Chỉ mỗi ông 'vác tù và' bị mất chức?

Chỉ mỗi ông 'vác tù và' bị mất chức?
TP - Sự kiện cô gái Nguyễn Thị Bình bị hai vợ chồng một chủ quán phở đày đọa, hành hạ dã man suốt 13 năm qua giữa lòng Thủ đô Hà Nội, đã gây sự phẫn nộ, ngỡ ngàng trong dư luận. Ngay lập tức, rất nhiều người dân và các tổ chức xã hội đã sẻ chia, giúp đỡ, để xoa dịu nỗi đau cho mảnh đời quá bất hạnh này.

Nguyên nhân của cái ác ngang nhiên tồn tại suốt cả chục năm qua đã được báo chí mổ xẻ. Đó là sự vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau đồng loại của chính quyền địa phương và người dân trong khu vực. Đó là hiệu lực của bộ máy pháp luật, chính quyền chưa đủ mạnh để phát hiện, để bảo vệ những người tố cáo cái xấu, cái tiêu cực đang còn hiển hiện không ít trong xã hội chúng ta.

Thật may mắn cho em, khi bà Hà Thị Bình - một cụ già bán thịt bò đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” đã dũng cảm ra tay giải thoát và tố cáo sự việc với báo chí. Ngay sau đó, hệ thống luật pháp và chính quyền đã ra tay, kẻ ác đã bị bắt, bà Bình được nhận bằng khen của Chủ tịch thành phố Hà Nội, và ông tổ trưởng tổ dân phố - nơi gia đình chủ quán phở sinh sống - cũng vừa chính thức bị cách chức.

Có một điều băn khoăn, trong sự việc gây chấn động lương tri cả xã hội này liệu chỉ có mỗi ông “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” này bị mất chức?

Xét về tổ chức trong bộ máy công quyền, ông tổ trưởng dân phố đâu có thuộc bất cứ một ngạch bậc nào, đâu có được hưởng lương cán bộ công chức. Nói tóm lại, ông không được liệt vào đội ngũ “công bộc” của dân, do dân và vì dân như ta thường nói. Ngạch tổ trưởng dân phố như ông chỉ được hưởng phụ cấp vẻn vẹn 50.000 đồng (nay đâu mới được nâng lên 100.000 đồng) mỗi tháng mà thôi. Đó là một chức tước do dân chúng trong khu dân cư tự bầu ra, dân gian hay gọi đùa là “quyền rơm vạ đá”.

Vậy nên, trước sinh mạng và nhân phẩm một công dân bị cái ác chà đạp nghiêm trọng như vậy, chắc hẳn không thể mỗi ông “vác tù và hàng tổng” bị cách chức? Một lần nữa, câu hỏi bức thiết về trách nhiệm cá nhân của những cán bộ công chức trong bộ máy công quyền địa phương lại tiếp tục được dư luận đặt ra.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc khen thưởng biểu dương kịp thời người tốt việc tốt, thì việc xử lý nghiêm minh trách nhiệm cá nhân mới là yếu tố then chốt để trị bệnh “vô cảm”, thiếu trách nhiệm đang có nguy cơ lan rộng hiện nay. Bởi trong một nhà nước pháp quyền, không thể chỉ trông chờ vào mỗi lòng tốt của dân chúng. 

MỚI - NÓNG