Thông tin một chiều thì rất chán

Nhà báo Hà Đăng
Nhà báo Hà Đăng
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về vai trò giám sát của người dân và báo chí trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhà báo Hà Đăng cho rằng, để báo chí nói lên được tiếng nói phản biện đúng nghĩa, thì lãnh đạo phải có thái độ cầu thị, lắng nghe những ý kiến trái chiều, thậm chí khó nghe.

> Vai trò giám sát của báo chí

Nhà báo Hà Đăng
Nhà báo Hà Đăng.

Lãnh đạo phải chịu lắng nghe

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, công luận trong công tác xây dựng Đảng, là một nhà báo lão thành ông có suy nghĩ gì?

Theo quan điểm của phương Tây, báo chí là quyền lực thứ tư, sau lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ở ta không quan niệm như vậy nhưng đúng là báo chí có vai trò rất lớn. Báo chí là tiếng nói của Đảng, nhà nước và nhân dân, không chỉ thông tin mà còn có thể định hướng tạo dư luận.

Ngoài ra, báo chí còn có vai trò quan trọng nữa là diễn đàn của nhân dân, chứ nếu cứ đưa thông tin một chiều từ trên xuống thì chắc chắn là rất chán. Nếu báo chí chỉ thông tin một chiều thì không còn giữ được vai trò của mình. Nếu chỉ nói những cái vừa lòng với cấp trên thì không được. Điều tôi muốn nói ở đây là vai trò phản biện xã hội của báo chí.

Vậy theo ông làm thế nào để báo chí thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội?

Muốn làm tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân, vai trò phản biện thì bản thân mỗi nhà báo phải hiểu được đúng chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Như Nghị quyết Trung ương 4 sắp ban hành, nhà báo phải hiểu, phải có thực tế, lắng nghe thì mới khai thác được, mới hỏi được. Nhà báo phải lắng nghe nhiều chiều, nghe bằng hai tai, không chỉ nghe bên trên mà còn phải lắng nghe bên dưới.

Bây giờ phải làm sao xây dựng cho rõ trách nhiệm và thẩm quyền của người lãnh đạo. Bởi trên thực tế lâu nay có những người quyền rất to nhưng trách nhiệm lại không rõ.

Thêm vào đó, để báo chí nói lên được tiếng nói phản biện đúng nghĩa, thì lãnh đạo bên trên cũng phải có thái độ cực kỳ cầu thị, phải lắng nghe những ý kiến trái chiều, thậm chí khó nghe. Yếu tố khách quan ở đây chính là người bên trên có chịu nghe hay không, còn nếu lãnh đạo cấp trên không chịu nghe, không khách quan thì cũng rất khó.

Báo chí tham gia vào công việc giám sát, nhưng tại sao trên lại ngại, tôi nghĩ cũng có lý do một số nhà báo trong chúng ta không khách quan, không trung thực, phản ánh sai lệch dẫn đến việc xử lý không đúng.

Tại sao người ta nói thư ký “lái” thủ trưởng? Bởi khi nhận được 30 ý kiến phản hồi, trong đó có 20 ý kiến đồng tình, còn lại bày tỏ phản đối nhưng người thư ký chỉ đưa cho thủ trưởng 20 ý kiến đồng tình, còn các ý kiến phản đối thì không đưa. Báo chí cũng vậy, nếu không khách quan, không trung thực thì mình chỉ phản ánh theo ý của mình và làm cho người khác hiểu sai đi, hiểu không đúng, không đầy đủ.

Phải rõ trách nhiệm người lãnh đạo

Trở lại những nội dung bàn thảo tại Hội nghị T.Ư 4, đây là những nội dung rất trúng, đúng, thưa ông?

Qua nhiều kênh khác nhau, các đồng chí lãnh đạo hỏi ý kiến của chúng tôi, từ những bản thảo đầu tiên, cho đến khi đưa ra Hội nghị Trung ương. Lúc đầu đặt vấn đề là “phải ra sức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, chúng tôi góp ý rằng đây là vấn đề bao trùm trong công tác xây dựng Đảng. Điều quan trọng bây giờ là đưa ra những vấn đề cấp bách để tập trung triển khai thực hiện, tạo chuyển biến thực sự. Sau đó, Trung ương đã chọn 3 nội dung trọng yếu.

Đầu tiên là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo tôi đây là vấn đề cấp bách số một. Tại sao nó cấp bách vì tình hình đã đến mức rất nghiêm trọng rồi.

Người dân có thể rất hồ hởi khi Nghị quyết Trung ương ra bắt được đúng bệnh nhưng cái người dân trông chờ tiếp theo là xem Đảng sẽ thực hiện ra sao, sẽ làm như thế nào.

Việc suy thoái này có hai mặt: Một là suy thoái về chính trị, nó động đến những vấn đề về lý tưởng, quan điểm chính trị. Hai là về đạo đức, lối sống, là tình trạng tham nhũng lãng phí gần như phổ biến và càng ngày càng nặng. Khi lãnh đạo quan liêu, xa dân nó lại tác động ngược lại về tư tưởng, chính trị. Đương nhiên cái bây giờ quần chúng đang lo nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng.

Nội dung trọng yếu thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Bên trên làm đúng thì “nhất hô bá ứng”, cho nên lãnh đạo trung ương là cực kỳ quan trọng.

Nội dung trọng yếu thứ ba là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Bây giờ phải làm sao xây dựng cho rõ trách nhiệm và thẩm quyền của người lãnh đạo. Bởi trên thực tế lâu nay có những người quyền rất to nhưng trách nhiệm lại không rõ.

Cũng có một trường hợp nữa là cái gì cũng quy hết cho tập thể, mà nói tập thể thì rồi cuối cùng là hòa cả làng, rút kinh nghiệm mà thôi. Do vậy, lần này cần xác định rõ, đã có quyền to thì trách nhiệm cũng phải lớn. Nếu như một cấp ủy ra quyết định sai thì lãnh đạo cấp ủy đó phải là người chịu trách nhiệm trước.

Lần này Tổng Bí thư cũng khẳng định muốn tạo chuyển biến thì sự gương mẫu của Trung ương có ý nghĩa quyết định, thưa ông?

Trước kia cũng đã nói nhiều lần rồi, khi chúng ta đặt ra nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng thì chỉnh đốn trên trước hay dưới trước. Thường chúng ta vẫn cứ “đè” bên dưới để làm, chấn chỉnh bên dưới chứ không làm nhiều ở cấp trên. Trong khi, một sự chấn chỉnh ở cấp trên thì nó có ảnh hưởng lan tỏa rất rộng, rất nhiều. Do vậy lần này Trung ương đặt ra yêu cầu sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Người dân có thể rất hồ hởi khi Nghị quyết Trung ương ra bắt được đúng bệnh nhưng cái người dân trông chờ tiếp theo là xem Đảng sẽ thực hiện ra sao, sẽ làm như thế nào. Tôi tin là Trung ương sẽ có những biện pháp để thực hiện, và cấp càng cao sẽ làm càng gương mẫu.

Nhưng việc này quả thực không dễ, xây dựng Đảng cũng là xây dựng con người, chắc chắn sẽ vấp phải những khó khăn và đụng chạm. Vì có những người quan liêu tham nhũng nhưng khi động đến mình thì cứ nghĩ đó là chuyện của người khác chứ không phải của mình.

Cho nên nhất trí về cái chung thì dễ nhưng khi động vào từng cá nhân thì rất phức tạp, chính vì lẽ đó nên đừng nghĩ là Nghị quyết nói được như vậy xong là mọi việc sẽ tốt.

Thực tế trong những kỳ đại hội gần đây, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đều được bàn đến, nhưng tại sao chưa có chuyển biến thực sự, thưa ông?

Chúng ta vẫn lấy phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén chính. Nhưng tự phê bình và phê bình có đi đôi với hình phạt không, tôi cho là hình phạt không phải là chủ yếu nhưng phải có, vì có những người có khuyết điểm mà không chịu tự phê bình, không chịu nhận kỷ luật.

Chúng ta có nhiều cuộc vận động nhưng thực sự chúng ta mới nêu lên vấn đề là chính chứ chưa làm một cách hiệu quả thiết thực, làm chưa triệt để, và thực tế là lãnh đạo bên trên cũng chưa làm gương. Như chuyện kê khai tài sản, lâu nay chúng ta có làm nhưng lại thiếu kiểm tra, giám sát.

Lần này nếu Đảng thể hiện được quyết tâm và làm thật sự thì sẽ góp phần tạo thêm lòng tin trong nhân dân.

Cảm ơn ông.

Hà Nhân - Cao Nhật thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG