Đồng loạt triệt phá các đường dây lừa đảo qua mạng

Đồng loạt triệt phá các đường dây lừa đảo qua mạng
TP - Ngày 9/11, Cơ quan CSĐT Bộ CA cùng CA các tỉnh, thành Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp... đã đồng loạt tiến hành đấu tranh với các đường dây lừa đảo qua mạng.
Đồng loạt triệt phá các đường dây lừa đảo qua mạng ảnh 1
Hoàng Thị Bây - Một trong những đối tượng thuộc đường dây lừa đảo tín dụng qua mạng đã bị bắt.

Tại Hà Nội, cơ quan điều tra đã xác định được đầu mối cao nhất trong tổ chức huy động tín dụng đa cấp qua mạng Callysinvest là Nguyễn Quang Sáng (SN 1980, hộ khẩu thường trú tại phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy).

Cuối giờ chiều 9/11, Cơ quan CSĐT Bộ CA đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Sáng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đối tượng này đang tạm trú cùng gia đình tại Hải Phòng, cơ quan điều tra đã di lý Sáng về Hải Phòng để thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, thu giữ một số tài liệu quan trọng liên quan đến hành vi lừa đảo huy động vốn.

Theo xác minh ban đầu của cơ quan CA, đường dây lừa đảo của Sáng hoạt động từ tháng 8/2007. Từ lời khai của Sáng, đến nay có khoảng 5.000 người bị lừa, chủ yếu ở TP HCM và Hà Nội, với tổng số tiền lên đến 5 triệu USD! Hiện các đối tượng đã đánh sập trang web “huy động vốn” này và người đầu tư không thể thu lại tiền đã nộp.

Ngoài Nguyễn Quang Sáng, CA TP Hà Nội còn phát hiện 4 đối tượng khác được Sáng tuyển làm “đại lý” tầng 1, gồm Bùi Văn T. và vợ là Thạch Thị H., Nguyễn Thị N., Phạm Thu D. Những “đại lý” này vừa nộp tiền cho Sáng, vừa phát triển hệ thống người tham gia lên đến hàng chục người.

Sáng đã trực tiếp thu của 4 “đại lý” này 1,5 tỷ đồng, tự đầu tư thêm 600 triệu đồng, rồi chuyển vào TP HCM cho hệ thống cấp trên tổng số tiền là 140.000 USD (trong đó, chuyển cho Nguyễn Văn Dân - đối tượng đã bị khởi tố, bắt giam ngày 8/11 - 40.000 USD, cho một đối tượng tên là Đặng Thanh Hải 100.000 USD).

Tại Bắc Ninh, cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp ba trường hợp liên quan.

Tại Thái Nguyên, Cơ quan CA đã triệu tập Lê Thị Hương (SN 1968, trú tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) để đấu tranh làm rõ. Theo xác định bước đầu, Hương là đầu mối cao nhất trong hệ thống tín dụng đa cấp Colony Invest tại Thái Nguyên. Một “chân rết” của Hương là Vi Thị Đào (SN 1955, trú tại phường Hoàng Văn Thụ) cũng bị triệu tập.

Để lừa người đầu tư, Hương và em gái Lê Thị Quỳnh Nga tung tin một Cty tại Mỹ là C.I với trang web www.colonyinvest.net hoạt động đầu tư kinh doanh ngoại hối, khu vui chơi giải trí, sòng bạc, có chi nhánh tại Hà Nội.

Hương và Nga tuyên truyền, lôi kéo người khác góp vốn vào Cty để hưởng lãi suất cao. Người nào muốn gửi tiền đầu tư thì gặp trực tiếp Hương nộp tiền mặt và được Hương tạo một tài khoản trên trang web này gồm tên đăng nhập, số tiền gửi và mật khẩu do người gửi tiền tự gõ trên bàn phím máy tính...

Tính đến cuối tháng 10/2007, Hương đã lừa đảo được khoảng trên 800 người tham gia đầu tư, những người này tiếp tục mở rộng được mạng lưới được hơn 800 người khác tham gia.

Bắt giam vợ chồng bác sỹ là đầu mối lừa đảo ở Đồng Tháp

Thực hiện chỉ đạo của Cơ quan CSĐT Bộ CA, ngày 9/11, CA tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam hai vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Quân và Nguyễn Thị Mộng Thu (trú tại thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh).

Theo tin ban đầu của cơ quan CA, hai vợ chồng này là đầu mối, đại lý cấp cao của  các đường dây lừa đảo huy động vốn qua mạng, thu hút được rất đông người dân ở khu vực các tỉnh miền Tây tham gia.

Ngoài hai trường hợp trên, CA tỉnh Đồng Tháp cũng đang củng cố hồ sơ để xử lý hình sự khoảng 10 đối tượng có dấu hiệu lừa đảo tương tự trên địa bàn.

Tại TP HCM, Cơ quan CSĐT Bộ CA cũng uỷ quyền cho PC15 CA TP tiến hành các biện pháp đấu tranh, trấn áp các đường dây lừa đảo. Thông tin cuối ngày hôm qua cho biết, CA TP đã “câu lưu” khoảng 20 đối tượng liên quan để đấu tranh làm rõ. 

Hương đã thu của các “đại lý” số tiền hơn 136 nghìn USD, trực tiếp giao dịch trên mạng colonyinvest hơn 5.700 lần với tổng số “điểm” ảo tương đương với số tiền hơn 8,7 tỷ đồng.

CA các tỉnh, thành khác như Lạng Sơn, Đồng Nai, Tiền Giang... cũng đồng loạt tiến hành các biện pháp điều tra, triệu tập các “đại lý” trong đường dây lừa đảo này để đấu tranh.

Lật tẩy các “tập đoàn” lừa đảo

Tiền phong đã đưa tin Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng đầu tiên trong các đường dây lừa đảo tín dụng qua mạng, gồm Hoàng Thị Bây (SN 1965), Vũ Thị Thu Hằng (SN 1976) và Nguyễn Văn Dân (SN 1973).

Trong số các đối tượng trên, nổi lên là Vũ Thị Thu Hằng. Tại các “hội thảo” do “tập đoàn” Colony Invest (gọi tắt là C.I) tổ chức, Hằng được giới thiệu là “Đại diện cao nhất của tập đoàn C.I từ Mỹ về, có nhiệm vụ tổ chức mạng lưới C.I ở Việt Nam”.

Tập đoàn C.I này đã tổ chức nhiều cuộc “hội thảo mời gọi đầu tư” có quy mô lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành. Riêng một hội thảo tại Hà Nội đã thu hút đến 1.500 người tham gia. Hiện các trang web của “tập đoàn” C.I  cũng đã bị các đối tượng lừa đảo đánh sập để trốn nợ.

Theo quảng cáo của các đối tượng, Cty C.I là một Cty kinh doanh đầu tư tài chính nổi tiếng, trụ sở tại số 5, NE 2nd Avenue, Rochester NewYork. Tel 1-(585)-687-6223, Fax 1-(858)-430-3895, emailsupport@colonyinvest.com.

Trên một số website cũng quảng cáo C.I là một trong những “Nhà kinh doanh độc quyền của Forex và là Nhà quản lý quỹ đầu tư hàng đầu tại Hoa Kỳ, C.I có lượng giao dịch luôn vượt quá 300 triệu USD...”.

Tuy nhiên, theo xác minh của CA Việt Nam, các thông tin trên đều không có cơ sở. Thực chất, C.I chỉ là một Cty “ma”, chỉ có website để lừa người đầu tư. C.I không đăng ký kinh doanh, không có chi nhánh tại Việt Nam.

Tương tự, cũng không có Cty nào có tên là Callys Invest và các chương trình đầu tư siêu lợi nhuận như các đối tượng quảng cáo. Điểm chung của các đường dây lừa đảo trên là cùng sử dụng “chiêu bài” đầu tư hưởng lợi nhuận “không tưởng” để lừa đảo người dân, với mức lãi suất từ 2 đến 3% mỗi ngày; giới thiệu được nhiều người tham gia càng được hưởng nhiều lãi.

Theo một nguồn tin, cơ quan điều tra cũng xác định được đối tượng bị tình nghi quản trị mạng callysinvest.com, tên là H. (trú tại TP HCM). Còn  colonyinvest.net có dấu hiệu là website do một người ở Hồng Kông có email likemylikecn@yahoo.com.cn đăng ký sở hữu, domain và hosting đặt tại Mỹ. Đây là một website không ghi rõ nguồn gốc, không ghi chủ sở hữu, địa chỉ liên hệ.

Khi vụ lừa đảo vỡ lở, đối tượng H. đã đánh sập trang callysinvest.com rồi ôm tiền bỏ trốn. Cơ quan điều tra đang tiến hành các thủ tục để ra lệnh truy nã đối với H.

Có điều khó hiểu là với nhiều biểu hiệu thiếu minh bạch là mức lãi suất “trên trời”, song đã có rất nhiều người dân mê muội, nộp tiền thật cho các đối tượng lừa đảo để “ôm” lấy lãi ảo trên mạng.

Có khoảng 55,6% lượt khách hàng truy cập colonyinvest.net là người Việt Nam. Theo quảng cáo của các “đại lý” trong đường dây, đã có khoảng 20.000 người tham gia “đầu tư” vào Cty C.I!

Sau khi Cơ quan CSĐT Bộ CA tấn công, bắt giữ ba đối tượng lừa đảo đầu tiên, nhiều “nhà đầu tư” dường như mới sực tỉnh cơn mê. Trong ngày hôm qua, hàng loạt nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã tấp  nập đến tố cáo vụ việc với cơ quan CA.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.