Từ chối làm đệ nhất phu nhân

Từ chối làm đệ nhất phu nhân
TP - Từ đầu tháng mười năm nay, dư luận châu Âu, rồi Pháp và gần như toàn cầu xôn xao về chuyện tổng thống vừa đắc cử Nicolas Sarkozy nhất định ly hôn phu nhân Cécilia Sarkozy sau hai mươi năm chia ngọt sẻ bùi.

>> Nicolas và Cecilia - mối tình nhiều xáo động

Từ chối làm đệ nhất phu nhân ảnh 1

Sự im lặng cố tình

Ngày 15 tháng mười, hai vợ chồng đã cùng đến tòa án Nanterre, trình diện bà Soubrac chủ tịch Đoàn thẩm phán các vụ việc gia đình.

Sau đó, việc hủy bỏ hôn nhân của Cécilia và Sarkozy được công bố. Hệ thống truyền thông đại chúng ngoại quốc liền sôi lên. Hàng loạt bài viết giật gân được tung ra dồn dập.

Sốt sắng bất ngờ và bình tĩnh sửng sốt

Tổng thống Pháp làm như chẳng có gì vừa xảy ra. Ông vẫn hội họp và điều hành mọi việc bình thường. Không một phóng viên nào trong và ngoài Cộng Hòa Pháp moi được từ ông dù chỉ một bình luận hay tâm sự vốn hay nảy sinh ở nhiều nạn nhân như ông.

Ông thường trả lời đại khái: “Tôi được nhân dân Pháp bầu làm tổng thống, để tìm cho ra giải pháp cho các vấn đề của họ, chứ không phải để bàn tán về suộc sống riêng tư”.

Theo các thăm dò vừa qua, chưa đến 10% dân Pháp cho rằng vụ ly dị vô tiền khoáng hậu trên chính trường Pháp không ảnh hưởng gì đến sự dấn thân và hoạt động siêu hạng của vị nguyên thủ quốc gia thứ 23 của họ.

Cécilia bấy nay vốn ngại lên tiếng công khai. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau thông cáo chia tay, bà đã trả lời phỏng vấn trên tờ LEst Républicain (Miền đông cộng hòa). Tiếp sau, bà dành cho tạp chí Elle (Nàng, tạm dịch) bầu tâm sự dài hơn nhiều.

Và số tạp chí Elle đăng bài phỏng vấn cựu đệ nhất phu nhân Pháp ra mắt độc giả sớm hơn thường lệ hai hôm. Đáng chú ý, trong bài báo không ngắn chút nào ấy, Cécilia chỉ một lần gọi chồng cũ bằng tên riêng Nicilas.

Có lẽ, bà rất hiểu cơn chấn động khổng lồ mà vụ ly hôn “ngoan cố” (trong đó bà là người chủ động) gây nên không chỉ trên chính trường mà cả trong toàn xã hội Pháp. Vì sao bà nhất quyết xa rời ông Nicolas Sarkozy? Ấy là nội dung chính của hai bài hỏi chuyện.

Thật đơn giản, bà chỉ muốn sống trong “bóng tối”, “thanh thản” và “êm đềm”. Bà không chịu được “ánh sáng” chói lọi.

Tháng năm 2005, bà đã nói trên Télé Star rằng bà không thấy mình có tư chất của một first lady (tiếng Anh trong nguyên bản). Bà đã hợp tác và giúp chồng đạt tới “đỉnh cao danh vọng”. Đỉnh cao ấy không phải chỗ của bà. Mới lại, bà đã gặp và yêu một người đàn ông khác. Vả chăng, việc đứt gánh dở chừng là chuyện thường của hàng triệu người trên thế gian...

Thoắt ẩn thoắt hiện thật bí ẩn

Chuyện “anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi” giữa vợ chồng Sarkozy thực ra không bất ngờ. Nó lộ diện từ vòng hai cuộc bầu cử tổng thống, ngày 6 tháng năm. Sáng hôm ấy, ông đi bầu một mình ở Neuilly, chứ không có vợ cùng bỏ phiếu như ở vòng một.

Khi ông được tuyên bố thắng cử, bà không xuất hiện ngay bên chồng như trong mọi trường hợp tương tự. Ông cứ trơ trọi với chiến hữu cho đến tận 22 giờ 30, bà mới đến. Ông nhậm chức ngày 16 tháng năm.

Hôm ấy, bà ăn mặc đẹp, đến trước giờ cùng các con. Thậm chí, bà còn rơi lệ. Song khi ông giơ tay định chùi giọt lệ trên má bà, bà hơi né đi. Những người để ý kỹ có thể nhận ra chi tiết hùng hồn.

Ngày 6 tháng sáu, tổng thống đưa phu nhân đi dự Hội nghị Thượng đỉnh G 8 Heiligendamn, CHLB Đức. Nhưng ngay hôm sau, bà đã không đến bữa đại tiệc do phu quân của thủ tướng Đức Angela Markel khoan đãi các nhà lãnh đạo đồng cấp của vợ. Lý do: mừng con gái 20 xuân xanh. Ngày 5 tháng bảy, Cécilia trả lại thẻ tín dụng mà Điện Elysée tặng bà.

Ngày 13 tháng bảy, bà bay sang Libye và thương lượng nhiều giờ với nhà chức trách nước này về số phận các nữ y tá Bulgarie. Quốc khánh Pháp 14 tháng bảy năm nay chắc chắn sống mãi trong tấm khảm không chỉ Nicolas Sarkozy như một vết thương lòng.

Khi quan khách đã tề tựu đông đủ trong sân Điện Elysée, ông hôn vào má vợ trên bậc thềm. Có điều, phu nhân người ngay đơ, cái nhìn xa xăm vô cảm. Rồi ông không kìm được, oang oang khen sắc đẹp mê hồn của bà. Bà liền đáp nhỏ: “Xin đừng nói vậy”.

Ngày 25 tháng bảy, bà lại sang Libye và đưa về Bulgarie các nữ y tá suýt bị tù chung thân ở đất khách quê người. Song bà không chịu tham gia cuộc họp báo sau đó.

Ngày 13 tháng tám, trong kỳ nghỉ ở Hoa kỳ của tổng thống Pháp, bà từ chối đến nhà tổng thống Bush cùng chồng. Sarkozy phải viện cớ bà bị viêm họng hạt. Thực tế, bà nói toạc móng heo: “Tôi quan tâm đến vợ chồng Bill Clinton, chứ không phải cặp nhà Bush”.

Ngày 4 tháng chín, bà đồng ý cho LEst Républicain phỏng vấn lần đầu tiên. Câu khẳng định ấn tượng: “Đệ nhất phu nhân không nhất thiết phải đóng một vai trò gì đặc biệt”.

Ngày 20 tháng chín, bà về Lyon đưa tiễn người chồng trước, Jacques Martin, về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày 5 tháng mười, Phủ tổng thống Pháp phải loan tin bà không tháp tùng chồng đến Bulgarie, vì không muốn làm tái bùng nổ cuộc tranh luận về vụ án các nữ y tá vừa qua.

Giằng co giữa trái tim và khối óc

Được hỏi về kỷ niệm đẹp nhất ở Elysée, Cécilia gợi lại việc giải phóng các nữ y tá Bulgarie: “Tôi được sống những phút giây nhọc nhằn nhất nhưng hết mình nhất”. Có điều, dường như bà không coi là quan trọng và thiết thực sứ mệnh mà chồng muốn bà đảm nhiệm, sứ mệnh có lẽ khó khăn và ý nghĩa hơn sự nghiệp của những Mẹ Terera và Diana.

Từ 2003, các nữ y tá Xứ sở hoa hồng bị kết tội đã truyền HIV cho trên 400 trẻ em Libye và có thể bị tử hình. Ủy ban châu Âu đã thương lượng ba năm qua với Nhà cầm quyền Libye, nhằm “chuộc lại” các nữ y tá đó. Cuộc thương lượng không đạt kết quả, dù một nhóm quốc gia châu Âu có lẽ đã bồi thường cho gia đình các em bé nạn nhân 290 triệu euros.

Và thật lạ lùng, tân đệ nhất phu nhân Pháp đã thành công ở những điểm mà các nhà ngoại giao châu Âu dày dạn kinh nghiệm nhất chịu thất bại. Ngày 24 tháng bảy, một bác sỹ và năm y tá “tội phạm” đi một chuyên cơ của Phủ tổng thống Pháp về Sofia. Vừa về đến, họ được tổng thống Bulgarie ân xá tức thì.

Con đường hoạt động nhân đạo như vậy là rộng mở trước Cécilia. Song bà rẽ hướng khác. Đây là gịot nước làm tràn ly. Ngày 9 tháng mười một 2005, Nicolas Sarkozy, bấy giờ là bộ trưởng nội vụ, dùng pháp lý đe dọa Nhà xuất bản First, để không cho phát hành vào ngày 24 cùng tháng cuốn Cécilia Sarkozy – giữa khối óc và trái tim.

Nhà xb nhượng bộ. Sự thực, từ đầu, Cécilia đã cho phép nữ nhà báo Valérie Domain viết về cuộc sống hiện tại của bà. Song sách viết xong, bà không muốn cho in. Tiếc một ý tưởng hay, tác giả cuốn sách kiên trì thuyết phục bà thêm nhiều lần, đồng thời tiếp xúc với một nhà xuất bản khác.

Cuối cùng, chuyện đời của Cécilia, hay bất hạnh của một mệnh phụ, được thể hiện dưới dạng tiểu thuyết. Đó là cuốn Giữa khối óc và trái tim, tên nhân vật chính Cécilia Sarkozy được đổi thành Célia Michaut-Cordier, vợ một quan chức đầy sức mạnh. Nhà xuất bản Fayard bất chấp sức ép của một cấp trên, bạn thân của bộ trưởng nội vụ, công bố cuốn sách vào 8 tháng hai 2006.

Nó ra mắt lần đầu tới 100.000 bản. Nội dung được người viết tóm lại trong câu: “Một người đàn bà từ bỏ một người đàn ông để đến với một người đàn ông khác. Rồi người đàn ông của quyền lực này lại bị người đàn bà bỏ rơi vì một người đàn ông thứ ba. Từ đấy, người đàn ông quyền lực mải miết chinh phục trở lại người đàn bà”.

“Gái bán hoa cao cấp hịên đại”?

Biệt danh cay độc đó được gán cho Cécilia có lẽ từ cuối 2004. Chắc nó góp phần vào nỗi chua xót mà bà thốt ra đã lâu: “Tôi tự hào là không mang giọt máu Pháp nào trong người”.

Bà chào đời năm 1957 ở Pháp. Cha dòng dõi đại điền chủ Nga, sau làm nghề bán lông thú ở Paris, mẹ là con gái đại sứ Tây ban nha, cháu ruột nhạc sỹ Isaac Albénis lừng lẫy.

Ba người anh của bà hiện rất có vai vế ở Pháp và Mỹ. Bà học piano và luật, nhưng không đến nơi đến chốn, vì gia đình gặp khó khăn. Bà phải làm thêm việc vặt để kiếm tiền.

Bà yêu sớm. Ba tuần trước khi cưới, bà hủy cuộc hôn nhân đầu với một thợ ảnh hơn bà 20 tuổi. Tình cờ bà gặp ngôi sao truyền hình Jacques Martin (1933-2007). Ông say mê bà và giúp gia đình bà “hết cỡ”.

Tháng tám 1984, bà sắp đẻ đến nơi, hai người mới cưới nhau. Cuộc tình dang dở, hai con gái ở với mẹ, hiện đang học ở Vương quốc Anh. Người chia lìa họ là Nicolas Sarkozy. Với tư cách thị trưởng Neuilly-sur-Seine, ông làm chủ hôn cho hai người. Ngay tại buổi lễ, dù đã có vợ, ông vẫn cố tình nói nhỏ cho bà đủ nghe: Cô gái xinh đẹp này đúng ra phải là của tôi. Bà thầm nghĩ ông thị trưởng mắc bệnh tâm thần. Sau đó, bà nhận được đủ thứ quà tặng và những lời đường mật.

Cuối 1987, bà dắt díu hai con nhỏ dại, rời nhà ông chồng già, đến sống với ông thị trưởng trẻ trung nhiều tham vọng. Dĩ nhiên sống lén lút. Năm 1989, bà chính thức ly dị chồng.

Mãi tháng mười 1996, sau khi Sarkozy chia tay vợ trước, bà mới đường hoàng là một bà lớn trong vùng. Từ đó, hai ông bà như hình với bóng. Bà hiểu lý tưởng của chồng và cố giúp ông đạt được nguỵện vọng.

Từng học luật và hành nghề luật sư, Nicolas Sarkozy, sinh năm 1955, chăm chăm leo mau trên cái thang quyền lực. Cống hiến của bà cho sự thăng tiến của ông bộc lộ rõ rệt nhất trong cuộc đua vào Điện Elysée khởi đầu từ 2002.

Bà theo ông khắp nơi, ghi chép, thảo kế hoạch, luôn tỏ ra là một trợ thủ đắc lực của chồng. Năm 2004, ông dược bầu là chủ tịch đảng Đoàn kết vì dân vận.

Tại trụ sở của Đảng, Hệ thống chóp bu không mặn mà với bà. Kẻ khen người chê đều thiếu cơ sở. Không ít lời ong tiếng ve về việc bà thiên vị với các cộng sự thân cận nhất của chồng. Bà nhận ra rằng dưới vẻ văn minh cao thượng là dục vọng đen tối, mưu mô xảo trá, đạo đức giả tầm thường.

Chồng thì say sưa với thắng lợi, dấn tới, dọc ngang mọi miền để khuyếch trương thanh thế, đôi khi để vợ phòng không. Bà bắt đầu buồn chán. Đúng lúc đó, bà gặp Richard Attilas, người Mỹ gốc Pháp, một nhà lãnh đạo của Tập đoàn quảng cáo Publicis. Hai người quen nhau trong bữa tiệc tháng mười một 2004, mừng Nicolas Sarkozy trở thành lãnh tụ của Đảng Đoàn kết vì dân vận.

Vẫn là một Bà Bovary?!

Trong tâm trạng không vui và thất vọng ấy, bà xuất hiện trước công chúng thưa dần. Một hôm, bà nhận được một thư nặc danh báo chuyện chồng không chung thủy. Bà cho điều tra và vỡ lẽ Nicolas Sarkozy gian díu với Anne Fulda, phóng viên của Figaro, hẳn từ khi cô này thường xuyên lui tới để viết về Đảng của tổng thống tương lai.

Giữa tháng năm 2005, bà báo cho ông việc bà ra đi. Ông cho xe phóng điên cuồng, còi bóp inh ỏi, đuổi kịp bà ở sân bay. Song bà không quay về. Ngày 24 tháng tám năm ấy, tờ Paris-Match trương ra tấm ảnh bà cặp kè Richard Attilas ở New York.

Nicolas Sarkozy thì hầu như ngày nào cũng gọi điện, gửi thư điện tử và tặng phẩm cho Cécilia, tuồng như hai người cơm vẫn lành, canh vẫn ngọt. Ông còn tìm cách bay sang Mỹ, tiếp cận bà. Và bay nhiều bận.

Đêm trước mồng 1 tháng một 2006, bà quay lại với ông. Ông ra sân bay đón bà. Song thoáng chốc với nhau ở một nhà hàng, bà lại bỏ đi. Ông tiếp tục “vây hãm” bướng bỉnh: quà cáp, thư điện tử, lại quà, lại thư... Cứ như vậy nhiều phen, bà “nổi lên” một thời gian, rồi lại “lặn”.

Tháng sáu 2006, bà về hẳn. Ông tưởng bà đã suy sụp. Dù rất bận, ông vẫn tranh thủ đưa bà đến những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất như Vinice hay London, với những cuộc thưởng ngoạn khó quên, chẳng hạn đi thuyền độc mộc ở Guyane.

Bà tích cực sát cánh cùng chồng và các cộng sự của ông trong cuộc vận động tranh cử tổng thống. Hẳn bà hiểu đấy là bổn phận của một người vợ. Nhất là, theo quan niệm thông thường không chỉ ở Pháp, một nhà lãnh đạo đất nước trước hết phải “lãnh đạo” tốt vợ con mình, tức gia đình phải êm ấm hoà thuận.

Xin lưu ý, ông Nicolas từng phải thăm dò dư luận xem một người bỏ vợ có thể được bầu làm nguyên thủ quốc gia hay không. Hoàn thành mỹ mãn nhiệm vụ quan trọng nhất rồi, bà xử sự như đề cập bên trên.

Vợ chồng bà đã nỗ lực hàn gắn, song không kết quả. Thực tế, ông đã thành công trên tư cách một nhà chính trị, song thất baị trong vai trò một người chồng. Bà thì không thể sống vờ vịt, mà muốn sống chân thật. Đương nhiên, không phải trong nghèo khổ. Richard Attilas đáp ứng những nhu cầu thầm kín đó.

Ông giầu có, chơi thân với các ông trùm đủ loại khắp hành tinh. Điểm đặc sắc nhất là ông luôn luôn thanh thản. Ông hài lòng với cuộc sống của mình. Liệu ông có làm Cécilia vỡ mộng? Bà sẽ là Bà Bovary của thế kỷ XXI?

Cuộc đoạn tuyệt oai hùng

Bà Bovary, nhân vật chính trong kiệt tác cùng tên của văn hào Pháp Gustave Flaubert, không thật hạnh phúc với ông chồng tốt bụng nhưng thô thiển. Bà kỳ vọng tìm được tình yêu đích thực ở những người đàn ông ngưỡng mộ mình.

Song họ đều chỉ lợi dụng bà và dồn bà đến chỗ tự sát. Cho nên, công cuộc kiếm tìm tình yêu thực sự và hạnh phúc mỹ mãn vẫn tiếp diễn không ngừng. Đó là mơ ước muôn đời của mọi phụ nữ. Bà Cécilia không nằm ngoài quy luật. Có điều, bà hầu chưa bao giờ tự lập được về tài chính.

Với địa vị một đệ nhất phu nhân, cơ sở đó của hạnh phúc là quá bảo đảm. Song le, cốt lõi của hạnh phúc là một đời sống tình cảm cao cả, lành mạnh, trung thực, đúng là của con người. Bà không chấp nhận hy sinh điều này cho danh hiệu Đệ nhất phu nhân.

Như vậy, bà đã đưa ra một minh chứng hùng hồn cho khẩu hiệu chủ yếu của chồng cũ trong cuộc tranh cử tổng thống: “Hãy đoạn tuyệt!” Đoạn tuyệt với nếp nghĩ cũ, đoạn tuyệt với lối sống cũ, đoạn tuyệt với phong cách làm việc cũ...

Trong đó, có đoạn tuyệt với sự an bài vô lý, rằng các tổng thống bao giờ cũng đứng đắn, chung thủy và vợ con họ bao giờ cũng sung sướng. Cécilia như đang nói to với không chỉ phái yếu: “Thà làm một phó thường dân nhưng thoải mái đúng mực còn hơn làm một đệ nhất phu nhân nhưng phải điêu toa, giả bộ...”.

Giờ đây, bà có thể ung dung dạo chơi cùng bạn tình Richard Attilas ở Hong Kong, tung tăng đi mua sắm với con trai Louis Sarkozy, 10 tuổi, mà bà đã cho nhập học tại Trường Pháp ở New York. Dù sao mặc lòng, bà đã đi vào lịch sử...

MỚI - NÓNG