Cận Tết ghi ở đảo xa

Đại úy Hoàng Khắc Hải đang điều khiển xuồng CQ
Đại úy Hoàng Khắc Hải đang điều khiển xuồng CQ
TP - Trong chuyến ra đảo Trường Sa, phóng viên Tiền Phong đã gặp nhiều người lính lập nhiều “kỷ lục”: ăn Tết nhiều năm ở đảo, người Dao đầu tiên ở Trường Sa… Tất cả đều chắc tay súng canh giữ đảo xa, và vui Tết như ở quê nhà.

Vợ chồng người Dao ở hai ngả biên cương

Đêm trên đảo Đá Lớn B, ngồi giữa các nhà báo và lính đảo, Trung úy Chính trị viên Đặng Quốc Hiếu ôm ghi ta, say sưa hát bài Gửi em ở cuối sông Hồng. Em của anh, cô giáo Đàm Thị Duyên ở thành phố Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Vợ chồng Trung úy Hiếu đều là người dân tộc Dao, trong khi Hiếu làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo Trường Sa, vợ anh ngày ngày gửi con trai Đặng Anh Kiên mới 28 tháng tuổi cho hàng xóm, chạy xe lên trường mầm non xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai), cách nhà hơn 13 km, cách biên giới Trung Quốc chỉ nửa cây số.

“Ngày nào tôi cũng nói chuyện với vợ và con trai qua điện thoại, cô ấy còn bảo, tôi phải tự hào vì có lẽ là người dân tộc Dao đầu tiên làm nhiệm vụ ở Trường Sa”. Trung úy Hiếu nói về việc sắp đón cái Tết đầu tiên ở Trường Sa của mình.

Hai lần lỡ hẹn

Chiếc xuồng CQ chở chúng tôi và các anh hoàn thành nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn B ra tàu HQ996 để về đất liền do Đại úy Hoàng Khắc Hải điều khiển. Ra đảo tháng 7-2010, lẽ ra tháng 7-2011 anh được về bờ. Nhưng chưa có người ra thay, tăng đi đảo của Đại úy Hải phải kéo dài đến tháng 1-2012.

Anh đã đặt vé tàu hỏa để về với vợ con ở phường Hà Phong (TP Hạ Long, Quảng Ninh), đã hứa với con gái Minh Trang 9 tuổi và con trai Minh Hiếu 5 tuổi, Tết này bố sẽ đưa đi chơi, về thăm quê ngoại ở Hải Dương. Quân tư trang đã gói ghém, người ra thay anh cũng đã trên tàu ra đảo.

Nhưng trước giờ Đại úy Hải chia tay đồng đội, người thay anh được điều động đến một đơn vị khác. Tăng đi đảo của anh phải kéo dài thêm, anh sẽ đón cái Tết thứ hai liên tiếp ở đảo, chưa được thắp hương ở bàn thờ cha anh, cụ mất ngày 19-1-2011. “Dẫu sao, mình mới ăn Tết ở đảo hai lần, trong khi có những anh em đã đón nhiều cái Tết ngoài này”. Anh Hải nói.

Những kỷ lục

Trung úy Đỗ Văn Công, khẩu đội trưởng DKZ được coi là người đã ở Trường Sa lâu nhất đảo Đá Lớn A. Bắt đầu ra Trường Sa từ năm 2000, anh Công đã làm nhiệm vụ tại các đảo chìm Đá Lớn C, Tốc Tan B, Núi Le A, Tiên Nữ, Đá Tây trước khi đến đảo Đá Lớn A.

Tết này, anh chưa được về với vợ con ở Quỳnh Lưu (Nho Quan, Ninh Bình), sẽ có tròn 100 tháng ở Trường Sa. Nhưng nếu tính theo Tết, Trung úy Công mới đón cái Tết thứ 7, thua Thiếu úy Trần Nguyên Hàn, phụ trách thông tin đảo Đá Lớn A, sẽ đón cái Tết thứ 8 ở đảo.

Người ít tuổi đảo nhất, là hạ sĩ quan duy nhất ở đảo Đá Lớn A là Trung sĩ Tống Văn Rắp, sinh năm 1989 ở xã Phước Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận), ra đảo tháng 7-2011. “Rắp là hạ sĩ quan nhưng là khẩu đội trưởng 12,7 ly, nên khi huấn luyện chiến đấu, hai thành viên của khẩu đội là sĩ quan, trong đó có tôi đều phục tùng mệnh lệnh của Rắp”. Thiếu tá, Chính trị viên đảo Đá Lớn Nguyễn Ngọc Dũng cho biết.

Người nhiều sẹo nhất là Thượng úy Vũ Quốc Hải, Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn B. Da đen, tóc cháy nắng vàng hoe, khắp người anh chằng chịt những vết sẹo do bị san hô cứa trong những chuyến đi đánh cá, bắt ốc cải thiện bữa ăn cho đơn vị.

Đêm 31-12-2010, phóng viên báo Tiền Phong được chiêm ngưỡng cây bàng vuông trên đảo Đá Lớn A nở hoa đúng giao thừa. Đó là cây bàng vuông đầu tiên ở một đảo chìm trên huyện đảo Trường Sa nở hoa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG