Một quyết định 'băm nát' cả triệu mét vuông vỉa hè :

Vỉa hè Hà Nội : Phân cấp, hay phân chia quyền lợi ?

Vỉa hè Hà Nội : Phân cấp, hay phân chia quyền lợi ?
TP - Vì sao lại có sự rối mù trong công tác quản lý mà hậu quả là hàng triệu mét vuông vỉa hè đứng trước nguy cơ bị "băm nát"? Quyết định 227 của TP Hà Nội đóng vai trò đặc biệt trong việc này. 

>> Bài 1: Đua nhau “làm thịt” vỉa hè 

Vỉa hè Hà Nội : Phân cấp, hay phân chia quyền lợi ? ảnh 1
Trên phố Hàng Đào (Hà Nội), vỉa hè thành nơi buôn bán - người đi bộ dưới lòng đường - Ảnh: Phạm Yên

Quyết định 227 ngày 12/12/2006 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân (nay đã nghỉ hưu) ký. Trong nhiều nội dung mà QĐ này đề cập có hai nội dung quan trọng.

Điều 12  của QĐ 227, cho phép các hộ được kinh doanh ăn uống trên vỉa hè từ 5 giờ đến 8 giờ và từ 19 giờ đến 24 giờ... Còn Điều 13 (điểm 3) cho phép những hè phố có chiều rộng lớn hơn 3m có thể sử dụng tạm thời làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy. Các tổ chức cá nhân có nhu cầu nộp đơn lên UBND quận, huyện.

Từ cơ sở là QĐ 227, ngày 30/5/2007, Phó Chủ tịch UBND TP  Hà Nội  Đỗ Hoàng Ân ký tiếp quyết định 55 “Phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng đô thị theo nghị quyết 08 của HĐND TP Hà Nội”. Trong số rất nhiều hạng mục phân cấp, chúng tôi chỉ đề cập đến hạng mục quản lý hè phố.

Theo QĐ 55, quận, huyện sẽ đầu tư xây dựng và duy tu, khai thác hè phố, cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ xe máy, xe đạp, ô tô, vật liệu xây dựng, sử dụng tạm thời vào việc cưới, tang, kinh doanh bán hàng ăn uống. Kể từ sau khi có QĐ 227 đến tháng 9/2007, thành phố Hà Nội đã bàn giao cho các quận huyện tổng cộng trên 2 triệu m2 hè đường.

Theo một số chuyên gia, việc phân cấp quản lý cũng đồng nghĩa với việc một khoản kinh phí sẽ được rót xuống các quận, huyện, đảm bảo cho việc duy tu, sửa chữa vỉa hè.

Điều này, đôi khi cũng tạo  sức hấp dẫn cho nhiều quận, huyện. Đặc biệt là, với việc cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường sẽ đem về cho các quận huyện (chủ yếu là quận nội thành) một khoản kinh phí đáng kể.

Cụ thể, để được cấp phép sử dụng vỉa hè làm bãi đỗ xe máy, xe đạp, các tổ chức, cá nhân phải nộp khoản lệ phí 35.000 đồng/m2 /tháng (tại các tuyến phố thường) và 45.000đồng/m2/tháng (với các tuyến phố chính) cho quận Hoàn Kiếm. Và đằng sau việc cấp phép trông giữ xe máy, xe đạp còn là việc kinh doanh, buôn bán.

Trên thực tế, không phải ai cũng có may mắn “xin” được một điểm trông giữ xe đạp, xe máy vì cơ chế cấp phép vẫn là “xin - cho” hoặc có được điểm trông giữ xe trước cửa hàng của mình... Điều này cũng phần nào lý giải vì sao quận Hoàn Kiếm lại có đến 365 điểm trông giữ xe máy, xe đạp trên vỉa hè.

Vỉa hè: bao giờ dành cho người đi bộ?

Vỉa hè Hà Nội : Phân cấp, hay phân chia quyền lợi ? ảnh 2
Vỉa hè trước cửa rạp Dân Chủ trên phố Khâm Thiên (Hà Nội)  Ảnh: Phạm Yên

Báo cáo của liên ngành CATP-GTCC Hà Nội cho thấy, việc thực hiện QĐ 227 đã làm một bộ phận nhân dân nhận thức rằng, thành phố có cơ chế “mở” cho việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán.

Nhiều phường vận dụng tổ chức sắp xếp các điểm trông giữ xe máy trên hè đường chưa đúng, nhiều điểm trông giữ xe máy không còn lối cho người đi bộ. Nhiều điểm trông giữ xe máy ở lòng đường ảnh hưởng đến tổ chức giao thông và bộ mặt đô thị...

Đặc biệt, với việc cấp phép cho hàng quán kinh doanh trên vỉa hè, với điều kiện Thủ đô chắc chắn cơ quan chức năng sẽ “bó tay” trong quản lý.

Hai ngành cũng nhận thấy, việc cấp phép đào hè phố làm đường do sở GTCC cấp, song việc duy tu hè lại do quận làm là chưa hợp lý. 

Trước thực tế này, liên ngành kiến nghị bỏ “việc cấp phép hàng quán ăn uống kinh doanh trên vỉa hè”;  không bố trí cấp phép cho trông giữ xe máy, xe đạp trên một số tuyến phố chính ra vào thành phố, tuyến phố hành lang bảo vệ, tuyến phố xung quanh trường học, cơ quan ngoại giao...

Ngày 31/10/2007, Sở GTCC Hà Nội cũng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội nêu rõ bất cập trong việc phân cấp quản lý hè phố về quận, huyện như: để xảy ra lấn chiếm để buôn bán, tổ chức trông giữ xe lộn xộn, việc tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên gây bức xúc cho người đi bộ, nhân dân và khách du lịch...

Theo đó, Sở GTCC Hà Nội đề nghị thành phố “không tiếp tục phân cấp việc quản lý, sử dụng hè phố cho quận, huyện”. Lý do là để đảm bảo đồng bộ giữa hè- đường- thoát nước mặt đường; đảm bảo hè phố thực sự dành cho người đi bộ.

Bên cạnh đó, việc không tiếp tục phân cấp còn thuận tiện cho các nhà đầu tư, các ban QLDA, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hè phố và bàn giao cho một đầu mối.

Hà Nội đang phải đối mặt tình trạng ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng mà chưa có những giải pháp đủ mạnh để hóa giải bài toán khó này.

Lập lại ngay kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng hè phố của Hà Nội là việc làm cấp thiết mang tính đột phá nhằm cải thiện tình hình giao thông tại Hà Nội. Nếu không, việc trả vỉa hè về cho người đi bộ không biết bao giờ mới thành hiện thực?

Mục đích của việc phân cấp  quản lý, sử dụng vỉa hè là làm cho công tác này tốt hơn, giảm kinh phí cho ngân sách thành phố. Nhưng trên thực tế, chất lượng quản lý chưa thấy nâng cao mà kinh phí quản lý thì lại tăng đáng kể. Hơn thế, hàng triệu mét vuông vỉa hè đang và sẽ tiếp tục bị “băm nát” vì vô vàn mục đích méo mó. Phải chăng việc phân cấp thực chất là “phân chia” quyền lợi?

MỚI - NÓNG