'Thị trường'... cho thuê bụng

'Thị trường'... cho thuê bụng
“Thị trường” đẻ thuê đã và đang tồn tại bởi một thực tế xã hội: Những người hiếm muộn, khát con đâu đâu cũng có. Chỉ cần bỏ ra 50-70 triệu đồng, khách sẽ có một đứa con như ý.

“Thị trường” đẻ thuê đã và đang tồn tại bởi một thực tế xã hội: Những người hiếm muộn, khát con đâu đâu cũng có. Chỉ cần bỏ ra 50-70 triệu đồng, khách sẽ có một đứa con như ý.

Khách thường “đánh tiếng” nhờ cánh xe ôm trước cổng bệnh viện tìm người đẻ thuê.
Khách thường “đánh tiếng” nhờ cánh xe ôm trước cổng bệnh viện tìm người đẻ thuê. Ảnh: Pháp Luật TPHCM

“Ở đây có cho thuê bụng”

Tôi đến Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) “đánh tiếng” nhờ cánh xe ôm và mấy bà hàng nước ở đây tìm giúp người “đẻ thuê”. Chỉ bằng vài câu “thăm dò”, không khó để đoán ra Tr, người đàn ông có nước da đen xạm, trạc 50 tuổi là “cò” đẻ.

Tôi tỏ vẻ ái ngại, đặt lời nhờ Tr. mai mối cho anh tôi một đám “đẻ thuê” vì vợ của anh tôi bị vô sinh. Nghe lời tôi tỏ bày, Tr. trợn mắt lên, ra bộ nghi ngờ và giận dữ: “Ô cái cô này có bị sao không vậy?. Tôi nào có biết ai đẻ thuê đẻ mướn gì. Sao lại đi hỏi tôi mấy cái chuyện vớ vẩn đó?. Nghề của tôi là nghề xe ôm cơ mà?”.

Cuối cùng, sau một hồi “ráo bọt mép” để thử độ tin cậy của phóng viên, Tr. cũng nhận lời mai mối cho anh tôi một đám. Không rào trước đón sau, Tr. đi thẳng vào vấn đề một cách hết sức chuyên nghiệp: “Hiện tôi có hai mối cho cô. Mối thứ nhất thì tôi không dám chắc, vì người này là chị họ nhà vợ tôi. Tuy đã quá tam cận tứ nhưng còn sắc lắm.

Bà này không lấy chồng và vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã nhận “đẻ thuê” cho một gia đình ở Vũng Tàu cách đây hai năm do tôi mai mối. Nếu mà được mối này nhận lời thì rất tốt nhưng như thế thì giá cũng hơi cao. Không biết đợt này bà ấy đòi bao nhiêu nhưng thời buổi giá cả leo thang như bây giờ thì cũng phải sáu chục (60 triệu đồng - PV). Ứng trước một nửa, các khoản khám thai định kỳ, tiền sinh đẻ và đồ uống bồi dưỡng cho thai nhi phải do gia đình cô lo.

Còn một mối nữa thì tôi dám chắc là nó nhận lời ngay vì con bé này tuy còn trẻ nhưng “đẻ thuê” cho nhiều đám lắm. Nếu thích thì hôm nào tôi dẫn nó đến cho cô xem mặt. Âu đây cũng là lần làm phúc cuối cùng vì hoàn cảnh nhà cô thương tâm quá, nhìn cô cũng người thật thà nên tôi mới giúp, chứ thực ra tôi “gác kiếm” từ lâu rồi”.

“Cò” Tr cho biết, nhiều cặp vợ chồng cưới nhau đã lâu nhưng không có con mà nguyên nhân nằm ở các bà vợ. Sợ chồng léng phéng, hao sức, tốn tiền với “phòng nhì” nên các bà đã nghĩ ra cách tìm người để thuê... bụng.

Cũng theo Tr., dịch vụ này hình thành ở TP.HCM từ khá lâu, khoảng năm 2000. Thời điểm này xuất hiện những đường dây “đẻ thuê” và hoạt động khá rầm rộ, nhất là khu vực Cầu Mống và chợ Cầu Kho (bến Chương Dương, quận 1), hay quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương và Thủ Đức, TP.HCM.

Từ đó, dịch vụ môi giới cũng ăn theo. Thông thường, “cò” chỉ ăn tiền môi giới do khách trả, còn người “đẻ thuê” muốn cho thêm “cò” bao nhiêu thì tùy tâm, nhưng không dưới 1 triệu đồng. Sau này, do kiểm soát gắt gao của công an địa phương nên phần lớn “cò” đẻ thuê đã rút vào hoạt động kín.

Tuy nhiên, nếu khách chịu khó dò hỏi xe ôm hoặc người buôn bán cạnh các bệnh viện phụ sản, các khu công nghiệp, khu chế xuất... sẽ dễ dàng nhận được những tín hiệu “ở đây có cho thuê bụng”. Những người nhận giúp đỡ đó sẽ sang tay số điện thoại của khách cho “cò” để ăn hoa hồng, còn chuyện liên hệ với khách để giới thiệu người “đẻ thuê” sẽ do “cò” lo.

Tâm sự của “cò” đẻ

Theo “cò” Tr. thì bên cạnh “những người làm ăn chân chính”, từ lâu đã xuất hiện những đường dây đẻ thuê lừa đảo khách hàng. Có rất nhiều cô gái “lưu manh” lợi dụng việc được tại ngoại khi mang thai để hành nghề bán dâm, bán ma tuý. Họ lúc nào cũng mang thai nên công an cứ bắt rồi lại phải thả, không làm gì được. Những cô gái này kiêm luôn việc “đẻ thuê” và không ai có thể biết được rằng những đứa con do họ đẻ ra có phải là con của người thuê đẻ hay không, khi mà họ “làm vợ” biết bao khách đường xa.

Có “thâm niên” làm “cò”, Tr. đã vấp phải vài vố dở khóc, dở cười. Có vụ, cô gái nhận tiền đặt cọc 25 triệu đồng, Tr. cũng đã nhận tiền bồi dưỡng, thế nhưng, đột nhiên cô ta “bùng” mất, còn để lại cho Tr. lời nhắn: “Xin lỗi chú, cháu bị bệnh không thể mang thai được. Địa chỉ chú ghi của cháu là giả đấy, cháu cũng chẳng làm ở khu công nghiệp Amata (Biên Hòa, Đồng Nai - PV) đâu. Chú đừng tìm cháu làm gì cho mất công”.

Cách đây không lâu cũng xảy ra một chuyện bi hài. Cô gái “đẻ thuê” mà Tr. giới thiệu vốn dĩ là một “cave” chính hiệu, đã “xỏ mũi” khách hàng một vố cười ra nước mắt. Mọi chuyện từ khi làm hợp đồng đến khi đẻ con đều suôn sẻ. Ngày đón đứa bé về, cả “bên A” và “bên B” đều vui mừng khôn tả.

Bên B biếu Tr. hẳn 3 triệu đồng vì ông thân chủ đã quá 50 tuổi mà lại có được một quý tử xinh xắn. Lúc người vợ ở nước ngoài trở về, thấy đứa bé chẳng giống chồng chút nào mới hỏi rành rẽ mọi chuyện. Sau khi tính toán mới thấy rằng cô ta sinh con... thiếu tới 2 tháng. Lúc này ông ta mới vỡ lẽ đứa trẻ không phải con mình. Cô gái thì đã lặn mất tăm.

Vụ sinh đẻ này vợ chồng ông đã đầu tư cả gần trăm triệu để rồi phải nuôi con người khác, rồi thì bố con thay nhau đi thử máu xem có nhiễm virus HIV không. Vậy là, ông ta cứ nhè Tr. mà trút nỗi bực dọc.

Những phận người “đẻ thuê”

Theo lời hẹn, tối chủ nhật, tôi gọi lại cho “cò” Tr. thì được hẹn sáng thứ hai sẽ dẫn đến gặp chị Nhuần - người chị họ bên nhà vợ mà anh đã kể.

Chúng tôi đến địa điểm hẹn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai khi trời gần xế trưa. Quả đúng như lời Tr. nói, ở cái tuổi quá tam cận tứ tuần mà chị Nhuần còn đẹp quá. Vẻ đẹp dịu dàng, đắm thắm đúng nghĩa của người con gái thôn quê. Đang nói chuyện được chưa lâu thì bỗng dưng chị Nhuần nằng nặc đòi về.

Thấy không tiện, Tr. đứng dậy gọi chị ra phía sau quán cà phê nói chuyện gì đó mà tôi không nghe rõ. Chỉ khi trên đường về, tôi mới được Tr. kể lại là chị Nhuần không nhận “đẻ thuê” vì cắn rứt lương tâm. Tr. nói: “Bà ấy nói với tôi là đừng bảo bà ấy làm những chuyện thất nhân ác đức thế nữa. Bà ấy đã đủ ăn năn, hối hận lắm rồi. Bây giờ, chỉ muốn được xin lại đứa con thôi. Có lẽ, bà ấy dằn vặt lắm! Bà ấy cứ ôm riết lấy tôi mà khóc như mưa”.

Đúng sáng thứ 3, Tr. vui mừng gọi điện bảo tôi đến quán cà phê hôm trước để gặp Bé - người mà Tr. đã giới thiệu với tôi. Nhưng khi tôi đến thì Tr. đang ngồi một mình vì Bé gọi điện thoại báo không đến được. Tranh thủ lúc nói về Bé, Tr. chủ động kể cho tôi nghe về lý lịch của Bé như để cho tôi yên tâm hơn.

Theo như lời Tr. kể thì Bé vốn dĩ là một nữ sinh viên sư phạm, mồ côi cha, chỉ còn mẹ già sống dưới Cần Thơ. Tốt nghiệp cấp ba, Bé thi đậu vào ngành Giáo dục Mầm non của một trường cao đẳng sư phạm ở TP.HCM. Vốn là con gái miền sông nước, lại được trời phú cho cái duyên ăn nói nên Bé được bao chàng theo đuổi trong số đó có Tùng - “cao thủ sát gái” của một trường nghệ thuật. Yêu Tùng không toan tính, không đắn đo, Bé đã dâng hiến tất cả cho người yêu.

Kết quả là mới yêu nhau có 6 tháng, Bé đã “dính” bầu đến hai lần. Lần thứ ba, Bé thử que và biết mình có bầu cũng là lúc nhận được tin Tùng biến mất cùng một mớ nợ nần. Tính bỏ thai nhưng khi đi khám thì thai đã quá lớn, cuối cùng Bé gặp “cò” Tr. trước cổng Bệnh viện Từ Dũ và Tr. đã mai mối bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn với giá 50 triệu đồng. Cũng từ đó, Bé dấn thân vào nghề đẻ thuê như để trả thù đời và kiếm tiền ăn chơi.

Từ đó đến nay, Tr. đã mai mối cho Bé đẻ thuê cho hai đám nữa. Như sợ tôi không tin, Tr. còn đưa cho tôi xem hai bản photo hợp đồng nhận “đẻ thuê” còn mới cáu, được gấp cẩn thận trong một chiếc túi nilon. Hợp đồng ghi rõ bên A và bên B với đầy đủ các điều khoản như một hợp đồng kinh tế. Nào là: sau khi thụ thai bên A phải tạm ứng trước cho bên B số tiền là 35 triệu đồng, nếu gặp rủi ro trong quá trình mang thai bên B không có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền này hay nếu đứa bé sinh ra bị dị tật hay bị chết bên B sẽ phải hoàn trả 1/3 số tiền trong hợp đồng...

Hai bản hợp đồng, một bản ký với giá 70 triệu và một 65 triệu đồng. Trong đó có một điều khoản khiến tôi lạnh người: “Kể từ khi giao con, giao tiền, bên A và bên B không được gặp mặt nhau, coi như người xa lạ. Bên B tuyệt đối không được nhận đó là con của mình”.

Theo Thu Hồng
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.