Hà Nội sẽ mở thêm sáu tuyến phố đi bộ

Hà Nội sẽ mở thêm sáu tuyến phố đi bộ
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng không gian đi bộ sang khu bảo tồn cấp 1 khu phố cổ, gồm các phố Hàng Buồm - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Mã Mây - Đào Duy Từ-Tạ Hiện.

Hiện nay, đề án đã hoàn thành và khi thành phố chấp thuận, cuối tháng 11 hoặc tháng 12 tới, người dân Hà Nội và du khách sẽ có một không gian phố đi bộ mới, kết nối với phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân và có cơ hội phám khá sâu hơn phố cổ về đêm; thưởng thức các giá trị lịch sử, văn hóa, ẩm thực của đất Kinh kỳ xưa.

Khi đi vào phục vụ người dân Hà Nội và du khách, không gian phố đi bộ mở rộng sẽ hoạt động ba tối mỗi tuần, gồm thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật tương ứng với phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân. Thời gian từ 19 giờ đối với mùa Hè và 18 giờ đối với mùa Đông đến hết 24 giờ.

Nằm trong khu bảo tồn cấp 1, các tuyến phố Hàng Buồm-Hàng Giầy-Lương Ngọc Quyến-Mã Mây-Đào Duy Từ-Tạ Hiện thuộc phường Hàng Buồm và Hàng Bạc lưu giữ nhiều công trình kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ 18-19 cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa.

Một nét đặc trưng khác của các khu phố này, là nơi quy tụ các món ăn đặc sản nổi tiếng của đất Hà thành mang đậm dấu ấn của người Việt và Hoa kiều. Chính vì vậy, các khu phố này thu hút rất đông thực khách, nhất là khách nước ngoài tìm đến; vừa thưởng thức món ăn tinh tế, vừa tìm hiểu nét đặc trưng của khu phố cổ.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng đề án nhận định: “Xét trên các khía cạnh, chúng tôi thấy khu phố cổ mở rộng rất giàu tiềm năng và điều kiện để khôi phục, phát triển văn hóa ẩm thực đất Kinh kỳ. Bởi thực tế, ẩm thực chính là nét văn hóa, là một trong những yếu tố để hấp dẫn người dân và du khách đến với phố cổ Hà Nội. Vì vậy, không gian đi bộ khu phố cổ mở rộng được chúng tôi xây dựng theo hướng phát triển văn hóa ẩm thực, tạo một sắc thái riêng.”

Qua khảo sát các nhà mặt phố mở cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Buồm-Hàng Giầy-Lương Ngọc Quyến-Mã Mây-Tạ Hiện, trong tổng số 159 cửa hàng có 47 gia đình mở cửa hàng kinh doanh ăn uống, chiếm 29,5%. Trên vỉa hè các tuyến phố này có 50 người bán hàng buổi tối.

Công ty Cổ phần Đồng Xuân cũng xây dựng phương án vị trí đặt các điểm chốt, bố trí các điểm giao thông tĩnh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Du khách sau khi đi tham quan, mua sắm ở phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân, có thể thưởng thức món ăn nhẹ tại các tuyến phố mở rộng.

Ông Đỗ Xuân Thủy cho biết: “Khác với bài trí như phố Hàng Đào-Đồng Xuân, khu phố đi bộ mở rộng bố trí thành các cụm nhỏ bán sản phẩm ẩm thực, thực phẩm đồ uống tạo thành điểm nhấn cho toàn bộ không gian.”

Đơn vị quản lý cũng vận động người dân trên mặt phố mở cửa hàng ăn uống và không đun nấu tại chỗ. Có nghĩa, ngoài các gia đình trên tuyến phố, các cửa hàng còn lại sẽ tổ chức chế biến tại nơi khác mang đến bày bán, tránh làm ảnh hưởng tới môi trường khu vực này. Trên vỉa hè rộng chừng 1,5m; các cửa hàng chỉ được phép sử dụng một nửa diện tích để không gian đi bộ được thoáng rộng; một số khu vực khác có thể bán ở mép đường thành từng cụm.

Tuyến phố Lương Ngọc Quyến-Tạ Hiện, nơi tập trung nhiều khách nước ngoài sẽ tổ chức thành các gian hàng tựa như “chợ Tây” ở phường Quảng An. Sản phẩm bày bán ở đây đa phần là đồ ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa truyền thống, trong đó chú trọng món ăn của Hà Nội xưa.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Đồng Xuân đã tổ chức nhiều cuộc họp với đoàn thể và đại diện nhân dân các tuyến phố mở rộng nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Đa phần mọi người đều nhiệt tình ủng hộ và cho rằng cần khẩn trương triển khai đề án.

Một người dân trên phố Hàng Buồm cho biết: “Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của quận và thành phố; bởi đó là việc khôi phục các giá trị truyền thống vốn có của khu phố cổ Hà Nội đồng thời chúng tôi cũng có điều kiện phát triển thêm dịch vụ, thương mại”.

Theo Đinh Thị Thuận
TTXVN/Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.