biết cách dạy con khắc phục vấn đề. Không ít cha mẹ vô tình chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Sao không dạy làm cha làm mẹ?

Những câu chuyện từ lớp học bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tâm lý – học làm cha mẹ đang được Trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục đặc biệt (TTNCVPTGDĐB) Đà Nẵng tổ chức.

Thay đổi của con

Mới vài tuần đầu năm học lớp 1, em Trần Trí D. (trường tiểu học Hoàng Văn Thụ - Đà Nẵng) liên tục cảm thấy mệt mỏi mỗi khi đến lớp. Chị Trần Phương L. mẹ D. bất ngờ vì bình thường cháu ở nhà hiếu động, ham chơi. Có lúc cháu còn bị nôn ói khiến cả nhà phát hoảng. Đến lớp học làm cha mẹ, được các giảng viên “bắt mạch” nguyên nhân tâm lý, môi trường gia đình, chị Lan nhận ra: Ngay từ cấp mầm non, cả nhà liên tục gây áp lực thành tích học tập với D. khiến cậu bé luôn trong trạng thái phải cố gắng học.

“Tôi cứ tưởng tỏ cho cháu thấy sự kỳ vọng của gia đình sẽ khiến cháu chịu khó học hành, đạt thành tích tốt” - chị Lan nói. Nhưng, hậu quả, D. thường cảm thấy lo sợ học hành. Ở trường sợ cô, về nhà lại sợ bố mẹ kiểm tra bài vở.

Tương tự, phụ huynh Lê Phương M. đưa ra thời khóa biểu dày đặc lịch học cho cậu con trai Lê Th. Mỗi ngày với cậu học trò lớp 1 này phải học ba ca sáng - chiều - tối. Giờ rảnh với Th. là lúc kết thúc các giờ học thêm. “Thấy nó thích chơi game, tôi cho cháu được chơi 2 tiếng để tiện làm việc nhà. Nhưng điều lạ là từ lúc chơi game cháu hay kêu chán học, buồn ngủ. Chỉ khi chơi mới thấy thằng bé tỉnh táo hẳn” - chị M. bộc bạch. Nhưng các chuyên gia lớp bồi dưỡng cảnh báo nguy cơ nghiện game của con trẻ nếu không có biện pháp khắc phục.

Theo các chuyên gia tâm lý, trường hợp của Th. do học quá “công suất” nên khi được chơi game em dễ thấy đây là chỗ xả stress. Cứ thế thần kinh của Th. được kích thích, hưng phấn tập trung cao độ, nên sau giờ chơi này, Th. lại tiếp tục rơi vào trạng thái mệt, cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Anh Đoàn Ngọc L. (phường Hòa Cường, Hải Châu), cháu Đoàn Ngọc Hiếu Ng. biết đọc trước khi vào lớp 1, nhưng cả nhà bất ngờ khi cháu liên tục rụt rè, thiếu tự tin mỗi khi lên lớp. Cô giáo hay than phiền cháu rất ngại đọc bài, rụt rè, không dám đứng lên phát biểu. Những ngày học đầu tiên, Ng. căng thẳng quá nên bị đau dạ dày, nôn ọe.

“Bắt bệnh” cha mẹ

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng - giảng viên Khoa tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), Phó giám đốc TTNCVPTGDĐB, nói: lớp tập trung vào đối tượng phụ huynh học sinh lớp 1. Bởi lẽ đây là giai đoạn chuyển tiếp trong môi trường học tập mới rất quan trọng của các bé. Nhiều em có các biểu hiện ngại đi học, không chịu làm bài tập ở nhà, tìm cách bỏ học… Thậm chí còn có hiện tượng đau nhức đầu, bụng, nôn ói trước giờ đến trường. Đây không phải là trẻ “giả bộ” mà là trạng thái tâm lý do sợ hãi việc đi học mà tác động đến hệ thần kinh, gây ra những kích thích sinh hóa học, tạo ra những cơn đau thực sự. Những hiện tượng này xảy ra khoảng một vài tuần sau khi nhập học và có thể kéo dài lâu nếu không biết cách khắc phục và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ về cả sức khỏe và học tập.

“Thực tế, nhiều cha mẹ hiện đang rất thiếu kỹ năng giải quyết tâm lý, dạy dỗ con cái. Họ phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm và ít chú tâm vào việc nuôi dạy con cái. Bên cạnh đó nhiều khi lại gây áp lực lên các bé khiến trẻ dễ stress, chán học” - TS Hằng nói. Qua tìm hiểu, trường hợp bé Ng. có nguyên nhân từ chính bản thân phụ huynh sống khép kín, ít giao tiếp với xung quanh. Nên khi tiếp cận với môi trường rộng, ngoài gia đình, Ng, dễ bị phản ứng sợ sệt, thiếu tự tin. Cách “điều trị” lúc này, gia đình nên giảm áp lực học hành, đồng thời tạo điều kiện giúp trẻ tiếp cận dần dần với khu xóm, tổ dân phố, tiếp xúc người lớn để giúp bé có sự tự tin…

Chị Nguyễn Thu H., học viên lớp bồi dưỡng, trần tình: Ban đầu nhìn thằng bé hay nghịch ngợm, làm đủ trò tôi cứ tưởng là nó hiếu động, ham chơi. Nhưng khi nghe tham vấn từ các chuyên gia mới biết cháu bị tăng động (hành động liên tục nhưng không có mục đích) cần khắc phục bằng cách hướng dẫn cho trẻ làm việc nhà, bố trí học bài đúng cách để giúp cháu thích nghi dần, tạo sự phát triển ổn định thần kinh cho bé.

TS tâm lý Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý học (Viện Tâm Lý học, Hà Nội) cho rằng: vai trò các bậc phụ huynh khi con vào lớp 1 là rất quan trọng. Nếu biết cách các phụ huynh sẽ giúp con mình giảm bớt được những khó khăn về mặt tâm lý và hơn thế nữa giúp con mình có những tiền đề tốt để khởi đầu thành công từ lớp 1. Ngược lại sẽ gây ảnh hưởng không tốt.

TS Hằng nói: “Từ vấn đề của học sinh, chúng tôi giúp chỉ ra vấn đề của từng phụ huynh đang gặp phải. Thực tế, nhiều khi do chính cha mẹ thiếu kiến thức kỹ năng, tâm lý nên không nhạy cảm nhận biết các mong muốn của con cái, dẫn đến áp đặt ý kiến của mình. Ở độ tuổi này, các bé chủ yếu tiếp xúc với môi trường gia đình nhiều hơn là xã hội, nhà trường, do đó tầm ảnh hưởng, tác động của gia đình là rất lớn”.

"Chúng tôi cung cấp các kiến thức nền tảng cho cha mẹ về các đặc điểm tâm lý của trẻ như: nhu cầu vui chơi, đặc điểm tư duy, trí nhớ…, các biểu hiện khi trẻ gặp vấn đề. Cha mẹ có điểm mạnh là thương yêu, lo lắng cho con cái nhưng việc giáo dục của họ nhiều khi phản tác dụng". Ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc TTNCVPTKNGDĐB

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG