25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên - Kỳ cuối

25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên - Kỳ cuối
TP - Cha bị tội “vượt biên”, con không thể vào Đảng, cũng không thể đi học đại học... Cái án vượt biên đã 25 năm treo lơ lửng trên đầu người thân của 7 thuyền viên mất tích, đẩy họ lâm cảnh khốn khó.
25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên - Kỳ cuối ảnh 1
Bà Lé đầm đìa nước mắt

Kỳ cuối: Một phần nghìn của tia hy vọng
>> Kỳ 1: Từ “án” vượt biên

Một ngày cuối tháng 10/2007, chúng tôi về Cảnh Thượng (Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) để tìm gặp gia đình ông Lê Thanh Bùi, thuyền trưởng tàu BTT-07. Một ngôi nhà nhỏ nhưng khá khang trang nằm gần chợ. Biết tin chúng tôi đến, bà Phạm Thị Thanh, vợ ông Bùi đã cho gọi những đứa con đang sinh sống gần đó đến để cùng tiếp chúng tôi.

Bà Thanh bảo, nếu ông Bùi còn sống thì năm nay đã 78 tuổi. Câu chuyện của bà thường xuyên bị ngắt quãng trong tiếng nấc và nước mắt tủi hờn. Bà năm nay 72 tuổi. Nhăn nheo và khắc khổ.

Bà nhớ ngày đó, ông Bùi bị tai nạn đang nằm điều trị tại bệnh viện Hà Lan (Đông Hà). Ông nói với bà rằng điều trị xong đợt này sẽ ra Hội đồng y khoa để làm chế độ nghỉ hưu.

Đang nằm điều trị, thì người của cơ quan (Cty Vận tải thuỷ Bình Trị Thiên) đến động viên ông nhận lệnh ra Hải Phòng để lái con tàu BTT-07 đang được sửa chữa tại đó chở hàng là đường ống vào Quy Nhơn. Họ bảo chỉ có kinh nghiệm đi biển dày dặn của ông mới làm thuyền trưởng con tàu này được. Bởi vì, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông là thuyền trưởng đầu tiên của Cảnh Dương, chuyên lái tàu hoa tiêu dẫn tàu tránh ngư lôi dọc tuyến sông biển vùng này.

25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên - Kỳ cuối ảnh 2
Ông Hiệng và cuống huy chương người con mất tích

Ông bảo với bà rằng, mình là đảng viên, thì không nên từ chối nhiệm vụ. Lúc này đã là những ngày giáp Tết rồi, ông chia tay vợ cùng 6 đứa con đón xe ra Hải Phòng...

Bà Thanh kể: “Tôi nhớ rõ lắm, ông ấy đi chừng dăm hôm thì đài báo có đợt gió mùa mạnh lắm. Ruột gan tôi cứ nóng như lửa đốt. Lo lắng, thấp thỏm nhưng chẳng biết hỏi ai.

Và thật phũ phàng... Tôi không bao giờ tin chồng tôi vượt biên. Một đảng viên vào sống ra chết trong chiến tranh như thế. Một người chồng thuỷ chung và yêu con như thế. Cho dù có ý định vượt biên thì cũng hé lộ chút gì đó cho vợ biết chứ. Gia cảnh chồng tôi tội lắm. Chỉ được 2 anh em trai mồ côi từ bé. Người em cũng vào đội thuyền hoa tiêu và đã hy sinh năm 1965 khi đang vận chuyển vũ khí”.

Những năm tháng sau đó, gia đình bà sống trong nỗi mặc cảm nặng nề và sự ghẻ lạnh đến ê chề. Hai đứa con trai đi bộ đội là đối tượng Đảng, người ta về địa phương xét lý lịch có cha vượt biên thế là dừng lại. Con trai thứ 4 là Lê Viết Mạnh xin chứng nhận lý lịch làm hồ sơ thi đại học cũng bị gác lại...

Những chuỗi ngày nặng nề như thế cứ triền miên, họ phải sống trong tủi hờn và nhẫn nhục. Đó là một thực tế không hiếm thấy ở các miền quê trong những năm tháng trước đổi mới.

Thôn Phúc Mỹ (Quảng Phúc, Quảng Trạch) nằm mé cửa Gianh. Thôn yên bình trong trời chiều xuống chậm. Hỏi trẻ con đầu làng có biết nhà của ông Nguyễn Ngọc Hới không? Chúng ngơ ngác nhìn nhau lắc đầu không biết.

Phải cậy những người lớn tuổi họ mới dẫn chúng tôi đến nhà em ruột của Nguyễn Ngọc Hới là Nguyễn Trọng Hòa. Anh Hòa đưa chúng tôi đến nhà bố đẻ là cụ Nguyễn Hiệng.

Cụ Hiệng năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn đan lưới và còn minh mẫn lắm. Nhắc đến sự mất tích của con cách đây đã 25 năm, cụ Hiệng không cầm được nước mắt.

Cụ kể: “Hới nhập ngũ và tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau đó tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác năm 1972, 1975. Mãi đến năm 1980, Hới là sỹ quan quân đội chuyển ngành và được nhận vào Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên.

Trước ngày ra Hải Phòng nhận nhiệm vụ cùng chở hàng vào Quy Nhơn, nó có nhắn ra với gia đình rằng, nó sẽ cố gắng về kịp đón Tết. Vợ và 2 con của nó còn nhỏ dại lắm. Đứa lớn lúc đó mới hơn 3 tuổi. Đứa nhỏ chưa đầy tuổi thôi. Nó ra đi và không bao giờ trở về nữa. Hai tháng sau đó, người trong cơ quan có thông tin ra cho vợ con nó rằng, Hới đã vượt biên. Vợ con nó suy sụp hẳn.

25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên - Kỳ cuối ảnh 3
Bà Von xúc động khi nhớ về quá khứ

Bơ vơ, cô quạnh trong sự ghẻ lạnh của mọi người. Vợ nó còn quá trẻ và không đủ sức chịu búa rìu dư luận. Một năm sau đó vợ nó đến xin tôi cho chúng vào Nam kiếm sống.

Giờ, đâu như nó cùng con đang sống ở Hàm Tân (Bình Thuận). 25 năm rồi, gia đình tôi không có bất cứ thông tin nào về nó cả. Tôi không tin con tôi vượt biên, phản bội Tổ quốc. Một sỹ quan quân đội, vào sống ra chết, được tôi luyện và trưởng thành, tôi tin nó không thể làm chuyện đó...”.

Cụ Hiệng đến chiếc tủ thờ lấy ra những cuống huân huy chương của anh Hới mà cụ còn cất giữ, cụ nhìn ngắm nó để thêm niềm tin rằng con trai của cụ không như những gì mà người ta đã kết luận.

Nhà bà Phan Thị Von, nép sâu trong khu phố 6 thị trấn Ba Đồn. Bà còn khá trẻ so với tuổi 62 của mình. Bà đang sống cùng cô con gái út đang làm ở khách sạn Cosevco. Bà chạy chợ buôn bán nhỏ để sống qua ngày. Chồng bà là Dương Thanh Hải, thuyền viên trên chiếc tàu BTT-07 xấu số kia. Trước ông Hải, bà có một đời chồng là liệt sỹ và có một đứa con riêng.

Bà với ông Hải có thêm 3 mặt con. Đứa con đầu hiện đang làm thuê ở miền Nam. Con trai thứ 2, bỏ học từ lớp 7, làm thuê làm mướn quanh vùng. Con trai thứ 3 đi bộ đội về và làm công nhân ở Cty Cosevco.

Bà nhớ như in trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, ông Hải còn nói với bà: “Mình là đảng viên, dù biết cận Tết mấy mẹ con ở nhà sẽ vất vả, nhưng đã là lệnh rồi thì mình phải gương mẫu chấp hành thôi”.

Ông ra Hải Phòng một thời gian có nhắn vào cho bà rằng, tàu bị thủng, phải sửa chữa nhiều nên khó có thể về kịp Tết được. Đó là dòng tin cuối cùng mà bà nhận được từ ông... Sau đó chẳng hề có ai thông báo chính thức cho gia đình bà biết ông Hải cùng các thành viên khác mất tích, gặp nạn, hay vượt biên gì cả. Cty cũng chẳng đoái hoài. Và gia đình bà sống trong dư luận nặng nề và nỗi niềm khắc khoải từ bấy đến nay.

Nhà bà Nguyễn Thị Veo có chồng là ông Trần Mạnh Hà, thuyền phó tàu BTT-07. Một ngôi nhà rất nhỏ nằm ngay cạnh con đường từ thị trấn Hoàn Lão đi Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Khi ông Hà nhận nhiệm vụ thì ông bà đã có 2 mặt con. Đứa lớn được 3 tuổi còn đứa nhỏ chỉ mới 10 tháng tuổi. Khi có thông tin chồng của bà vượt biên thì gia đình bà rơi vào những ngày tháng cay cực nhất.

Đứa con đầu bỏ học từ năm lớp 2 ở nhà giúp mẹ. Đứa con thứ 2 lớn lên phải lang bạt vào Nam kiếm sống. Bà đang công tác trong ngành thương nghiệp vướng vào vòng hệ lụy có chồng vượt biên nên người ta cho nghỉ việc với chỉ vỏn vẹn 6 tháng lương.

Ngồi bên giếng nước sau nhà, làm thêm nghề ươm giá đỗ, bà nghẹn ngào túc tưởi khi nói về quãng thời gian khốn khó, cơ hàn vì nghi án của chồng bà. Bà không bao giờ tin rằng chồng mình vượt biên để lại vợ và 2 đứa con thơ dại. Cùng chung số phận như gia đình của các thành viên trên tàu BTT-07, gia đình bà cũng không hề nhận được bất cứ một thông tin chính thống nào cũng như bất cứ một sự quan tâm nào, dù nhỏ trước sự mất tích của chồng.

Bà Phan Thị Lé, có chồng là Trần Văn Thanh, máy trưởng tàu BTT-07. Nhà bà lọt thỏm trong một góc khuất của phường Hải Thành (TP Đồng Hới). Móm mém, nhăn nheo và tóc bạc trắng ở tuổi 63. Vợ chồng bà có 5 người con. Khi ông Thanh lên đường ra Hải Phòng thì con đầu 11 tuổi và con út 2 tuổi rưỡi.

25 năm nỗi đau của 7 gia đình bị 'treo án' vượt biên - Kỳ cuối ảnh 4
Bà Veo bên giếng nước sau nhà

Trước đó bà cùng với chồng làm chung một Cty. Bà về chế độ 176 trước thời điểm chồng bà mất tích 1 năm. Bà kể câu chuyện gia đình mình sau nghi án vượt biên của chồng trong đầm đìa nước mắt.

Những thiệt thòi mất mát trong những chuỗi ngày sau đó đè nặng lên lưng người đàn bà goá phụ này. Mãi cho đến nay bà vẫn vẹn nguyên niềm tin chồng mình không thể là kẻ phản bội.

Một điều trớ trêu trên hành trình tự đi minh oan thanh danh cho người thân mà 7 gia đình này gặp phải là, năm 1989, khi chia tách tỉnh Bình - Trị Thiên về với địa giới cũ, thì Cty Vận tải thủy Bình Trị Thiên cũng theo đó giải thể.

Xao xác và tán loạn từ hồ sơ cho đến con người. Nay nếu như thân phận của chồng, cha, con, họ được minh oan thì cơ quan, tổ chức nào đứng ra minh oan và giải quyết chế độ chính sách cho họ?

Đem thắc mắc này hỏi ông Trần Đình Vân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì ông Vân cho hay rằng, Sở Giao thông-Vận tải vẫn là cơ quan chủ quản của họ, cho dù phiên hiệu của đơn vị đó không còn thì ngành giao thông - vận tải vẫn phải có trách nhiệm xử lý các vấn đề tồn tại này.

“Việc trước mắt bây giờ là xác định rõ ràng 7 thành viên trên tàu BTT-07 mất tích hay tử nạn khi đi làm nhiệm vụ hoặc đã vượt biên ra nước ngoài, rồi từ đó mới có cơ sở để áp dụng theo các quy định hiện hành” - Ông Vân nói.

Còn 2 gia đình của 2 thành viên trên tàu BTT-07 mà chúng tôi không thể đến được, nhưng qua thông tin mà chúng tôi có cho đến lúc này, gia cảnh của họ cũng chẳng hơn gì các gia đình mà chúng tôi tiếp cận là mấy. Cả 7 gia đình đều lập bàn thờ và mộ gió vái vọng người thân. Họ chọn ngày giỗ cho người mất tích trong khoảng 12-16 tháng Giêng (âm lịch) năm 1982. Đó là ngày đợt gió mùa đông bắc rất mạnh đang quần thảo trên biển đông.

Chớm đông 2007

M.T

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.