Ba học sinh tự tử: Tiếng kêu cứu không được đáp trả

Ba học sinh tự tử: Tiếng kêu cứu không được đáp trả
TP - TS tâm lý Nguyễn Kim Quý cho biết: Điều gây sốc, đau đớn nhất đối với dư luận nói chung và gia đình của ba học sinh trong vụ tự tử tập thể là trước đó có tiếng kêu cứu, tự tử không thành của các em nhưng không được lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ.

> Ba học sinh rủ nhau tự tử: Đau lòng và khó lý giải

Trước khi chết, bản năng sống trong mỗi con người trỗi dậy, thôi thúc con người chống lại bản năng chết.

Đó là tâm trạng chán nản của em Nhung trong 2 năm trước đó và thời gian gần đây trong lúc nói chuyện cùng bạn bè: “Tao chết, tao hiện về chỉ bài cho mấy đứa bay”; Là tâm sự “những bí mật không thể bật mí” của em Hạnh ghi chép trong những trang vở; Là hành động của Nhung 2 ngày trước đó, từng mang chai nước lên lớp và nói “trong này có thuốc độc” rồi nói muốn gặp bạn bè lần cuối để cả 3 cùng ra đi.

Nhưng đáng tiếc, tiếng kêu cứu không được đáp trả nên vụ tự tử đã xảy ra. Nếu bạn bè, nhà trường quan tâm diễn biến, hỗ trợ, chắc chắn các em không phải chết đau đớn như vậy.

Là chuyên gia cố vấn của đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em (Bộ LĐTB&XH), chúng tôi từng giải cứu hàng trăm trường hợp các em có ý định tự tử. Trong lúc tuyệt vọng, chỉ cần có người chia sẻ, lắng nghe và gỡ rối cùng các em, kết cục đau lòng sẽ không xảy ra.

Theo TS Quý, qua vụ việc này cho thấy các em đang thiếu tư vấn tâm lý học đường. Tại các trường phổ thông cần có phòng tư vấn tâm lý học đường. Các em có những tâm sự, khúc mắc không biết thổ lộ tâm sự cùng ai.

Người mà các em thổ lộ tâm sự thường là bạn cùng lứa nhưng kinh nghiệm, vốn sống như nhau nên bạn cũng không giúp gì được cho các em.

Phải có phòng tư vấn tâm lý học đường mà ở đó các em dễ dàng thổ lộ tâm sự và được giữ bí mật tuyệt đối, đáng tin cậy, từ đó nhận được những lời khuyên hữu ích.

Bên cạnh đó việc người lớn thấu hiểu tâm lý hành động a dua theo nhóm của học sinh chưa thật đúng mực.

Tâm lý chung ở tuổi dậy thì là tính tự ái cao, các em muốn khẳng định làm người lớn, tự quyết các vấn đề của mình và muốn sống theo thế giới mà các em cho rằng tốt nhất.

Tuy nhiên, các em lại chưa phải là người lớn và người lớn vẫn coi các em là trẻ con khiến trẻ bị rơi vào mâu thuẫn. Khi đó, cộng hưởng thêm lý do gây chán chường khác như khúc mắc trong quan hệ bạn bè, thầy cô, trẻ rất dễ hành động bột phát.

Cần có phòng tư vấn học đường tại các trường phổ thông (ảnh chỉ có tính minh họa)
Cần có phòng tư vấn học đường tại các trường phổ thông (ảnh chỉ có tính minh họa).

Cách xử lý mâu thuẫn ở lứa tuổi là tự xâm chích mình. Xâm chích mức nhẹ nhất là tự cắt tay, gây đau đớn thể xác. Đỉnh cao của cơ chế tự vệ lứa tuổi này là giải pháp tự tử để giải quyết mâu thuẫn.

Theo TS Quý, số vụ tự tử tập trung cao nhất ở tuổi 13 - 16. Lứa tuổi dậy thì có diễn biến tâm lý phức tạp nhất trong quá trình phát triển nhân cách, trưởng thành của giới trẻ.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ ở lứa tuổi này tự tử cao nhất. Tâm lý trẻ tuổi này bồng bột, hiếu thắng và suy nghĩ nông cạn nên không nghĩ đến hậu quả. Khi gặp bế tắc chỉ muốn giải quyết thật nhanh để thoát khỏi bế tắc đó.

Cũng theo TS Quý, một vấn đề khác đáng chú ý ở các em tuổi từ 12 - 16 là các em coi trọng vai trò đặc biệt của tình bạn, sống chết có nhau. Ít gia đình biết được là tình bạn ở lứa tuổi này được xếp vị trí quan trọng nhất, hơn cả cha mẹ, thầy cô.

Khi một em cảm thấy không được đối xử công bằng trong gia đình, nhà trường, không được thấu hiểu hay lo sợ bị trách mắng, các em rất dễ chán nản, tuyệt vọng và nảy sinh ý định tự tử của một em sẽ kéo theo cả nhóm chơi thân với nhau cùng hành động.

Đây là quy luật lây lan về mặt tình cảm nên gia đình, nhà trường đặc biệt lưu tâm.

Phương Hiếu ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG