Năm 2012, kiềm chế lạm phát dưới 10%

Năm 2012, kiềm chế lạm phát dưới 10%
TP - “Năm 2012 phấn đấu kiềm chế lạm phát dưới 10%, các năm sau thấp hơn, đến 2015 lạm phát khoảng 5- 7%. Đến năm 2015, nợ công khoảng 60- 65% GDP”.

Khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII

Năm 2012, kiềm chế lạm phát dưới 10%

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết như vậy trong phiên khai mạc Quốc hội, sáng 20- 10.

Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận còn nhiều yếu kém

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ tháng 5- 2011 mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, ước cả năm tăng khoảng 18%. Bội chi ngân sách năm 2011 giảm xuống còn 4,9% GDP, thu ngân sách tăng, đáp ứng nhu cầu chi và dành một phần để tăng chi trả nợ.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt; ước cả năm tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%. Theo Thủ tướng, trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát, giảm mạnh tăng trưởng tín dụng, thắt chặt chi ngân sách nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng liên tục, quý sau cao hơn quý trước, cả năm GDP ước đạt khoảng 6%. Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng chi ngân sách nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước tăng khoảng 20%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho biết, Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận còn nhiều yếu kém, bất cập. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỷ giá còn lớn; thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản giảm sút…

Năm 2012: Ưu tiên nguồn lực tái cơ cấu nền kinh tế

Các chỉ tiêu chính năm 2012

Lạm phát: Dưới 10%

GDP: Khoảng 6- 6,5%

Bội chi ngân sách: 4,8%

Đến năm 2015, nợ công khoảng 60- 65% GDP.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu tổng quát của năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế…

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đưa ra 7 nhóm giải pháp. Thủ tướng khẳng định, năm 2012 việc ổn định kinh tế vĩ mô phải được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011- 2015.

Chính phủ nhận thấy, nguyên nhân chủ yếu gây lạm phát cao ở nước ta là do hệ quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trong khi cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn kém hiệu quả; cùng những hạn chế trong quản lý điều hành và tác động cộng hưởng của các yếu tố tâm lý. Để kiềm chế lạm phát phải kiên quyết khắc phục các nguyên nhân chủ yếu này.

Đặc biệt, năm 2012, Chính phủ sẽ thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng. Hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện các đột phá theo một lộ trình hợp lý. Ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế.

Đổi mới tư duy về đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy về đầu tư công, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển. Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu yêu cầu, khẩn trương sửa đổi quy chế phân cấp quản lý đầu tư theo hướng bảo đảm quản lý thống nhất của trung ương về mục tiêu và danh mục các chương trình, dự án theo quy hoạch.

Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng cho biết, sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và sắp xếp lại các DNNN. Rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ. Thực hiện công khai kết quả hoạt động của DNNN, đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Thủ tướng khẳng định, cần tái cơ cấu ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém. Kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng thương mại.

Tăng chất lượng y tế, đổi mới giáo dục

Về các chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, phấn đấu mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo và giảm nhanh tại các huyện nghèo nhất. Phấn đấu thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân năm 2014. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đổi mới quản lý giáo dục đồng thời với việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề.

Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Sửa Luật Đất đai, bảo đảm quyền của Nhà nước trong việc thu hồi đất cho mục đích phát triển, xử lý hài hòa lợi ích của người giao đất và người nhận đất đầu tư sản xuất kinh doanh. Coi trọng phản biện xã hội, đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức vận hành của bộ máy nhà nước. Hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ công chức, quy định rõ chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ và quyền lợi. Hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức. Đổi mới chế độ tiền lương và chính sách động viên, khuyến khích cán bộ công chức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG