Cởi nút thắt nền kinh tế

Cởi nút thắt nền kinh tế
TP - Cần đại phẫu doanh nghiệp nhà nước, coi trọng cạnh tranh… để tháo gỡ những nút thắt cổ chai của nền kinh tế. TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright TPHCM nói.
Giao thông vận tải là một trong những nút thắt gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giao thông vận tải là một trong những nút thắt gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.

TS. Tự Anh nói: Chính phủ hay báo chí thường nói đến 3 cái nút thắt cổ chai. Nút thắt đầu tiên là thể chế, cụ thể là cơ chế hành chính. Nút thắt thứ hai là về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải và điện. Nút thắt thứ 3 là về nhân lực, đặc biệt nhân lực có kỹ năng và trình độ cao. Nhưng, đằng sau 3 nút thắt ấy nó có một nút thắt lớn hơn rất nhiều, đấy là nút thắt về tư duy.

Ông có thể nói cụ thể về nút thắt tư duy?

Hiện, trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn dùng hệ điều hành cũ của một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế mới. Nền kinh tế mới của ta là nền kinh tế mở hơn rất nhiều. Nếu như 10-15 năm trước, tỷ lệ nhập khẩu, xuất khẩu thấp thì bây giờ là 150% GDP. Nếu khoảng 10 năm trước, kinh tế khu vực nhà nước chiếm khoảng 50% thì bây giờ còn 25% GDP. Từ 1995, công nghiệp nhà nước chiếm 50%, giờ chỉ chiếm chưa đến 20% tổng sản lượng công nghiệp. Khu vực nhà nước nhỏ lại và nền kinh tế mở cửa rộng hơn với bên ngoài, nhưng chúng ta vẫn dùng biện pháp, công cụ cũ để điều hành nền kinh tế mới. Ví dụ thứ nhất là về quy hoạch, trong 18 khu kinh tế cả nước có 15 khu ở miền Trung thì tỷ lệ lấp đầy chỉ 4%. Quy hoạch về cảng, nhất là khu vực Cái Mép-Thị Vải, tổng công suất lên 8 triệu tấn, trong khi lượng hàng qua cảng là 20%. Rồi quy hoạch về đất đai, các nhà máy điện... cũng vậy.

Ví dụ thứ hai là các biện pháp can thiệp có tính hành chính trong chính sách tiền tệ. Hôm trước bảo không có gì thay đổi, hôm sau lập tức thay đổi lãi suất; ép trần lãi suất, bắt các ngân hàng phải có trần lãi suất huy động 14%, và cho vay 17-19%, nếu như không chấp hành thì bãi nhiệm tổng giám đốc... Với những ngân hàng thương mại cổ phần, chỉ HĐQT mới được phép bãi nhiệm một người do HĐQT bầu ra chứ làm sao nhà nước có thể can thiệp được.

Đi đôi với hệ điều hành cũ, đang có sự suy giảm một cách tương đối về mặt trình độ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế với mặt bằng chung của xã hội. Theo tôi được biết, trong hai năm 2007-2008 có khoảng 200 cán bộ, công nhân viên của Ngân hàng nhà nước (NHNN) ra ngoài mà hầu hết những người ra ngoài đều được chào mời với mức lương rất cao của các công ty tài chính, chứng khoán, ngân hàng thương mại, bảo hiểm... Lực lượng đấy không phải một sớm một chiều có thể thay thế được, nên dẫn đến sự đi xuống của người vận hành hệ điều hành. Người quản lý mà kém hơn đối tượng mình quản lý thì làm sao quản lý nổi? Đấy mới là cái tắc lớn.

Hạ tầng yếu kém là một trong những nút thắt trong phát triển kinh tế VN Ảnh: Đại Dương
Hạ tầng yếu kém là một trong những nút thắt trong phát triển kinh tế VN Ảnh: Đại Dương.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước

Việt Nam nên học những bài học gì từ việc tháo nút cổ chai của Trung Quốc?

Từ cuối năm 2008, chúng ta bắt đầu nói đến cải cách cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng, thế mà 3 năm vừa rồi không có gì thay đổi, kể cả cơ cấu lẫn mô hình tăng trưởng. Một trong những vấn đề đang tạo ra những hệ lụy tiêu cực nhất là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Không phải lấy ví dụ về DNNN nữa, bởi một Vinashin là đủ rồi. Về đầu tư công, vừa rồi báo chí nói rất nhiều, nào là lãng phí, dàn trải, manh mún... Đấy là một trong những nút thắt cổ chai của nền kinh tế Việt Nam (VN) và là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng kinh tế hiện nay. Đây cũng là lĩnh vực nếu Nhà nước muốn cải cách thì có thể làm một cách trực tiếp nhất vì Nhà nước trực tiếp quản hai lĩnh vực này.

Bài học đầu tiên VN có thể học Trung Quốc (TQ) là về cải cách DNNN. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, TQ rất thành công trong việc cải cách DNNN, họ xóa sổ hàng loạt DNNN, sa thải 30 triệu lao động trong khu vực công. Phải có quyết tâm chính trị mới có thể làm được cuộc giải phẫu này. VN cũng vậy, không thể chỉ có thoa mấy thứ thuốc ngoài da là được, mà dứt khoát phải có phẫu thuật, thậm chí là đại phẫu thuật. Thứ hai, cạnh tranh và cạnh tranh là nguyên tắc cơ bản trong việc nâng cao năng lực của bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào. TQ đã buộc các DNNN phải cạnh tranh với cả bên ngoài lẫn trong nội địa TQ và giữa các DNNN với nhau. Cạnh tranh tạo nên sức sống, DN mà không cạnh tranh thì không thể nào có hiệu quả được. Ví dụ đó ở VN rất rõ, VNPT và Viettel, cả hai đều của nhà nước nhưng khi cạnh tranh đã tạo ra giá cả rẻ, phủ sóng rộng, dịch vụ cũng được... Thế thì, vấn đề không phải là sở hữu, sở hữu chỉ là một phần, mà vấn đề là cạnh tranh.

TS Vũ Thành Tự Anh
TS Vũ Thành Tự Anh.

Thứ ba là phải thay đổi HĐQT. Ví dụ, nếu khi nhìn thấy DNNN có vấn đề thì phải lập tức điều chỉnh HĐQT, lập tức phải có hệ thống quản trị nội bộ tốt hơn. Một loạt sự đổ vỡ vừa rồi là lúc để chúng ta nhìn lại một cách khách quan và dũng cảm, xem cái khuyết tật nào là cố hữu của hệ thống, bởi vì sự vỡ nợ của Vinashin không phải là sự sụp đổ của một DN, mà là minh chứng của sai lầm có tính hệ thống trong quản trị nội bộ của DNNN. TQ chấp nhận cải cách có tính thể chế, cụ thể là cải cách về quản trị và điều hành của các DNNN.

Bây giờ, ở những tập đoàn nhà nước lớn của TQ, việc có một vài người nước ngoài ngồi trong HĐQT là việc rất bình thường. Người nước ngoài đấy không nhất thiết là người phải góp vốn mà có thể là ông giáo sư ở một trường đại học danh tiếng nào đấy trên thế giới. Cái quan trọng là các tập đoàn ấy thấy rằng khi đi ra nước ngoài, ra thị trường thế giới thì cần phải có tri thức của thị trường thế giới, phải có mối quan hệ và những nhân vật nước ngoài đứng chân trong HĐQT ấy sẽ có nhiệm vụ kết nối tập đoàn với những người, những tổ chức mà họ cần tới; hoặc cung cấp những thông tin mà chỉ bên ngoài mới thấy được, cung cấp những kỹ năng hoặc là những kiến thức không phải do học hành có được. Như vậy, họ đã vượt qua những cấm kỵ rất lớn là lo ngại về những rủi ro do người nước ngoài (thành viên HĐQT) có thể đem lại.

Nếu khoảng 10 năm trước, kinh tế khu vực nhà nước chiếm khoảng 50% thì bây giờ còn 25% GDP. Từ 1995, công nghiệp nhà nước chiếm 50%, giờ chỉ chiếm chưa đến 20% tổng sản lượng công nghiệp. Khu vực nhà nước nhỏ lại và nền kinh tế mở cửa rộng hơn với bên ngoài, nhưng chúng ta vẫn dùng biện pháp, công cụ cũ, để điều hành nền kinh tế mới. TS Vũ Thành Tự Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG