Sao Bộ Y tế vẫn im lặng?

Sao Bộ Y tế vẫn im lặng?
TP - Trong khi báo chí lên tiếng về tình trạng ngộ độc chì do sử dụng thuốc đông y gia truyền tăng đột biến, dư luận vẫn chưa thấy Bộ Y tế có ý kiến gì về vấn đề này.

Bài báo đầu tiên về hiện tượng bất thường này được đăng tải cách đây gần một tháng (xem Tiền Phong số 309 ngày 5-11-2011 bài “Một bé trai hôn mê vì dùng thuốc nam”). Từ một bệnh nhân ban đầu, đến nay, đã phát hiện thêm hàng chục ca đang nằm điều trị ở các bệnh viện, hầu hết là trẻ em. Có trẻ đã tử vong, có trẻ đang nguy kịch. Ngộ độc chì trong thuốc cam không chỉ giới hạn ở trẻ em mà lan ra cả người lớn. Có trường hợp một nhà tới năm người ngộ độc. Điều quan trọng nhất là tất cả các bé ngộ độc chì đều sẽ phải chịu di chứng lâu dài về thể chất lẫn tinh thần

Thế nhưng Bộ Y tế dường như vẫn chưa có động thái gì về các vấn đề liên quan. Tại sao thuốc đông y lại chứa chì? Ngoài thuốc chữa bệnh cam miệng còn loại thuốc đông y nào chứa chì? Các nhóm thuốc đông y chứa chì được kiểm soát thế nào trong chế biến? Khi bị cam miệng có cách chữa nào khác ngoài dùng thuốc cam? Cam miệng có liên quan gì đến bệnh chân tay miệng đang hoành hành ở hầu khắp các tỉnh thành không? Những câu hỏi này đang rất cần câu trả lời từ Bộ Y tế.

Nhớ lại cách đây ít ngày, khi PV Tiền Phong tìm đến Phòng Y tế Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) để tìm hiểu một cơ sở thuốc gia truyền bị nghi bán thuốc cam chứa chì gây ngộ độc cho một bệnh nhi thì nhận được trả lời của một cán bộ “Chúng tôi không biết cơ sở này vì không thấy có trong danh sách mà trạm y tế xã gửi lên”. Về Trạm Y tế xã Long Xuyên thì được câu trả lời “Trường hợp này đúng là có bán thuốc đông y, không có giấy phép hành nghề, cũng không có bảng quảng cáo. Nhưng họ ở cùng làng, cùng xã nên cũng khó”.

Nhiều người bày tỏ lo ngại, với cách quản lý các cơ sở thuốc gia truyền hiện nay, sẽ còn nhiều lỗ hổng khiến lượng thuốc cam chứa chì độc hại do dùng không đúng chủng loại nguyên liệu hoặc dùng quá liều vẫn đến tay người sử dụng, sẽ còn nhiều cơ sở thuốc gia truyền không phép dễ dàng hoạt động.

Dịch chân tay miệng tiếp tục hoành hành. Bộ Y tế tuyên bố nước ozone (nhưng thực ra không phải là nước ozone) không chữa được bệnh chân tay miệng. Hầu hết các bệnh nhi khi vào bệnh viện chỉ được điều trị triệu chứng. Thế là, khi xuất viện, nhiều người lại tất tả đi tìm thuốc chữa tiếp các vết loét cho con. Trong khi sốt sắng lên tiếng về cái gọi là nước ozone (gần như vô hại vì được chế từ nước muối loãng) thì, với thứ thuốc cam gây ngộ độc nhãn tiền cho nhiều trẻ em, Bộ Y tế lại im lặng khó hiểu.

Nếu Bộ Y tế vẫn im lặng, vẫn để mặc các cơ sở gia truyền bán thuốc không kiểm định thì, số lượng bệnh nhân ngộ độc chì sẽ không dừng lại ở con số hiện thời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG