Thông điệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh từ căn cứ địa Thái Nguyên:

Chúng tôi muốn hòa bình trong độc lập tự do

Chúng tôi muốn hòa bình trong độc lập tự do
TP - Trong thư chúc mừng chính phủ mới của Pháp, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng tôi mong chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều khó khăn vẫn có thể giải quyết một cách hoà bình và công bằng”.

Pôn Ramađiê thay Lêông Blum làm thủ tướng Chính phủ Pháp, tuyên bố trước quốc hội: Không thể giải quyết vấn đề Đông Dương bằng vũ lực. Ramađiê cử Bôlae làm cao ủy thay đô đốc Đácgiăngliơ. Đảng cộng sản Pháp ra nghị quyết “phải nối ngay những cuộc đàm phán với Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh...”.

Những nỗ lực vãn hồi hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thư chúc mừng chính phủ mới của Pháp, Hồ Chủ tịch viết: “Chúng tôi mong chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều khó khăn vẫn có thể giải quyết một cách hoà bình và công bằng”.

Từ chiến khu Việt Bắc, Đài tiếng nói Việt Nam  truyền đi lời phát biểu của Bác:

...”Nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp, chúng tôi cam kết tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hoá Pháp ở Việt Nam”.

Phạm Khắc Hoè, nguyên Đổng lý văn phòng Triều đình Huế kể lại: Vào độ cuối tháng 4 năm 1947, ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc, Đơ Pêrêra hỏi:

Ông có quen thân với thứ trưởng ngoại giao Hoàng Minh Giám không?

Ông Hoè cho biết từng học cùng trường Quốc học Huế với ông Giám. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ông là cộng sự của ông Giám trong nhiều tháng.

Chính phủ Pháp mới nhận được thông điệp của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đề nghị đình chiến, mở cuộc đàm phán  giải quyết xung đột Việt - Pháp, vậy ông Giám có phải là Đảng viên cộng sản không?

Không, ông Giám là nhà giáo yêu nước, được Hồ Chủ tịch rất tin tưởng...  đàm phán sẽ thành công nếu Việt Nam độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp - Đơ Pêrêra nhún vai... Còn Phạm Khắc Hoè sau đó cũng lên An toàn khu tham gia kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với 8 chiến sỹ bảo vệ do Người đặt tên: “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi” đến Làng Xảo, Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang (2/4/1947). Người chủ trì hội nghị cán bộ Trung ương Đảng “Bàn việc cụ thể hoá đường lối kháng chiến...”.

Kiên trì mục đích hòa bình, nhân đạo ngăn chặn chiến tranh, Chính phủ ta gửi thông điệp (25/4/1947) cho Bôlae đề nghị hai bên ngừng bắn, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Bolae trả lời trên đài phát thanh sẽ cử một phái viên đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để chuyển thông điệp.

Đại tướng  Võ Nguyên Giáp nhớ lại(1):

Đầu tháng 5/1947 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám gặp Trung tá Uyn - Sơn, Người của Tổng lãnh sự Anh ở gần cầu Đuống:

- Ông có nhớ Pôn Muýt (Paul Must) không? Người có dịp gặp ông ở Hà Nội và tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 19/12/1946. Ông ấy đang ở bên kia cầu Đuống và tha thiết muốn gặp ông.

Pôn Muýt tới và nói với Hoàng Minh Giám:

- Tôi muốn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi được ủy nhiệm chuyển trực tiếp đến Chủ tịch một thông điệp của Cao ủy Bôlae...

- Tôi sẽ báo cáo với Hồ Chủ tịch và trả lời về quyết định của Người…. Có thể liên hệ với tôi bằng điện đàm - Pôn Muýt trao đổi quy ước liên lạc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám kể lại(2):

Bác nhận định cuộc gặp này không mang lại kết quả gì đâu. Nhưng cần cho phái viên Pháp thấy quyết tâm chống xâm lược của Chính phủ và nhân dân Việt Nam để Bôlae và bộ tham mưu của chúng biết...

Chúng tôi muốn hòa bình trong độc lập tự do

Các chiến sỹ công binh dựng một nhà bốn mặt che kín bằng vải bạt dưới tán cây xanh tại một phố vắng trong ba giờ đồng hồ trước khi Pôn Muýt đến. Nhà chia làm hai phòng, một để Hồ Chủ tịch cùng Hoàng Minh Giám tiếp đón phái viên, phòng nhỏ hơn để bộ phận lễ tân làm việc.

Ông Tạ Quang Chiến, một trong 8 chiến sĩ bảo vệ giúp việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên, nay đã ngoài 80 tuổi, ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nhớ lại:

Đường đến thị xã Thái Nguyên cũng như địa điểm gặp gỡ được lực lượng bảo vệ phối hợp triển khai đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Buổi chiều, đồng chí Kháng (Hoàng Hữu Kháng), Định (Võ Viết Định) và Lợi (Trần Định) bảo vệ Bác từ ATK về thị xã Thái Nguyên.

Khoảng 9 giờ tối ngày 11/5/1947 người chiến sỹ cảnh vệ mở cửa phòng khách để đồng chí Phan Mỹ và Pôn Muýt vào rồi đứng lại ngay. Dưới ánh đèn măng sông Pôn Muýt xúc động bắt tay Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người tuy có gầy đi nhưng vẫn giản dị, lịch sự như trước đây ông đã được gặp tại 12 Ngô Quyền, Hà Nội.

Sau khi hỏi thăm khách chuyện đi đường, Hồ Chủ tịch mời Pôn Muýt uống nước chè đường, một đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên cho lại sức rồi nói:

Ông chuyển cho tôi bức hoàng điệp của ông Bôlae?

Pôn Muýt cảm ơn Hồ Chủ tịch vui lòng tiếp ông và xin phép đọc thuộc lòng bản thông điệp (không có văn bản) của Cao ủy Pháp Bôlae, đặt ra bốn điều kiện cho ngừng bắn: Quân đội Việt Nam phải nộp vũ khí cho Pháp/ Quân đội Pháp được quyền đi lại tự do trên đất nước Việt Nam/ Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người bị bắt (mà họ gọi là con tin)/ Chính phủ Việt Nam phải trao cho Pháp tất cả những người nước ngoài (người Nhật và Pháp  chạy sang phía Việt Nam).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm nét mặt, Người ôn tồn hỏi:

Ông Pôn Muýt, tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hítle của nhân dân Pháp, điều đó có đúng không ?

Thưa Chủ tịch, đúng.

Vậy nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ thế nào với bản thông điệp của ông Bôlae? Ông có thể chấp nhận những điều kiện đó không?

Pôn  Muýt lúng túng không trả lời được.

Bác nói tiếp: Tôi nghe nói ông Bôlae cũng tham gia cuộc kháng chiến chống Hítle và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có ý nghĩa gì? Có nghĩa ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng. Lại còn điều liên quan đến người nước ngoài đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân. Nếu chấp nhận chúng tôi sẽ là kẻ hèn nhát. “Trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát”. (3)

Pôn Muýt im lặng, gật đầu tỏ ý đồng tình, rồi nói:

- Tôi hiểu, thưa Chủ tịch tôi hiểu... - Thế rồi ông ta không nói tới bản thông điệp nữa. Bác giải thích về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta, yêu chuộng hoà bình muốn có quan hệ với nhân dân Pháp nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình.

Pôn Muýt thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, hứa sẽ báo cáo lại với Cao ủy Bôlae. Bác nói:

- Chúng tôi muốn hoà bình, nhưng không phải là hoà bình với bất cứ giá nào! mà phải là hoà bình trong độc lập tự do.

Các đồng chí phục vụ bưng ra rượu sâm panh để Chủ tịch Hồ Chí Minh mời khách uống. Pôn Muýt uống cạn ly chia tay rồi khuất vào bóng đêm.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại diện Chính phủ Pháp ở thị xã Thái Nguyên 11/5/1947, thông điệp của Bác đã trở thành lời hịch non sông bảo vệ độc lập của dân tộc Việt Nam sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

“Đánh Pháp bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam”

Bốn ngày sau, Bác chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Sơn Dương để bàn về vấn đề ngoại giao với Pháp sau cuộc hội kiến giữa Người với Pôn Muýt...  Ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi đồng bào(4) 

… Người kêu gọi: “Mỗi công dân phải là một chiến sỹ, mỗi làng phải là một chiến hào”.

Tối ngày 20/5/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sỹ bảo vệ giúp việc đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa, xây dựng Phủ Chủ tịch đầu tiên ở Việt Bắc. Bác chủ trì họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ra chỉ thị “Phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp” đánh lên căn cứ địa Việt Bắc, bằng không quân, bộ binh, hải quân của 12.000 quân địch. Ta diệt, làm bị thương 7.200 tên, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm 16 tàu chiến, 38 ca nô, 255 xe thiết giáp, ô tô cùng 1.000 khẩu pháo, cối, thu 4.000 súng các loại...

Cũng cần nhắc lại rằng; trước năm 1946 Hồ Chủ tịch là thượng khách của Chính phủ Pháp. Người họp báo ở lâu đài Royal Monceau Paris, một nhà báo Pháp hỏi:

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch tuyên bố nếu Pháp cố tình mở chiến tranh xâm lược thì  quyết địch lại chứ không sợ. Vậy Chủ tịch đánh bằng gì ?

Bác đáp lại đanh gọn : “Đánh bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam”

Từ câu nói ở thủ đô Paris của Người, nhân dân Việt Nam đã biến thành bài học nhớ đời của quân viễn chinh Pháp ở chiến khu Việt Bắc.

--------------------------

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây (Hữu Mai ghi), Tổng tập hồi ký, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 2006, tr 435.
(2) Hoàng Minh Giám, Đánh bằng trí tuệ của nhân dân Việt Nam (Phí Văn Báo ghi), tạp chí Xưa và Nay số 267 (9/2006)
(3) Hoàng Minh Giám, S.đ.d, Tr 6
(4) Những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1956, tập I, Tr 174 - 175

MỚI - NÓNG