Mong ước sau cùng

Mong ước sau cùng
TP - Ngày 31-5, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho biết vừa gửi thư tới Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Thầy Khoa nói: “Lá thư này là mong ước cuối cùng trước khi tôi rời ngành giáo dục vĩnh viễn”.

>> Đỗ Việt Khoa người hùng thất bại?

Trong thư thầy Khoa khẩn cầu Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo giải quyết một số việc liên quan khiếu nại của thầy suốt bốn năm qua. Thầy Khoa không tiết lộ nội dung cụ thể lá thư.

Việc thầy Khoa quyết định rời khỏi ngành giáo dục được coi là người chống tiêu cực bị gục ngã. Đến thời điểm này chưa thấy ai xuất hiện tiếp sức cho thầy mà chỉ nghe người ta đứng ngoài bàn tán xôn xao.

Người mới đây lên tiếng lập tức trở thành nam châm hút dư luận, đó là phó giáo sư Văn Như Cương! Nhưng, đó không phải là sự xuất hiện để tiếp sức.

Bốn năm trước, khi thầy Khoa thành người hùng chống tiêu cực, thầy Cương nói trên công luận rằng, nếu thầy Khoa gục ngã thì sẽ đưa về trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, nơi thầy Cương làm hiệu trưởng để công tác. Lời hứa ấy như là phao cứu sinh, là tuyến sau vững chắc giúp thầy Khoa yên tâm lao vào cuộc chiến (điều này thầy Khoa đã tâm sự trong câu chuyện với phóng viên Tiền Phong).

Bốn năm sau, cuộc chiến ấy đã đưa thầy Khoa đến hoàn cảnh như chữ nếu mà thầy Văn Như Cương đã nói, đó là gục ngã. Lúc này, thầy Cương lên công luận và quyết định: Giờ thầy Cương không nhận nữa, vì thầy Khoa không bình thường.

Nhiều báo đưa phát ngôn này của thầy Cương dưới những cái tít: Phó giáo sư lừng lẫy Văn Như Cương thất hứa?, Thầy Cương từ chối người hùng Đỗ Việt Khoa…, và thông điệp này được truyền đi với cấp số nhân, làm nóng các diễn đàn của giới trẻ.

Trước sức ép của dư luận, thầy Cương lại xuất hiện trên báo chí giải thích: Nếu anh yêu một cô gái và anh nói sẽ cưới em, trọn đời yêu em, nhưng sau một thời gian tìm hiểu, chứ chưa cần nói đến vài ba năm, anh thấy cô gái ấy không đúng như yêu cầu của anh, không như anh nghĩ thì anh là người quân tử anh phải lấy cô ấy à?

Thầy Cương cảm thấy buồn khi báo chí quy cho thầy thất hứa. Thầy Cương nói: Trước đây chỉ nói là nếu thầy Khoa bị đuổi việc thì nhận về trường công tác, chứ không nói là xin nghỉ việc sẽ nhận về. Khác nhau ở đây là bị đuổi việc và xin nghỉ việc.

Câu chuyện thầy Khoa còn dài, hiện tượng thầy Khoa không đơn giản trong cuộc sống phức tạp hôm nay vốn đan xen thật, giả, đúng, sai khó lường. Chúng ta không thể dễ dàng kết luận về những câu hỏi tại sao, thế nào…

Và một câu hỏi luôn luôn day dứt trong những người trẻ tuổi: Người trẻ học được gì từ cuộc chiến đấu của thầy Khoa? Học được gì từ việc sống chính trực, dám đấu tranh vì lẽ phải?

Cuộc sống luôn vận động ngoài những trang sách. Cách sống của một người thầy như thầy Khoa cho học trò những bài học sống động, sâu sắc hơn từ sách vở, từ những bài giảng vốn là lý thuyết suông.

Hôm nay, hơn một triệu học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Mong cho mọi thứ thuận buồm xuôi gió và đừng xuất hiện thêm một Đỗ Việt Khoa nào nữa! Không phải chúng ta không muốn đón thêm anh hùng, mà không xuất hiện thêm kiểu người hùng Đỗ Việt Khoa cũng có nghĩa là thi cử đã tốt lên, cuộc vận động hai không của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đi vào thực chất.

Mong ước ấy có thành sự thật không, khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa vừa mới đó là anh hùng giờ đã thành người thừa, người không bình thường và đang ngồi nhà đợi hồi âm từ lá đơn thôi việc đã gửi đi?

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.