Anh hùng Phạm Tuân kể về chuyến bay lịch sử - Kỳ II

Anh hùng Phạm Tuân kể về chuyến bay lịch sử - Kỳ II
TP - Khi Phạm Tuân đến nhà tù Hỏa Lò gặp các phi công Mỹ đang bị giam giữ ở đây, những phi công ấy đã nói thật rằng cho đến giờ, khi đã nằm trong “khách sạn Hilton” họ vẫn chưa hiểu vì sao B52 lại bị bắn rơi?

Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng Phạm Tuân vẫn nhớ cái ngày 27/12/1972 ấy như vừa mới xảy ra hôm qua: “Sau khi cất cánh trong đêm tối, tôi bay giữa các lớp mây, ở độ cao 500m. Những sĩ quan hướng dẫn đường bay có kinh nghiệm nhất như: đồng chí Tú, Chuyên, Hùng, các nhân viên theo dõi bản đồ đường bay, điều phối không lưu đã hướng dẫn đường bay cho tôi như thể cầm tay dẫn đường để tôi bay vào nơi cần thiết, thuận lợi nhất cho tấn công.

Họ biết cách dẫn đường cho tôi bay xuyên qua đội hình những “con ma” bay của Mỹ trong các tốp khác nhau để bảo vệ pháo đài bay ném bom. Tôi đã bình tĩnh và thực hiện chính xác mệnh lệnh, nhanh chóng lấy độ cao, quan sát nhanh màn hình của máy ngắm trên máy bay.

Khoảng cách đến mục tiêu là 10km. Đúng lúc đó tôi nhận được lệnh tấn công. Song tôi đã thực hiện mệnh lệnh đó chậm hơn nhiều, vì tôi muốn tiếp cận mục tiêu gần hơn nữa để ăn chắc.

Sau khi phóng 2 quả tên lửa, tôi cho máy bay bổ nhào xuống. Tôi đưa máy bay xuống độ cao an toàn và hạ cánh. Mấy giờ sau có tin thông báo chính thức không quân Việt Nam đã bắn rơi B52 của Mỹ và tôi nhận được bức điện đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp chúc mừng về chiến thắng đó. Hồi ấy tôi đã nói và cả giờ đây tôi vẫn cho rằng “đó là chiến công chung của cả một tập thể anh hùng”.

Chiến thắng của Phạm Tuân đã là một “cú hích” góp phần làm nên “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ngày 27/12/1972 trở thành ngày “Điện Biên Phủ trên không” của bộ đội không quân. Ngay đêm hôm sau phi công Vũ Xuân Thiều đã hạ thêm một pháo đài bay B52 nữa.

Chiếc máy bay MIG - 21 do phi công Phạm Tuân điều khiển giờ đây không còn nằm trong Bảo tàng Phòng không không quân nữa, mà đã được đưa sang Bảo tàng Lịch sử  quân sự. Đó là một ngoại lệ dành cho chiếc máy bay đã làm nên một điều tưởng như không thể vào thời điểm đó.

Tôi đã nhìn rất lâu vào chiếc MIG -21 ở bảo tàng, nó nhỏ bé ngay cả khi ở giữa khoảng sân hẹp và sẽ càng nhỏ bé hơn khi bay trên trời, khi so sánh với pháo đài bay B52. MIG -21 không chiến với B52 có phải như “châu chấu đá xe”? Vậy mà MIG -21 nhỏ bé cùng với Phạm Tuân đã khiến cho niềm tự hào của không quân Mỹ cháy ra tro.

Khi Phạm Tuân đến nhà tù Hỏa Lò, thăm các phi công Mỹ đang bị giam giữ ở đây, những phi công ấy đã nói thật rằng cho đến giờ, khi đã nằm trong tù họ vẫn chưa hiểu vì sao B52 lại bị bắn rơi?

Đầu năm 1973, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Sắc lệnh phong tặng Phạm Tuân danh hiệu Anh hùng LLVT. Phạm Tuân tiếp tục phục vụ tại Trung đoàn “Sao đỏ”. Anh đã thực hiện hơn 200 lần xuất kích trong 5 năm tham gia chiến đấu.

Từ đỗ “vớt” đến ứng cử viên số một

Vậy là đã 16 năm trôi qua kể từ cái ngày Iuri Gagarin bay vào vũ trụ và nói những lời đầy hình tượng mang ý nghĩa thời đại “Chúng ta đi nào”. Cậu bé làng Quốc Tuấn ngày đó giờ đã trở thành phi công bắn rơi B52 và vẫn chăm chú theo dõi mỗi lần phóng tàu vũ trụ của Liên Xô. Mỗi lần như thế, Phạm Tuân lại chợt nghĩ: biết đâu số phận một lần nữa sẽ ban tặng cho mình một “tấm vé may mắn”?

Điều đó có vẻ như trở nên thực tế hơn khi vào năm 1977, Phạm Tuân rất vui mừng đón nhận thông báo mình sẽ được gửi sang Học viện Không quân nổi tiếng mang tên Iuri Gagarin ở Liên Xô để học tập.

Hai năm học đầu tiên trôi qua, đến năm 1979, Liên Xô và Việt Nam đã ký thoả thuận “Intercosmos”. Bản thoả thuận đó quy định những điều kiện tuyển chọn bốn ứng cử viên du hành vũ trụ trong hàng ngũ quân nhân Việt Nam, để sau đó chọn lấy hai và đào tạo họ tại thành phố Ngôi Sao nổi tiếng.

Trong suốt hai tháng làm việc tại Việt Nam, các bác sỹ Liên Xô chỉ có thể tuyển lựa được ba ứng cử viên. Bộ Quốc phòng quyết định cần tuyển lựa ứng cử viên thứ tư trong số các học viên phi công đang theo học tại Matxcơva.

Phạm Tuân lọt vào danh sách ứng cử viên, nhưng “tình hình về tim” không tốt đã khiến anh không vượt qua được rào cản y học nghiêm ngặt. Thật nặng nề khi nhận ra điều đó. Tuy vậy tại Việt Nam vẫn chưa tuyển được ứng cử viên thứ tư. Thời gian thúc ép, thế là Phạm Tuân đỗ “vớt” trên quan điểm “đằng nào cũng loại, lấy vào cho đủ”.

Ứng cử viên số một đương nhiên phải là viên phi công có nhiều kinh nghiệm nhất của Việt Nam từng bắn rơi 9 máy bay Mỹ. Đó là phi công Nguyễn Văn Cốc. Thế nhưng trong lần kiểm tra cuối cùng của Ủy ban giám định y khoa, anh đã bị loại. Một lần nữa, Phạm Tuân lại “lội ngược dòng”, từ vị trí dự bị anh trở thành ứng cử viên số một cho chuyến bay vào vũ trụ.

Anh cảm thấy mình như đang ở trong mơ khi biết sẽ được tập luyện trong đội bay chính, cùng với nhân vật từng thực hiện hai chuyến bay xuất sắc vào vũ trụ, đó là phó chỉ huy thứ nhất Phòng quản lý đào tạo các phi công vũ trụ, hai lần Anh hùng Liên Xô, đại tá Vichto Vaxileêvich Gorơbatcô.

Hai người anh em Việt Nam - Liên Xô và những lần “thử lửa”

Có một quy định là hai nhà du hành vũ trụ cùng điều khiển tàu vũ trụ phải hợp nhau về tính cách. Kể cả khi mọi cái đều đã hoàn hảo, nhưng nếu tính cách không hợp thì phải chọn người khác. Và như có duyên với nhau từ kiếp trước, Phạm Tuân và Vichto Vaxileêvich Gorơbatcô mặc dù tuổi đời khác nhau, nhưng lại hợp nhau có khi còn hơn cả anh em sinh đôi. Đến mức tại những địa điểm khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau, họ đều đưa ra những câu trả lời đại thể giống nhau!

Đối với Phạm Tuân và Vichto Vaxileêvich Gorơbatcô thì những trận ném bom của máy bay địch là những ký ức đầu tiên được nhớ kỹ nhất và khủng khiếp nhất. Ông Vichto còn nhớ rất rõ lần các máy bay của phát xít đã bắn giết một cách dã man đàn ngựa của ông. Còn Phạm Tuân thì đã chứng kiến cảnh ngôi làng bên cạnh bị huỷ diệt như thế nào sau trận bắn phá của máy bay Mỹ.

Và cũng từ những điều trông thấy ấy, họ đều ấp ủ khao khát được trở thành phi công, được bay và hiến dâng cả cuộc đời, tri thức, sức khỏe cho ước mơ đó.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ buổi gặp gỡ đầu tiên nhưng trong ký ức Phạm Tuân vẫn nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất trong công việc đồ sộ của chuyến bay vào vũ trụ. Công việc tập luyện của các đội bay vũ trụ Xô - Việt được bắt đầu từ những bài tập luyện trên biển. Phạm Tuân gần như lập tức đã yêu mặt biển phẳng lặng với màu xanh lơ, những con sóng cồn và chân trời thơ mộng chạy xa tít, tiếng chim hải âu kêu ầm ĩ, những chiếc thuyền đánh cá … gây cảm xúc ngây ngất của các con tàu.

Nhưng sau những giờ phút lãng mạn bên Biển Đen, chàng trai Việt Nam ấy đã trải qua những lần tập luyện trong các điều kiện hết sức đặc biệt, gần như đã vượt quá giới hạn sức chịu đựng của một con người bình thường.

Chẳng hạn như khi người ta thả buồng kín xuống nước, từ boong con tàu đang thực hiện các cuộc thử nghiệm. Thiết bị ấy nổi chòng chành trên mặt sóng như một chiếc phao khổng lồ, cạnh nó để đề phòng bất trắc - là những con thuyền cứu hộ vây quanh và có một chiếc tàu lặn trực bên cạnh.

Bây giờ các nhà du hành vũ trụ tiến hành các động tác cởi bỏ y phục chuyên dụng trong điều kiện bị lắc lư hết sức dữ dội. Sau khi hoàn tất động tác này, các nhà du hành vũ trụ mở nắp buồng kín và nhảy xuống nước. Áo cứu hộ nâng các nhà du hành vũ trụ nổi trên mặt nước. Họ bơi trên các con sóng, bắn pháo hiệu và châm đốt các ống nhả cột khói màu da cam lên trời.

Những cuộc thử nhiệm đã diễn ra nhiều ngày với các công việc dày đặc, từ sáng tinh mơ đến lúc mặt trời lặn. Tất cả nhằm làm sao để trong bản báo cáo về mấy chục cuộc thử nghiệm trước chuyến bay vào vũ trụ sẽ xuất hiện lời nhận xét: “Đã hoàn tất”.

Hai năm trời ròng rã tập luyện cho chuyến bay, Phạm Tuân và các đồng sự lúc nào cũng căng thẳng. Có những lúc, chỉ thực hiện một vài thao tác, mà họ đã bị sút  cân.

“Tôi vào loại khoẻ nhưng cũng không khỏi mệt. Vất vả nhất là bài tập trên máy kiểm tra tiền đình. Cứ 3 giây cúi đầu lại 3 giây ngẩng đầu, liên tục trong 10 phút, tưởng không chịu nổi. Ai cũng phải gồng hết sức. Tập để thích ứng với mọi tình huống xảy ra, phần để quen, phần để không bao giờ có chữ “nếu”. Áp lực rất lớn”, Phạm Tuân kể.

Cuối cùng thì phần tổng kết những đợt kiểm tra và sát hạch cũng đến. Trong cuộc họp báo, trước câu hỏi của các nhà báo về những khó khăn trong quá trình đào tạo nhà du hành vũ trụ Việt Nam, ông Vichto Gorơbátcô đã trả lời không cần suy nghĩ: “Trong mọi công việc đều gặp khó khăn, nhất là đối với một công việc phức tạp như bay vào vũ trụ. Tuy nhiên, nhà du hành vũ trụ Việt Nam đã hoàn thành chương trình tập luyện.

Mặc dù gặp khó khăn trong việc học tiếng Nga, nhưng anh ấy đã hoàn toàn nắm vững những kỹ thuật cần thiết. Về các môn lý thuyết và kỹ năng thực hành thì họ đã đạt điểm xuất sắc” .

Trong tâm trạng phấn khởi, Phạm Tuân đã trả lời câu hỏi của một nhà báo về những dự định ấp ủ thầm kín đối với chuyến bay vào vũ trụ. Anh nói: “Tôi muốn tin chắc lần cuối cùng rằng trái đất đúng là hình tròn và từ quỹ đạo nhìn thấy ngôi làng Quốc Tuấn của tôi”.

Thế rồi, cái giây phút lịch sử mà hàng triệu triệu trái tim Việt Nam và trên toàn thế giới mong chờ đã đến…

Còn nữa

MỚI - NÓNG