Để không đổ máu khi thu hồi đất

TS Hoàng Ngọc Giao
TS Hoàng Ngọc Giao
TP - Luật Đất đai sắp tới sửa đổi cần làm rõ đất nào thuộc về sở hữu công, cộng đồng, tư nhân; trong khi đó, cần tách tòa án khỏi đơn vị hành chính, tiến tới thành lập tòa án vùng, TS Hoàng Ngọc Giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), nói.

> Cơn bĩ cực của vợ con chủ đầm

Cưỡng chế quá tay

Ông nghĩ gì về vụ cưỡng chế thu hồi đất đầm nuôi trồng thủy sản tại khu cống Rộc (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng)?

Ở vụ việc này, tôi thấy có việc tùy tiện lạm dụng quyền lực từ phía cán bộ cấp xã, cấp huyện. Điều này không cá biệt tại nhiều địa phương thời gian gần đây. Pháp luật cần được hiểu như một công cụ để quản lý và phát triển xã hội, chứ nó không nên là một công cụ được sử dụng để gây khó cho người dân.

Nhưng dường như, chính quyền đang tìm cách chỉ “nhặt” ra những điều luật có lợi cho mình. Như việc ông Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng nói rằng, việc thu hồi đất này hoàn toàn đúng theo Luật Đất đai 1987, chứ không áp dụng theo Luật Đất đai năm 1993, tôi cho là rất có vấn đề.

Khi Luật Đất đai 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực đã xác định rõ, thời hạn giao đất đối với trường hợp của anh Vươn phải thực hiện thống nhất là 20 năm. Tuy nhiên, với cách áp dụng pháp luật như vừa rồi, có thể thấy quy định pháp luật này đã bị bỏ quên tại Hải Phòng.

Điều nữa tôi cũng rất lo ngại là phía chính quyền, những người thực thi công vụ, đang có xu hướng lạm dụng lực lượng vũ trang trong cưỡng chế hành chính, nhất là khi liên quan đất đai.

Đặc biệt là với hành động phá tan cả nhà người ta. Căn nhà hai tầng người ta làm nên bằng mồ hôi nước mắt, đồ dùng, vật dụng đập tan hết cả, mà lại ở ngoài vùng đất thu hồi. Về mặt xã hội, về mặt nhân văn, điều này là không chấp nhận được.

Còn về phía người dân, đúng như người xưa nói là con giun xéo mãi cũng quằn. Cá nhân tôi không ủng hộ hành vi bắn người của anh Vươn và người thân nhưng thử hỏi, khi chính quyền hành xử, có bao giờ nghĩ rằng họ đã dồn người dân vào chân tường, vào bước đường cùng?

Ông có đề xuất gì về hướng giải quyết vụ việc?

Theo tôi, lãnh đạo huyện Tiên Lãng cũng như TP Hải Phòng nên chủ động giải quyết theo hướng đối thoại. Thứ hai nữa là cần phải có đền bù thiệt hại cho gia đình anh Vươn, đặc biệt là việc phá hủy ngôi nhà không nằm trong khu đất bị thu hồi.

Cần làm rõ vấn đề sở hữu đất

Theo ông, cần rút ra bài học gì trong công tác quản lý, thu hồi đất đai sau vụ việc ở Tiên Lãng?

Đất đai là lĩnh vực nhạy cảm. Từ trước đến nay, chúng ta cứ nói đất đai là sở hữu toàn dân dưới sự quản lý của Nhà nước thế nhưng, trên thực tế, chế độ sở hữu toàn dân đang bị bẻ sang hướng xác lập thực quyền về đất đai của chính quyền các cấp mà đến nay chưa có cơ chế giám sát, kiểm soát hữu hiệu nào.

Việc nhiều lãnh đạo địa phương đang diễn giải và sử dụng pháp luật để vụ lợi là hiện tượng không phải cá biệt nữa. Điều này thực sự đáng báo động.

Trường hợp ở Tiên Lãng là một ví dụ rất cụ thể, súng nổ ở khu đất của gia đình Vươn cũng khiến công luận đặt ra nghi vấn về những khuất tất đằng sau. Rồi đây, ai sẽ được lợi sau quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là điều các cơ quan pháp luật cần làm rõ.

Sự việc vừa qua có thể gợi ra cho chúng ta những điểm bất cập gì cần phải nghiên cứu sửa đổi?

Theo tôi, Luật Đất đai sắp tới sửa đổi cần phải làm rõ vấn đề sở hữu. Cụ thể, phải làm cho rõ loại đất nào thuộc về sở hữu công, loại nào thuộc về sở hữu cộng đồng, loại nào là sở hữu tư nhân.

Bây giờ với sở hữu toàn dân này thì đúng kiểu cha chung không ai khóc nhưng đến lúc có tranh chấp lại sử dụng quyền lực của Nhà nước để thu hồi một cách dễ dàng.

Thực tế cho thấy, bức xúc của người dân về đất đai ngày càng nhiều, trong khi đó họ lại không biết khiếu kiện đi đâu, cứ dưới đá lên trên, trên đá xuống dưới, loanh quanh luẩn quẩn.

Tách tòa án khỏi đơn vị hành chính

Ông nghĩ gì về việc tòa án xử các vụ liên quan đất đai thời gian qua?

Tòa án vẫn chịu ảnh hưởng của chính quyền. Tòa án của chúng ta tổ chức theo cấp chính quyền, huyện có tòa cấp huyện, tỉnh có tòa cấp tỉnh, trong khi ông thẩm phán và ông chánh án khi xét xử phải ngó nghiêng các cấp lãnh đạo bên cạnh.

Đó chính là bất cập của chúng ta mà ngay trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã nói rõ là cải cách tư pháp phải tiến đến việc lập tòa án vùng, tòa án khu vực, tách tòa án ra khỏi đơn vị hành chính, chính quyền, khi đó mới có thêm hy vọng độc lập hơn.

Trong những trường hợp như thế này, có lẽ Luật Tố tụng cũng phải xem xét lại. Có những vụ việc xảy ra ở địa phương, để cho khách quan, không nên xét xử ở những địa phương đó, cần phải đưa lên tòa án cấp tỉnh hoặc đưa sang tòa án ở địa phương khác.

Cảm ơn ông.

Cao Nhật thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.