Tỉnh làm sai, gần 1.000 giáo viên, nhân viên lãnh đủ

Tỉnh làm sai, gần 1.000 giáo viên, nhân viên lãnh đủ
TP - Gần 1.000 giáo viên, nhân viên là nạn nhân của việc "tuyển lậu giáo viên" trong ngành giáo dục Quảng Bình đang hoang mang, lo lắng. Hàng trăm người trong số họ đang có nguy cơ bị thất nghiệp trước việc phải thi tuyển, xét tuyển lại.

>> Việc giải quyết vẫn chờ Thường vụ Tỉnh ủy

Tỉnh làm sai, gần 1.000 giáo viên, nhân viên lãnh đủ ảnh 1
Các nạn nhân đang bày tỏ bức xúc với phóng viên

Hậu quả của những việc làm sai trái

Báo Tiền phong đã có loạt bài đề cập đến một vấn đề nhức nhối trên địa bàn Quảng Bình, đó là việc tuyển “lậu” gần 1.000 giáo viên, nhân viên (GV-NV) trong ngành giáo dục suốt 13 năm qua. Hậu quả của nó là người lao động đã bị tước mất các quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng lý ra họ được hưởng.

Những người ra các quyết định tiếp nhận, tuyển dụng trái các quy định hiện hành của Nhà nước, đã đẩy người lao động rơi vào tình cảnh dở khóc, dở mếu...

Khi vụ việc được che đậy bấy nay bị vạch ra và Thanh tra ngành chức năng vào cuộc, những tưởng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sẽ vì lợi ích chung của người lao động, vì sự nghiệp giáo dục trên địa bàn để cùng phối hợp rốt ráo xử lý hậu quả. Nhưng không, Thường vụ Tỉnh uỷ của tỉnh này chỉ đạo thu hồi ngay Kết luận của Thanh tra chuyên ngành, một việc mà dư luận cho rằng đã “dài tay” can thiệp thô bạo vào hoạt động bình thường của cơ quan hành pháp (Tiền phong đã có 4 bài phản ánh từ tháng 4 - 7/2007).

Tuân thủ sự chỉ đạo đó của Thường vụ Tỉnh uỷ, gần 4 tháng sau, Sở Nội vụ hoàn tất báo cáo kết luận thanh tra lần 2. Tuy nhiên, trên thực tế, bản chất của 2 bản kết luận Thanh tra này không hề thay đổi. Có thay đổi chăng nữa là kết cấu và câu chữ đã được viết uyển chuyển đi khá nhiều.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã thông qua kết luận Thanh tra lần này vào ngày 20/8/2007. Và kết luận thanh tra số 1053/SNV-TTg (ngày 23/8/2007) về tuyển GV-NV của ngành GD-ĐT không đúng quy định từ tháng 1/1992-12/2005 lần này mới được chính thức ban hành.

Kết luận Thanh tra lại một lần nữa khẳng định, hiện trong ngành GD-ĐT Quảng Bình có đến 675 người được tuyển dụng không theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Còn thêm 151 người đến thời điểm này không có bất cứ một quyết định tuyển dụng nào, nhưng họ vẫn đang ở trong ngành giáo dục.

Trong số những người đặt bút ký những quyết định tuyển dụng sai phạm trên có ông Lương Ngọc Bính, nguyên là Giám đốc Sở GD-ĐT (hiện nay là Chủ tịch HĐND, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình). Ông đã ký cho trên 230 trường hợp...

Đã hơn 1 năm nay từ khi vụ việc nghiêm trọng này được đặt lên bàn nghị sự trong các phiên họp của HĐND, số phận của gần 1.000 GV-NV ngành GD-ĐT cứ thế bấp bênh. Họ sống trong thắc thỏm lo âu, trong sự bất an nơm nớp.

Các quyết định tuyển dụng trái quy định trên khiến cho họ bây giờ không phải, chưa phải là công chức, viên chức theo đúng quy định. Chính vì thế, nguy cơ họ sẽ bị loại ra khỏi ngành giáo dục bất cứ lúc nào khi các cơ quan chức năng siết lại chuẩn công chức, viên chức...

Khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ,  Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có ngay công văn xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Đồng thời UBND tỉnh tiếp tục có công văn gửi cho Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ và các huyện, thành phố tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong việc tuyển GV-NV không đúng quy định tại ngành GD-ĐT Quảng Bình.

Một vị lãnh đạo của UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh sẽ thực hiện khẩn trương, nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ.

Một Hội đồng thi tuyển, xét tuyển sẽ được thành lập trong thời gian sớm nhất. Cá nhân, tổ chức nào gây nên hậu quả trên, tuỳ theo mức độ hậu quả sẽ có hình thức xử lý thật thích đáng.

Lần này, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào cuộc có phần khẩn trương hơn. Người ta đưa ra các phương án để xử lý hậu quả.

Trong các phương án ấy có phương án thành lập Hội đồng cấp tỉnh thẩm định để hợp thức hoá cho 530 GV-NV đã “lỡ” tuyển từ năm 1992 - 1999. Số còn lại cũng “lỡ” tuyển của các năm sau này thì sẽ phải xét tuyển hoặc thi tuyển. Còn 151 người không có bất cứ giấy tờ tuyển dụng nào thì... mềm dẻo áp dụng cũng trên tinh thần “hợp thức hóa”.

Nếu tất cả các phương án đó được thực hiện thì số đông các đối tượng tuyển dụng trái quy định trên sẽ được ở lại ngành. Phương án trên được sự đồng tình của ngành giáo dục, UBND tỉnh, của Tỉnh ủy.

UBND tỉnh Quảng Bình có Công văn số 1764/UBND - NC ngày 31/8/2007 gửi Bộ Nội vụ, xin ý kiến chỉ đạo cách giải quyết hậu quả của vụ việc này với tinh thần mong Bộ Nội vụ chấp thuận cho các phương án xử lý trên...

Gần 1.000 GV-NV được “tuyển lậu” thấp thỏm lo âu, chờ đợi và hy vọng sự phán quyết từ phía Bộ Nội vụ. Gần 50 ngày sau Công văn 1764 được gửi đi, ngày 19/10/2007, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn mới chính thức đặt bút ký Công văn phúc đáp số 3011/BNV-CCVC.

Ý kiến của Bộ Nội vụ là: Căn cứ vào quy định tại Nghị định số116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116, UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện việc tuyển dụng viên chức có đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại điều 5 NĐ 116 bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định của pháp luật...

Căn cứ quy định của pháp luật, UBND tỉnh Quảng Bình xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể, cơ quan liên quan đến việc tuyển dụng GV-NV không đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ để theo dõi.

Khi thông tin về công văn phúc đáp của Bộ Nội vụ cho ý kiến chỉ đạo việc xử lý hậu quả của việc tuyển dụng GV-NV trái các quy định của Nhà nước chính thức đến với các đối tượng GV-NV nằm trong diện trên, họ thực sự bàng hoàng và sốc.

Theo tinh thần của công văn này, họ chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận là công chức. Nếu bây giờ muốn được trở thành công chức của ngành giáo dục, họ buộc phải xét tuyển, thi tuyển theo các quy định của pháp luật, mà cụ thể Điều 5 của NĐ 116 đã quy định rất rõ về điều đó.

Theo nhận định của lãnh đạo Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ thì chỉ có 10-15% trong số gần 1.000 GV-NV diện “lỡ” tuyển có cơ may bám trụ lại với ngành giáo dục khi áp dụng hình thức thi tuyển, xét tuyển bình đẳng theo quy định của pháp luật. Như thế, nghĩa là có không dưới 700 con người, 700 số phận đã cống hiến cho ngành giáo dục từ 3 - 15 năm buộc phải bị sa thải.

Tỉnh làm sai, gần 1.000 giáo viên, nhân viên lãnh đủ ảnh 2
Các cô giáo trong tâm trạng thất vọng và chán nản

Nước mắt của những nạn nhân

Chúng tôi đã có một chuyến đi tìm hiểu những thân phận đang đứng ở ranh giới mong manh ấy để nghe tâm tư, nguyện vọng và nỗi lòng của họ.

Tìm về xã miền núi Sơn Trạch (Bố Trạch) đến trường Tiểu học số 2, gặp cô Đậu Thị Hồng Nhạn, một trong số gần 1.000 nạn nhân của những quyết định “tự tuyển”. Cô Nhạn bàng hoàng khi nghe thông tin về ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc từ phía Bộ Nội vụ.

Bám trụ ở trường tiểu học miền núi này từ những ngày gian khó cho đến giờ đã gần được 14 năm, cô Nhạn tấm tức nghẹn ngào trong nước mắt: “Bao nhiêu công lao mà chúng tôi cống hiến cho ngành, không lẽ đến bây giờ chúng tôi chỉ được coi như những sinh viên mới ra trường, bình đẳng với họ thi tuyển, xét tuyển công chức. Nếu thế thì khác gì đẩy chúng tôi ra đường?

Ngày chúng tôi vào ngành, người ta hướng dẫn chúng tôi làm thủ tục gì, chúng tôi làm theo thủ tục đó. Làm sao ngày đó chúng tôi biết như thế nào là đủ, như thế nào là đúng. Họ làm sai, sao bây giờ lại bắt chúng tôi phải nhận lấy hậu quả này?

Sao vụ việc này họ lại để mười mấy năm qua, mãi cho đến bây giờ mới được phát hiện. Nếu họ phát hiện sớm thì lúc đó chúng tôi có đủ năng lực, trí tuệ và sức khỏe có thể chấp nhận thi, xét tuyển sòng phẳng”.

Cô Mai Thị Hoa Thắm ở Trường tiểu học số 4 Sơn Trạch nghẹn ngào: “Tôi không ngờ sẽ có một tương lai mờ mịt đang chờ chúng tôi phía trước. Nếu thi, xét tuyển ở tại thời điểm này thì cơ hội cho chúng tôi được ở lại ngành rất mong manh”.

Người phụ nữ ở tuổi 40 sẽ bắt đầu từ đâu khi bỗng nhiên mất việc? Khó khăn thì đương nhiên rồi. Còn danh dự, lòng yêu nghề bị tổn thương thì có lẽ không ai bù đắp được. Cô Thắm oà khóc nức nở...

Thấy đồng nghiệp khóc, cô Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Lư và cô Trần Thị Quỳnh Anh cũng ở trường Tiểu học số 4 Sơn Trạch, không ngăn nổi nước mắt. “Chúng tôi cùng một lứa ra trường ngày đó, hồn nhiên và trong sáng lắm. Chúng tôi mang sức trẻ của mình lên vùng sâu vùng xa vì sự nghiệp giáo dục. Người ta hướng dẫn chúng tôi thủ tục để được đứng trong ngành và chúng tôi tin họ làm đúng.

Chúng tôi thanh thản đứng lớp suốt hơn 10 năm trời. Chúng tôi làm sao ngờ và làm sao biết được những gì mà họ hướng dẫn chúng tôi làm và chúng tôi hiện có là trái các quy định của Nhà nước?

Giờ bắt chúng tôi thi hoặc xét tuyển lại thì chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào chân tường. Cơ hội cho chúng tôi trở thành công chức của ngành giáo dục giờ thực sự mong manh.

Sao người ta không nghĩ rằng, chúng tôi chỉ là nạn nhân thôi? Sao không xử lý thật nghiêm những người gây nên hậu quả này và có phương án để cứu những nạn nhân cả tin như chúng tôi?...”. Cô Lư nghẹn ngào.

Cô Trần Thị Thuý Hà, trường Tiểu học Trung Trạch, có 2 con nhỏ, chồng ở nhà, đã không còn giữ được bình tĩnh: “Quyền lợi chính đáng của người lao động như chúng tôi, ai đứng ra bảo vệ? Gia cảnh của chúng tôi thực sự mờ mịt quá...”.

Cô Nguyễn Thị Lan, cùng trường Tiểu học Trung Trach rất đồng tình với quan điểm của đồng nghiệp, nhưng cô chẳng thể nói nên lời mà chỉ biết khóc.

Oái oăm thay, gần 1.000 GV - NV này lại rải đều trên khắp 7 huyện và thành phố của Quảng Bình. Điều này đã gây sự xáo trộn không nhỏ trong môi trường giáo dục ở Quảng Bình những ngày này. Đến đâu cũng nghe người ta bàn đến phương án (giả định) thi tuyển và xét tuyển cho những người chưa phải là công chức, viên chức.

Mang những tâm trạng hoang mang này đến gặp bà Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc Sở GD-ĐT, bà Nghĩa cũng công nhận rằng nếu thi tuyển hoặc xét tuyển lại số gần 1.000 GVNV “lỡ tuyển” trên thì cơ may dành cho họ không quá 15%.

Bà Nghĩa tiên lượng, nếu việc đó (thi tuyển, xét tuyển) diễn ra thì ngành giáo dục sẽ thiếu giáo viên trầm trọng và nó để lại di chứng khó có thể khắc phục được cho chất lượng của năm học này. Hàng trăm GV-NV phải rời khỏi ngành giáo dục sẽ để lại những hậu quả xã hội to lớn, phức tạp và khó lường.

Bà Nghĩa cũng đã đề cập đến phương án hợp đồng (giải pháp tình thế) số sinh viên mới ra trường để lấp vào chỗ trống.

Trao đổi với chúng tôi về thắc mắc tại sao khi áp dụng thi tuyển, xét tuyển theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ thì tỷ lệ GV - NV có cơ may bám lại được với ngành giáo dục chỉ 10-15%, ông Lê Quang Đều, Giám đốc Sở Nội vụ lý giải:  “Những người trong diện “lỡ tuyển”, một bộ phận trong số họ trước đấy đào tạo cấp tốc nên nếu áp dụng hình thức thi tuyển, xét tuyển này họ chắc chắn sẽ không đáp ứng được yêu cầu.

Một bộ phận khác nữa khi đưa họ vào không đạt chuẩn như giáo viên mầm non dạy tiểu học, hay giáo viên trung học sư phạm dạy THCS.

Thêm nữa, một số đã về nghỉ chế độ 111 được hợp đồng lại, bây giờ số đó đã quá 45 tuổi, đương nhiên họ cũng nằm trong số bị loại”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.