Cầu truyền hình 'Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển'

Cầu truyền hình 'Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển'
TP - Chương trình truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 23-10 trên VTV1 và VTV6, với nhiều nhân chứng và câu chuyện xúc động.

 > Hành trình theo dấu đường Hồ Chí Minh trên biển đến Vàm Lũng
 > “Hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển” đến Bến Tre

Cách đây 50 năm, một tuyến đường đặc biệt mở ra trên biển Đông để chi viện vũ khí cho miền Nam. Trong suốt 14 năm hoạt động bí mật, với 166 chuyến đi, những con tàu không số đã đưa vào chiến trường hơn 5.712 tấn vũ khí và hàng hóa, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Nửa thế kỷ trôi qua, đường Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu không số ngày ấy đã trở thành biểu tượng sáng ngời về tầm nhìn chiến lược, một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân.

Nhân kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Đài THVN phối hợp Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân thực hiện cầu truyền hình trực tiếp Sáng mãi đường Hồ Chí Minh trên biển.

Hai tháng chuẩn bị, ê-kíp chương trình đã tỏa đi nhiều địa phương để gặp gỡ nhân chứng, khảo sát các địa điểm, lên kịch bản gồm 4 phần: Khởi đầu huyền thoại, Những huyền thoại bất tử, Thuyền và bến và Viết tiếp huyền thoại.

Đài tưởng niệm tàu không số tại bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng là điểm cầu chính. Hai điểm cầu còn lại được đặt tại Lữ đoàn 125, cảng Cát Lái, TPHCM và tượng đài kỷ niệm tàu không số, UBND huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Trong 150 phút, sẽ có nhiều câu chuyện cảm động được kể lại bằng nhiều hình thức: Hoạt cảnh Khởi đầu huyền thoại do TS-NSND Phạm Thị Thành viết kịch bản kiêm đạo diễn; chùm phóng sự tài liệu tái hiện lại những dấu mốc quan trọng của tuyến đường biển lịch sử, các tiết mục hợp xướng: Đất nước bên bờ sóng (sáng tác: Thái Văn Hóa), Lãnh hải thiêng liêng (sáng tác: Doãn Nho), biểu diễn: Phương Nga – Xuân Hảo cùng dàn hợp xướng đoàn nghệ thuật Quân khu 3, Quân khu 7, Quân khu 9, Quân chủng Hải quân, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; nhiều tiết mục văn nghệ: Đường Hồ Chí Minh trên biển quê tôi (sáng tác: Xuân An, thơ: Triệu Phong, biểu diễn: tốp ca nữ), Đường Hồ Chí Minh trên biển (sáng tác: Nguyễn Cường, biểu diễn; tốp nam), Phan Vinh người con của biển (sáng tác: Minh Quang, biểu diễn: Thanh Thúy), Mùa xuân (sáng tác: Phạm Minh Tuấn, thơ: Elena Supotman, biểu diễn: Phương Anh), vọng cổ Mùa trái mắm trên sông (sáng tác: Hà Phương Trang)…

Đặc biệt, có sự tham gia của nhiều nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp tham gia trên các chuyến tàu không số. Đó là những thủy thủ của con tàu Phương Đông 1 cùng chuyến đi đầu tiên chở vũ khí vào Nam cập bến thành công vào tháng 10-1962; là những chiến sĩ của chiếc tàu duy nhất vào đến bến trong Tết Mậu Thân 1968; là thủy thủ từng tham gia 18 chuyến đi bằng cả tàu sắt và tàu hai đáy, là người dân tham gia chốt giữ cửa bến, đưa đón, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ…

Cùng với các kỷ vật chiến tranh, những cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa những người đồng đội – chương trình mang tới khán giả nhiều câu chuyện xúc động, sâu sắc; qua đó giúp khán giả đặc biệt là các bạn trẻ hiểu rõ hơn điều đã làm nên kỳ tích độc đáo của con đường, những con tàu và những người tham gia tuyến đường này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.