Sinh viên trong 'cơn lốc' tăng giá

Sinh viên trong 'cơn lốc' tăng giá
TP - Gần như tất cả các mặt hàng cứ vùn vụt tăng giá từng ngày, trong khi đó số tiền còm cõi của đa phần sinh viên lại không thể “chạy đua” được với mức tăng chóng mặt ấy.

Hoài Anh - Sinh viên năm thứ 2 ngành Du lịch, ĐHDL Văn Hiến (TPHCM) – vừa chạy ra chợ đã xồng xộc về nhà, phân trần với đám bạn chung nhà: “Rau tăng giá rồi. Mới mấy bữa trước mua bó rau dền có 1.000 đồng, nay đã tăng lên 1.500 đồng, lại chỉ có vài cọng. Mấy bạn đưa thêm mình… 500 đồng ra mua lại!”.

Phòng trọ của Hoài Anh nằm ngay trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TPHCM), có tất cả 5 người. Phòng chỉ có diện tích khoảng 20m2, vừa đủ đặt vài đồ đạc cá nhân và chỗ ngủ. Nhưng giá thuê phòng đã đội lên đến 1 triệu đồng so với 800.000 đồng chỉ hai tháng trước đó, khi sinh viên chưa nhập trường.

Ngay từ đầu năm học, đa số các tiệm ăn bên ngoài khu vực trọ của Hoài Anh đều có mức giá sàn là 8.000 - 9.000đồng/đĩa cơm. Cho nên mới tháng trước, cả phòng thống nhất đóng mỗi người 200.000 đồng tiền ăn/tháng, đến tháng này đã phải tăng thêm 100.000 đồng vì giá cả leo thang.

Nhẩm tính: gạo tăng từ 1.000đồng - 2.000đồng/kg, rau tăng 500 - 1.000đồng/bó, thịt cá càng tăng nhiều hơn tùy loại. Khoản tiền nhà Hoài Anh gửi 600.000đồng/tháng luôn thiếu trước hụt sau.

Lê My vừa bị chủ nhà trọ đuổi do không chịu được mức giá tăng quá cao. Học năm thứ 2 lớp Xã hội học Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM, My đã cố gắng bằng cách chuyển đến tận đường Lý Thường Kiệt, Q.10 để thuê trọ cho rẻ vì không kham nổi mức giá thuê của khu quận 1 đắt đỏ. Nhưng chủ nhà vừa lạnh lùng tuyên bố: “Đầu tháng 11 sẽ tăng thêm 100.000đồng/tháng để…bảo trì nhà cửa”.

Một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa chủ nhà và khách, cuối cùng thì phần thắng vẫn luôn…thuộc về chủ nhà. My ôm đồ ra đường, lang thang qua nhà bạn ngủ nhờ trong khi tìm phòng trọ mới.

Trong số các sinh viên đang trọ học tại TPHCM, có lẽ số sinh viên ở tại Làng Đại học Thủ Đức là ít phải đau đầu về việc tăng giá hơn cả. Nằm cách xa trung tâm, giá cả nơi đây vẫn khá dễ thở so với túi tiền còm của sinh viên. Nhưng “lợi bất cập hại”.

Minh Đức - SV ngành Tài chính kiểm toán, Khoa Kinh tế ĐHQG TPHCM tâm sự: “Ở đây thì thật sự giá cả dễ sống hơn nhiều so với ở trung tâm thành phố. Nhưng sinh viên không có điều kiện tiếp cận với công việc làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình”.

Mục sở thị nhà ăn của Ký túc xá Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội), đĩa cơm của các sinh viên, chủ yếu là nam, chỉ là suất trung bình từ 5.000 - 7.000 đồng, gồm có vài hột lạc rang muối, nhúm rau xanh lèo tèo, có thêm một vài miếng đậu be bé hoặc một vài lát gan hay vài miếng thịt luộc mỏng tang. Các sinh viên tại đây cho biết, cách đây 1 - 2 tháng, ăn suất khoảng 5.000 đồng nhưng nay phải 7.000 đồng.

Nhiều sinh viên ở Ký túc xá trường này đành chọn giải pháp nấu cơm “chui” tại phòng ở với các món ăn được chế biến theo cách duy nhất là… luộc. “Biết là có thể bị kỷ luật, nhưng đành chịu vậy vì chỉ có cách này mới no bụng được” - Một sinh viên nấu cơm “chui” nói.

Sinh viên ở Ký túc xá đã vậy, sinh viên trọ ngoài còn “méo mặt” hơn. Rau, củ, quả, thịt lợn, cá là những mặt hàng tăng giá dễ thấy nhất hàng ngày khi sinh viên đi chợ.

Rau muống tăng từ 1.000 đến 2.000 đồng/bó, đã thế bó rau lại nhỏ hơn trước. Đặc biệt, tại chợ Mai Động (Hà Nội), giá một bó rau muống vọt lên 3.000 đồng. Ngay cả những gia vị như mắm, muối, dầu ăn, hạt nêm...cũng không chịu nằm yên. Nhất là hai mặt hàng dầu ăn và mì tôm đột ngột vọt giá, dầu ăn từ 11.500 nay tăng 15.000 đồng /lít; mì tôm từ 1.200 nay tăng lên 2.000 đồng/gói.

Sẽ có Ký túc xá 2.000 chỗ cho sinh viên ĐHQG TPHCM

Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Thanh An - Giám đốc Ký túc xá ĐHQG TPHCM - cho biết: Sắp tới, Đoàn Thanh niên sẽ hoàn tất Ký túc xá 2.000 chỗ nằm trong khuôn viên Ký túc xá ĐHQG cho sinh viên tại khu vực Làng đại học Thủ Đức. Theo khảo sát, Ký túc xá sẽ đón được khoảng 60% lượng sinh viên trong năm học mới này.

Ngoài ra, hiện nay việc hoàn thành 18 tuyến xe buýt từ Làng đại học đi đến các nơi trong thành phố cũng giúp sinh viên rất nhiều trong việc ăn ở.

Sinh viên chỉ cần ở bất kỳ nơi nào tại trung tâm thành phố cũng kịp giờ đi học tại khu vực Làng đại học với lưu lượng 5phút/chuyến hiện nay.

Trước nay, đậu phụ, trứng, rau, mì tôm vẫn là những món khoái khẩu nhất của sinh viên. Thế nhưng, ngay cả những món bình dân trở xuống này cũng đang tăng giá vùn vụt. Đậu từ  500 tăng lên 1.000 đồng/bìa. Trứng vịt “leo thang” từ 1.300 lên tới 2.000 đồng/quả.

Giá tăng chóng mặt làm cho “cơ cấu” bữa ăn thay đổi. Sinh viên phải “hy sinh” cả sở thích ăn uống, sở thích mua sắm. “Thích ăn bắp cải nhưng hôm nay những 6.000 đồng/bắp nhỏ xíu, thôi thì ăn rau cải ngọt cho qua bữa để bữa cơm có canh là được”, Thương, ở “làng sinh viên” Phùng Khoang phàn nàn.

Một lý do khác khiến áp lực tiền bạc đang đè nặng lên sinh viên và phụ huynh hơn bao giờ hết là học phí. Gần như đồng loạt, nhất là các trường ngoài công lập ở TPHCM, học phí đều nhích cao lên.

Đại học Hoa Sen tăng học phí đối với sinh viên năm thứ nhất để học theo tín chỉ. Đại học Hồng Bàng, Đại học Hùng Vương… đều tăng thêm 200.000 - 300.000 đồng/học kỳ. Trong khi đó, sinh viên các trường công lập vẫn đang nơm nớp lo âu trước thông tin tăng học phí đồng loạt sắp tới.

1001 cách chống chọi

“Để có tiền ăn cơm, buộc phải đi cầm đồ!”. Câu tuyên bố ấy không còn là hiếm hoi giữa lúc cơn bão giá đang leo thang chóng mặt như thế này. Nguyễn Văn Trung – Sinh viên năm cuối khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TPHCM – lý giải: “Em thuê nhà tận quận 2 cho rẻ, nhưng tiền xăng xe đi lại từ nhà đến trường mất khoảng 10.000đồng/ngày rồi. Cứ vào tuần cuối tháng, khi nhà chưa kịp gửi tiền lên là phải đi cầm đồ. Thứ em hay cầm nhất là giấy phép lái xe…”.

Để chứng thực lời mình nói, Trung chỉ cho tôi nơi mà cậu hay cầm đồ trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình). Nơi đây chỉ có hai tiệm cầm đồ là T.V và P.T, nhưng lại là hai địa chỉ hiếm hoi tại TPHCM nhận bằng lái xe. Cầm giấy phép lái xe cộng thêm CMND, được tất cả 400.000 đồng. Số lượng sinh viên đến đây khá đông vì… rỉ tai nhau.

Những ngày này các chợ điểm bán rau buổi sáng ở Hà Nội chưa bao giờ lại đông sinh viên đến mua như những ngày gần đây. Từ 6 - 7 giờ sáng, cổng chợ tấp nập sinh viên vai đeo cặp, tay xách từng bịch to rau quả với giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với các chợ bán lẻ. Sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Thương mại, Báo chí, Sân khấu điện ảnh, Giao thông Vận tải chọn chợ Dịch Vọng hay chợ buổi sáng trên đường Láng là địa chỉ xanh để mua đồ ăn.

Đinh Hằng - sinh viên khoa Luật Hình sự, Đại học Luật cho biết: “Tuy vật phẩm tăng giá nhưng chúng mình chịu khó dậy sớm đi chợ buổi sáng nên vẫn đảm bảo tiêu dùng”.

Gặp 3 cô sinh viên đang tay nọ tay kia xách xách mang mang, được biết các bạn không chỉ đi chợ buổi sáng mua một lúc thật nhiều đồ cho rẻ, kết hợp với giải pháp ghép phòng dồn bát dồn đĩa nấu chung vừa đỡ tốn kém lại vừa vui.

Nhưng Thuý Chinh, sinh viên khoa Văn Đại học Sư Phạm Hà Nội ở một mình, nhờ mẹ tiếp viện tích cực nào là ruốc, lạc vừng, bột đậu nành, đậu xanh, trứng, cá khô chất trong nhà nên cô nàng tỏ ra khá ung dung với chỉ một bó rau tranh thủ khi đi học về.

Cũng trong thời điểm này, chưa bao giờ công việc làm thêm lại thu hút sự quan tâm của sinh viên như lúc này. Quỹ “utachi” cứ “tằng tằng” tăng từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng nên cánh sinh viên buộc phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống đỡ eo hẹp.

Với sinh viên, cách để khoản chi tiêu trong tháng hiện nay giảm xuống đến mức tối thiểu chính là “ở Ký túc xá, ăn cơm Ký túc xá, ngủ giường Ký túc xá”. Nhưng diện tích đất càng ngày càng ít, nhiều trường Đại học, Cao đẳng tại trung tâm TPHCM không còn đất để xây trường chứ nói gì đến việc xây Ký túc xá cho sinh viên vào ở.

MỚI - NÓNG