Mệnh Trời và ý dân

Mệnh Trời và ý dân
TP - “Trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi, cho phúc nước lâu dài, phong tục giầu thịnh”. Mười thế kỷ đã trôi qua, biết bao đổi thay trong cuộc đời dâu bể, nhưng, câu nói trên của Lý Công Uẩn trong “Chiếu dời đô” vẫn nguyên giá trị, vẫn mới mẻ.

Mệnh trời phải chăng là quy luật tự nhiên? Trời sinh ra muôn loài, không có loài nào đáng phải tuyệt diệt. Trời sinh ra sông biển, sông phải chảy, biển phải có lúc vơi, lúc đầy. Có nắng, có mưa, đêm ngày tuần hoàn, thay đổi.

Không làm theo mệnh trời là không làm theo quy luật tự nhiên, là phá vỡ thế cân bằng của trời đất, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên. Còn không làm theo ý dân thì nói như Nguyễn Trãi, dân như nước, nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân.

Một thời, ta làm theo ý chí, bất chấp quy luật tự nhiên, cái mà ta thường gọi là duy ý chí. Ta phá rừng, ta phá chùa, ta “dời non lấp biển”, ta muốn thay cả trời đất, quyết “mạ vô sân, dân vô rú…”.

Một thời ta bất chấp các quy luật xã hội, muốn triệt tiêu động lực làm giàu chân chính của người dân, muốn tất cả đều cào bằng, tất cả đều là “của chung”…

Kết quả là đói ăn, đói mặc, nước nghèo, dân khổ!

Công cuộc đổi mới là kết quả nhận thức được phần nào cái giá phải trả cho sự ấu trĩ, coi thường quy luật tự nhiên, quy luật xã hội.

Bây giờ, sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, nhưng chưa phải chúng ta đã tuân thủ các quy luật tự nhiên, quy luật xã hội một cách khoa học, triệt để. Nhiều việc chúng ta làm cũng chưa “trên cung kính mệnh trời, dưới dựa theo ý dân” như đức Thái Tổ đã viết trong “Chiếu dời đô”.

Việc phát triển kinh tế theo chiều rộng, như nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã phát biểu, sẽ tàn phá môi trường, làm tài nguyên cạn kiệt. Làm kinh tế theo ý chí chủ quan khiến nảy sinh nhiều thất thoát, lãng phí.

Có thể kể ra nhiều việc khác nữa ẩn chứa nguy cơ tàn phá môi trường, chưa làm theo ý nguyện chính đáng của người dân, còn thiếu minh bạch, công khai; từ đó nẩy sinh nạn tham nhũng, làm xói mòn niềm tin trong dân.

Không thể phủ nhận những thành tựu, những nỗ lực ích dân ích nước trong xã hội, xuất phát ngay từ người dân bình thường nhất, nhưng với các cấp quản lý, cách hành xử “nếu thấy thuận tiện thì thay đổi” như lời dạy của Lý Công Uẩn vẫn chưa thực sự trở thành phản ứng thường trực.

Thực sự “cung kính mệnh trời, dựa theo ý dân” bằng những quyết sách đúng lúc, mới có thể làm cho “phúc nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.