Khổ như ở chung cư... cao cấp

Vừa vào ở, cư dân toà nhà Keangnam liên tiếp kiện chủ đầu tư về phí gửi xe, dịch vụ
Vừa vào ở, cư dân toà nhà Keangnam liên tiếp kiện chủ đầu tư về phí gửi xe, dịch vụ
TP - Có lẽ không ở nơi nào như Việt Nam, hầu như hễ người dân nhận nhà vào ở chung cư cao cấp, lại dính chuyện kiện cáo: Người kiện nhà xây chất lượng thấp, kẻ kiện phí dịch vụ quá cao... Đến nỗi, nhiều cư dân phải thốt lên: “Khổ như ở chung cư cao cấp”.

> Tướng Nhanh chỉ đạo điều tra vụ ẩu đả tại Keangnam

Vừa vào ở, cư dân toà nhà Keangnam liên tiếp kiện chủ đầu tư về phí gửi xe, dịch vụ
Vừa vào ở, cư dân toà nhà Keangnam liên tiếp kiện chủ đầu tư về phí gửi xe, dịch vụ.
 

Vào ở là phải...kiện

Phải bỏ ra số tiền tới 7 tỷ đồng mới mua được căn hộ 115m2 tại toà nhà cao nhất Việt Nam Keangnam (Phạm Hùng, Từ Liêm), chị Minh Thảo chưa kịp vui mừng về nhà mới, đã phải đau đầu với việc kiện tụng chủ đầu tư. Bởi vừa vào ở, cư dân ở đây đã nhận được thông báo mức thu phí dịch vụ trên trời.

Cụ thể: phí trông giữ xe ô tô theo tháng 1.462.000 đồng, theo lượt là 20.000 đồng/2 giờ; Phí trông giữ xe máy/tháng là 104.000 đồng, theo lượt là 10.000 đồng; Phí trông giữ xe máy qua đêm 60.000 đồng. Phí dịch vụ khác 21.000 đồng/m2.

“Họ đưa ra mức thu phí cao nhất nước như thế, không kiện thì làm sao chịu nổi. Như nhà tôi, chỉ riêng tiền dịch vụ một tháng cũng mất hơn 2 triệu, một số tiền lớn so với thu nhập của nhiều người”, chị Thảo nói.

Nhưng xem ra, lần kiện đầu tiên phản tác dụng, vì chủ đầu tư này không giảm, mà còn tăng phí trông xe máy hằng ngày lên 20.000 đồng/lượt. Không lẽ chịu thua, đông đảo cư dân toà nhà cứ cuối tuần được nghỉ, lại căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư trước cổng toà nhà.

Suốt 3 tháng kiên trì phản đối, cuối cùng, đến tháng 8 - 2011 chủ đầu tư cũng chịu nhượng bộ giảm phí gửi xe xuống đúng quy định của UBND TP Hà Nội: ô tô 875.000 đồng/tháng, xe máy 45.000 đồng/tháng, lượt xe máy 2.000 - 3.000 đồng. Riêng phí dịch vụ toà nhà vẫn cao ngất ngưởng: 18.600 đồng/tháng/m2. Phí dịch vụ cao như vậy, nhưng chỉ bao gồm vệ sinh, quét dọn và bảo vệ, còn bể bơi, sân tennis... muốn sử dụng phải mất thêm tiền.

Không chịu được sự thu phí vô lý trong khi dịch vụ không có gì, chị Thảo cùng nhiều cư dân khác trong toà nhà liên kết với các khu chung cư cao cấp ở Hà Nội làm đơn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét mức phí vô lý mà chủ đầu tư áp đặt. Theo quy định về mức phí dịch vụ chung cư của UBND TP Hà Nội, mức phí dịch vụ của Keangnam cao gấp hơn 4,5 lần. Một “cuộc chiến” giữa cư dân và chủ đầu tư lại tiếp tục diễn ra và không biết đến khi nào mới có hồi kết.

Ông Trần Xuân Trạch - ban đại diện cư dân toà nhà Keangnam bức xúc cho biết: “Chúng tôi biểu tình phản đối phí dịch vụ cao hơn gấp 5 lần so với quy định của UBND TP Hà Nội nhưng phía chủ đầu tư còn dọa nếu không đóng tiền sẽ cắt thang máy. Họ thiếu hợp tác và coi thường cư dân chúng tôi”.

Có nhà lại phải đi thuê

Không tham gia kiện cáo như chị Thảo, chị H.M chọn cách cho thuê lại căn hộ hơn 100 m2 ở Keangnam, với giá 10 triệu đồng/tháng. Chị H.M đã chuyển ra ngoài thuê nhà ở 2 tháng nay, vì ngoài mức phí cao, chị cảm thấy ở trong toà nhà hoành tráng nhất Việt Nam mà như cầm tù.

“Mỗi lần khách đến chơi thì phải để lại chứng minh thư, thông báo lễ tân hoặc bảo vệ dưới tầng 1 để họ gọi lên cho chủ nhà xem có đúng hay không rồi bắt chủ nhà xuống dẫn khách lên. Tôi nghĩ dù có vì lý do an ninh đi chăng nữa cũng không nhất thiết phải quá ngặt nghèo như vậy. Đó là sự phân biệt đối xử của chủ toà nhà với khách. Khách đến chơi nhà tôi một lần sợ lần sau không dám tới nữa. Vì vậy tôi đã rao bán căn hộ của mình nhưng chưa có khách hỏi mua mà tôi không đủ tiền mua căn hộ khác nên đành phải đi thuê nhà chỗ khác” - chị H.M nói.

Ở ta, người dân hiểu biết về pháp luật rất kém, sống thiên về tình cảm và ngây thơ, còn chủ đầu tư thì quá sành sỏi. Vì vậy khi xảy ra tranh chấp thì người dân mình chỉ biết kêu, kiện cáo nhưng lại kiện không đúng chỗ dẫn đến kiện kéo dài mà không giải quyết được vấn đề gì. Còn nếu kiện đúng cửa, thì cũng mất hàng năm, mấy ai theo được kiện”.

TS tâm lý học Lê Minh Loan - Giảng viên Khoa Tâm lý trường Đại học KH XH&NV.

Khác với cảnh có nhà mà phải đi thuê nhà tại Keangnam, hàng chục cư dân tại toà Chelsea Park (Yên Hoà, Cầu Giấy) buộc phải đi thuê nhà khi chủ đầu tư chậm bàn giao nhà đến gần 4 năm. Chị Trúc - khu Bắc toà nhà chia sẻ: “Gom góp toàn bộ số tiền của gia đình đóng 90% giá trị căn hộ nhưng đợi đến gần 4 năm chúng tôi vẫn chưa có nhà mà phía chủ đầu tư không một lời giải thích nào”.

Chị Trúc cùng gia đình sống khổ sở trong những khu nhà trọ tồi tàn với hy vọng rồi có ngày được ở trong nhà mới nhưng càng đợi càng mất hút.

Đồng cảnh ngộ với chị Trúc, hàng loạt khách hàng tại dự án CT2 Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội) phải chầu trực suốt từ năm 2006 đến đầu năm 2011 mới được nhận nhà, nhưng khi được nhận nhà, họ thất vọng vì chất lượng công trình.

Chị Nguyễn Minh Tuyến, phòng 404 toà nhà CT2 - Khu đô thị Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Bậc thang lên xuống thì bong tróc lộ cả sắt thép bên trong, cửa gỗ thì mối mọt, bình cứu hoả thì để đó gọi là cho có chứ chả có tác dụng gì, nếu như xảy ra hoả hoạn. Cũng bỏ tiền ra mua nhà mà chất lượng thế này tôi cũng không dám ở, thà đi thuê nhà chỗ khác còn hơn”.

Quanh chuyện chung cư cao cấp, mỗi nơi mỗi vẻ nhưng hiếm có chung cư cao cấp nào tại Hà Nội, người dân về nhận nhà được vui vẻ, như ý. Nhưng cũng lấy làm lạ, lâu rồi có lẽ thành quen, chẳng thấy cơ quan quản lý nhà nước nào ra tay lập lại trật tự. Tất cả coi như việc người dân tự mua, tự chịu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG