Vi khuẩn tiêu chảy cấp đã nhiễm ra môi trường

Vi khuẩn tiêu chảy cấp đã nhiễm ra môi trường
TP - Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, có trường hợp trẻ ở Hà Nội không ăn các thực phẩm nguy cơ cao, vẫn bị tiêu chảy cấp. Điều này cho thấy vi khuẩn gây tiêu chảy cấp đã nhiễm ra môi trường.

>> Cấp miễn phí găng tay ni lông cho các quán ăn
>> Bộ Y tế hướng dẫn cách tiêu huỷ mắm tôm 'tiêu chảy'

Vi khuẩn tiêu chảy cấp đã nhiễm ra môi trường ảnh 1
Bệnh nhân tiêu chảy cấp điều trị tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới QG - Ảnh: M.H

TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, theo điều tra của Viện, mẫu mắm tôm loãng lấy ở Hà Nam đem xét nghiệm cho kết quả âm tính với vi khuẩn tả. Trước đó mẫu mắm tôm đặc ở Thanh Hoá cũng cho kết quả tương tự.

Trước tình hình nói trên cộng với nhiều ca bệnh tiêu chảy cấp không hề ăn mắm tôm, không ăn các thực phẩm nguy cơ cao như gỏi cá, tiết canh, lòng lợn v.v…, ông Trịnh Quân Huấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp không còn nằm ở mắm tôm, cũng không dừng lại ở thực phẩm mà đã lây lan sang môi trường. 

Trong khi nguyên nhân gây dịch bệnh còn chưa được làm sáng tỏ, số bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành vẫn tiếp tục tăng dù điểm phát dịch đầu tiên là Hà Nội có chiều hướng giảm.

Trong ngày 7/11, có 172 ca mới nhập viện nâng tổng số bệnh nhân tiêu chảy của cả đợt lên 1.403 người, đã có 105 ca xuất viện. Số tỉnh, thành có dịch là 11 địa phương.

Các bệnh viện lớn ở Hà Nội vẫn trong tình trạng quá tải do số bệnh nhân cũ chưa ra viện cộng thêm số mới vào. Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia có 36 ca mới mắc, tổng số ca đang điều trị là 354.

Bệnh viện Bạch Mai có 32 ca đang điều trị. Bệnh viện 103 cho biết đang rất lo ngại vì chỉ có thể tiếp nhận 100 bệnh nhân trong khi ngày nào cũng có bệnh nhân vào mới.

Đau đầu vì không quản lý được bệnh nhân

Quản lý bệnh nhân hiện là vấn đề khiến nhiều bệnh viện đau đầu. Hầu hết các bệnh viện đều có bệnh nhân trốn viện. Bạch Mai có 2 bệnh nhân trốn viện.

Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia có 13 bệnh nhân trốn viện. Chưa thống kê cụ thể nhưng bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Đống Đa cũng thừa nhận rất nhiều bệnh nhân đã trốn về.

TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết, nhiều bệnh nhân cáu gắt, bực bội vì phải nằm lâu tại Viện, không được về nhà.

Các bác sĩ đã phải giải thích cho rất nhiều trường hợp về việc phải thực hiện đủ 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính mới khẳng định chắc chắn có nhiễm vi khuẩn tả hay không.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân quá sốt ruột, thấy sức khoẻ ổn định hoặc không có triệu chứng gì là trốn về. Ngoài ra, các bệnh nhân đến bữa phải ra ngoài ăn nên việc kiểm soát đi lại của họ là hết sức khó khăn.

“Đây sẽ là nguồn lây bệnh nguy hiểm và không ai dám chắc thức ăn bên ngoài đảm bảo vệ sinh” - TS Hiền lo ngại.

Rất ít bệnh viện có điều kiện mang thức ăn đến tận giường bệnh nhân như Bệnh viện Bạch Mai.

MỚI - NÓNG