Kỹ năng ứng phó thảm họa

Kỹ năng ứng phó thảm họa
TP - Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng thế giới tràn ngập thông tin về thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

> Toàn cảnh động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Dù số người được xác nhận là đã chết liên tục tăng nhưng không ai phủ nhận được sự chuyên nghiệp và phản ứng mau lẹ của cả xã hội Nhật Bản trước thảm họa, từ chính quyền đến người dân.

Ngay khi sự cố xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, chính quyền đã cho sơ tán toàn bộ dân chúng trong bán kính 20km. Mọi người được phát cơm nắm, nước uống và chăn ấm. Người dưới 40 tuổi được cho uống nước có pha muối potassium iodide để phòng tránh ung thư.

Do giới chức đã có những phòng bị và phản ứng mau lẹ, sức khỏe người dân ít bị ảnh hưởng. Sự tương thân tương ái, cứu trợ những nơi bị động đất cũng đang được giới doanh nhân thể hiện rất rõ ràng. Công ty thực phẩm Nishin cam kết cung cấp 1 triệu gói mỳ ăn liền cho người dân vùng gặp nạn.

Các công ty Asahi, Sappori, Kirin và nhiều doanh nghiệp khác cũng nhanh chóng tiếp tế nước, lò sưởi, chăn nệm cho người dân... Tính đến hết ngày 13-3, số người phải đi lánh nạn đã lên tới gần 370.000 người nhưng gần như không xảy ra tình trạng hỗn loạn, đồ ăn, thức uống, các loại thuốc được cung cấp đầy đủ, tuy nhiên mỗi người chỉ được mua khoảng 1.000 yen (tương đương 250.000 đồng) để tránh tình trạng tích trữ.

Ở Nhật, mọi người được dạy để đối phó với các tình huống khẩn cấp từ khi học cấp 1. Để kịp di tản khi có cảnh báo khẩn, hoặc để có thể sống sót chờ đến khi được cứu nếu không may bị kẹt lại trong đống đổ nát hay bị cô lập, mỗi người Nhật đều đã chuẩn bị sẵn một túi chứa giấy tờ tùy thân, thức ăn khô, nước uống, đèn pin, băng gạc, áo giữ ấm.

Cho đến lúc này, giới chức Nhật đang cố gắng phục hồi hệ thống điện, còn gas vẫn có và nước sạch vẫn được cung ứng đủ dùng. Mọi người chỉ phải chịu lạnh ngày đầu tiên, và hôm sau đã được cung cấp lò sưởi, chăn ấm.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, một số nơi ở Nhật chịu cảnh cắt điện luân phiên do sự cố cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân và thông tin về cắt điện cũng được đưa chi tiết trên trang web của công ty điện lực để người dân nắm rõ.

Tại những nơi ít chịu ảnh hưởng từ trận động đất- sóng thần, mọi người đều chăm chú theo dõi tivi và internet để cập nhật thông tin mới nhất, đặc biệt là các tin báo động đất. Một khi xảy ra, chấn động sẽ tốn một khoảng thời gian để truyền đến các vùng xung quanh.

Khi ấy hệ thống báo động khẩn cấp động đất của chính phủ sẽ thu thập dữ liệu về động đất và phát tin cảnh báo đến các địa phương qua truyền hình và radio trước khi chấn động lan đến. Người ta có vài chục giây để phản ứng từ khi có báo động đến khi mặt đất bắt đầu rung chuyển. Vài chục giây quý giá này giúp tăng xác suất sống sót rất nhiều.

Thật cảm động khi biết rằng, thứ 6, 11-3, động đất xảy ra, đến 13-3, các sinh viên Việt Nam đang theo học Đại học Tohoku ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi (bị thiệt hại nặng nề nhất), đều thông báo an toàn và chưa ghi nhận trường hợp thương vong. Mọi người được hỗ trợ như những công dân Nhật, không có bất kỳ sự phân biệt nào.

Thêm một phản ứng được đánh giá là mau lẹ của chính phủ Nhật Bản; Hôm qua, Ngân hàng Nhật Bản đã cam kết bơm ngay vào thị trường tiền tệ một khoản kỷ lục 18.000 tỷ yen (khoảng 220 tỷ USD) trong bối cảnh đang có những lo ngại vụ thảm họa sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Khoản tiền trên sẽ giúp giảm căng thẳng thị trường, ngăn chặn khả năng lãi suất tăng mạnh.

Việt Nam cũng là nước thường xuyên gặp thiên tai. Những phản ứng mau lẹ của Nhật Bản trước thảm họa chắc chắn là kinh nghiệm quý giá cho chúng ta.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG