Để đường dài bớt lo

Để đường dài bớt lo
TP - Bài 'Kiếp nạn ở xứ người' (chuyện 42 lao động nghèo vừa trở về từ Ảrập Xêút) trên Tiền Phong số 54, ra thứ Tư, ngày 23-2 lại nêu vấn đề đã quen trong xuất khẩu lao động. Mới và lạ là ở chỗ vì sao cứ liên tục xảy ra các rủi ro tương tự với lao động mà không có giải pháp hữu hiệu.

> Kiếp nạn ở xứ người

Nhìn lại hành trình xuất ngoại của 42 lao động, có thể thấy rủi ro xảy đến với họ là tất yếu (thực tế cũng có những lao động ra nước ngoài kiểu này nhưng gặp may mắn nên chuyện làm ăn thuận buồm xuôi gió). Từ khâu thẩm định đơn hàng, tạo nguồn, đào tạo nghề và ngoại ngữ, giáo dục định hướng... cho người lao động đều ẩn chứa sự bất ổn.

Thực tế, sau khi có đơn hàng với Cty môi giới nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam mới tuyển nguồn (không có doanh nghiệp nào chủ động tạo nguồn). Bị động trong tạo nguồn nên doanh nghiệp thường tuyển rất gấp gáp và hệ lụy là đào tạo cũng gấp (thậm chí có doanh nghiệp không kịp đào tạo, đưa lao động ra nước ngoài cho kịp hạn đơn hàng).

Lao động được học nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng… trong một tháng rồi xuất cảnh. Khi xuất cảnh, lao động được bàn giao cho Cty môi giới. Sau đó, lao động bị Cty môi giới nước ngoài chuyển cho ai, doanh nghiệp Việt Nam ít quan tâm. Một lao động ở quê được đào tạo một tháng rồi đưa đến đất nước xa xôi làm việc, và ở đó họ đơn độc tìm cách hòa nhập thì không va vấp mới là lạ. Đôi khi họ phải về nước với những lý do kỳ quặc.

Đào tạo thì ngắn ngủi, chất lượng lại hời hợt, mỗi nơi một kiểu nên doanh nghiệp mạnh ai nấy làm. Từ giáo trình đến cơ sở vật chất mỗi doanh nghiệp làm theo một kiểu riêng, không có quy chuẩn nào về đào tạo lao động xuất ngoại. Với cách đào tạo như vậy, mỗi chuyến xuất ngoại của người lao động luôn là nỗi lo của gia đình, doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

Đào tạo đã vậy nhưng khi xảy ra sự cố ở nước ngoài thì sự xuất hiện của đại diện doanh nghiệp, của Cục Quản lý lao động ngoài nước lại cũng thường chậm, thiếu chuyên nghiệp (một số nước không có đại diện doanh nghiệp, không có đại diện của Bộ LĐ-TB&XH). Hệ quả là lao động tự xoay xở và thường theo chiều hướng chuyện bé xé ra to, cái sảy nảy cái ung, về nước chịu nhiều thiệt thòi.

Hơn thế khi về nước, sự chia sẻ chịu trách nhiệm về rủi ro mà lao động gặp phải thường cũng có vấn đề. Thông thường khi gặp rủi ro về nước, lao động sẽ đến doanh nghiệp để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Từ đây quả bóng trách nhiệm được ban đi đến nhiều nơi. Có những trường hợp đòi lại được tiền của mình đã nộp cho Cty, người lao động phải mất cả năm trời. Chi phí đi lại, ăn ở chờ đợi… có khi cũng bằng số tiền mà doanh nghiệp đưa ra.

Chia sẻ rủi ro với người lao động là việc nên làm, phải làm, nhưng đáng làm hơn là phải nghĩ cách để rủi ro không xảy ra nữa. Sự cố như trường hợp 42 lao động là không mới (vụ việc tương tự đã xảy ra nhiều) và nguyên nhân được xác định nằm ở các khâu trong quy trình xuất khẩu lao động.

Hiện, lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và thị trường lao động còn tiếp tục mở rộng, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc khắc phục rủi ro mà phải nâng cao hình ảnh lao động Việt Nam ở nước ngoài. Việc này cần bắt đầu từ nâng cao chất lượng công tác đào tạo.

Có lẽ Nhà nước nên thành lập một loại hình trường chuyên đào tạo lao động xuất ngoại để cấp chứng chỉ (hoặc bằng), coi đó là tiêu chí bắt buộc đối với doanh nghiệp và người dân mỗi khi có ý định ra nước ngoài làm việc?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG