Nhà máy chậm dời, dân hứng ô nhiễm

Người nuôi cá tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì nơm nớp lo ô nhiễm làm họ trắng tay. Ảnh: Minh Tuấn
Người nuôi cá tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì nơm nớp lo ô nhiễm làm họ trắng tay. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Hàng trăm cơ sở công nghiệp ở Hà Nội thuộc diện phải di dời nhưng vướng mắc đất đai, tài chính… Người dân tiếp tục sống chung với nước bẩn, khí độc…

> Buộc Cty Mauri VN khắc phục tình trạng gây ô nhiễm
> Hàng trăm người dân vây trạm xử lý nước thải

Người nuôi cá tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì nơm nớp lo ô nhiễm làm họ trắng tay. Ảnh: Minh Tuấn
Người nuôi cá tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì nơm nớp lo ô nhiễm làm họ trắng tay. Ảnh: Minh Tuấn.

Cá chết, người ốm

Theo nhiều người dân sống gần nhà máy Phân lân Văn Điển, Pin Văn Điển và Sơn Tổng hợp Hà Nội, ở huyện Thanh Trì dù ba nhà máy nói đã có nhiều biện pháp giảm ô nhiễm nhưng ô nhiễm không khí, bụi và nguồn nước vẫn rất nghiêm trọng.

Anh Hoà, chủ thầu một đầm lớn nuôi cá sát nhà máy Phân lân Văn Điển, cho hay, cách đây một tháng, hàng ngàn con cá đang độ lớn chết nổi trắng cả góc đầm thiệt hại lên tới 30 triệu đồng. “Chất độc từ các nhà máy thải ra trước đây ngấm vào đất và nguồn nước khiến cho cá cũng bị méo mồm, dị dạng. Chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều tiền cải tạo lại hồ ao”, anh Hoà nói.

Anh Trình Lăng Hải (trú tại đội 3, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) phản ánh: Nhiều năm qua, gia đình không dám dùng nước giếng để nấu ăn, đun nước uống do rất tanh và hôi. Nước dùng ăn uống phải mua vì tại đây chưa có nước máy.

Sau sự việc hàng tấn cá chết do ô nhiễm mấy năm trước đây, nhà máy Phân lân Văn Điển đã cải thiện xử lý nước thải, nhưng người dân quanh khu vực vẫn nơm nớp lo mắc bệnh ung thư, đường ruột, hô hấp. “Vẫn biết là ô nhiễm, nhưng nhà ở đây, đất ở đây nên vẫn phải nuôi cá, trồng rau mà sinh sống”, anh Hải nói.

Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Trì Trần Văn Chung cho biết, Thanh Trì là vùng trũng lại có nhiều nguồn ô nhiễm cao như nghĩa trang Văn Điển, sông Tô Lịch, sông Om chảy qua và khoảng 30 nhà máy. Các doanh nghiệp như Sơn Tổng hợp, Pin Văn Điển, Phân lân Văn Điển đều nằm trong danh sách buộc phải di dời.

“Năm 2007, 2009, Cty Sơn Tổng hợp bị xử phạt về vi phạm quy định bảo vệ môi trường nên khi doanh nghiệp này đề nghị mở rộng sản xuất, chúng tôi đã không chấp thuận”, ông Chung nói.

422 cơ sở phải di dời

Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết, sau khi cơ bản hoàn tất di dời 25 cơ sở ô nhiễm trong nội thành (trừ Bệnh viện Đống Đa) theo quyết định của Thủ tướng, Hà Nội lập danh sách 422 doanh nghiệp khác với diện tích chiếm gần ngàn ha buộc phải di dời. Hầu hết, trong số những cơ sở này có công nghệ quá lạc hậu, lại nằm trong khu dân cư.

422 cơ sở sản xuất, 209 ở nội thành và thị xã Sơn Tây với diện tích 228,7 ha; 213 ở các thị trấn và khu dân cư nông thôn với diện tích 659 ha. Các quận - huyện đề nghị phải di dời ngay 134 cơ sở với diện tích 164 ha. Liên ngành thành phố thống nhất: phải di dời 422 cơ sở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất hoặc dời đến khu công nghiệp; đề nghị UBND thành phố di dời sớm 115 cơ sở trong nội thành, thị xã Sơn Tây và hoàn thành trong năm 2013. Với các trường hợp còn lại, liên ngành đề nghị hoàn tất di dời trong năm 2015.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc di dời gặp nhiều vướng mắc do thiếu chính sách về đất đai, tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Phải di dời các cơ sở ô nhiễm vào khu công nghiệp vì tại đó mới có hệ thống hạ tầng để xử lý rác và nước thải. Nhưng doanh nghiệp chưa nhiệt tình vì phương án xử lý quỹ đất mà họ đang quản lý trong nội thành chưa rõ ràng.

422 cơ sở phải di dời thuộc 17 ngành nghề, chủ yếu là chế biến nông sản-thực phẩm, cơ kim khí, vật liệu xây dựng, nhuộm-dệt, da giày, mạ, cao su, thuốc lá. Số cơ sở phải di dời cụ thể ở các quận gồm: 23 ở Thanh Xuân, 20 ở Hai Bà Trưng, 9 ở Hoàng Mai, 8 ở Đống Đa, 7 ở Ba Đình, 5 ở Hà Đông...

Nhà máy Thuốc lá Thăng Long đã được cấp đất trên khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai nhưng việc di dời vẫn dậm chân tại chỗ. Sở TN&MT cho rằng, nhiều doanh nghiệp dây dưa một phần vì muốn giữ đất nội thành. Theo ông Khánh nên có ưu đãi cho doanh nghiệp để vừa di dời, vừa đổi mới công nghệ.

“Doanh nghiệp nêu ra rất nhiều lý do nhưng tôi cho rằng cơ chế chưa rõ. Nếu cơ chế tốt thì doanh nghiệp sẽ chấp hành. Trong số phải di dời, đa số năng lực yếu nên yêu cầu di dời kèm với đổi mới công nghệ là không đơn giản”, ông Khánh nói.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, cùng với việc xúc tiến di dời, Hà Nội tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. “Cty Hoà Hợp ở Hà Tây cũ do ô nhiễm đã phải đóng cửa. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm với mức phạt vi phạm hành chính cao nhất lên tới 500 triệu đồng”, ông Khánh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG