Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo:

Năm 2008, lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm

Năm 2008, lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm
TP - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 8,3% năm 2007 và sẽ tăng lên 8,5% vào năm 2008 bất chấp những thách thức trong nước, sự sụt giảm của nền kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển khác.

Khẳng định trên được đưa ra trong báo cáo Giám sát Kinh tế châu Á (AEM) công bố ngày 13/12.

Năm 2008, lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm ảnh 1
Kinh tế Việt Nam năm 2008 tăng mạnh hơn năm 2007 - Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi của Đông Á sẽ giảm xuống 8% vào năm 2008 so với 8,5% của năm trước đó; khu vực ASEAN cũng giảm nhẹ từ 6,3% xuống còn 6,1%; Trung Quốc từ 11,4% xuống 10,5%; Campuchia từ 9,2% xuống 8%...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế có bước điều chỉnh vào năm 2008, Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2007.

“Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,7% trong quý III (2007) là mức cao nhất trong 1 thập kỷ nhờ vào sự tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ”, báo cáo AEM viết.

Dự báo của ADB về nền kinh tế Việt Nam lạc quan hơn so với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cách đây 3 tuần, Hội đồng Giám đốc IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2008 tăng trưởng ở mức 8,2%, giảm 1% so với năm 2007. T

uy nhiên, các chuyên gia kinh tế ADB lại cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức gây ấn tượng vào năm tới nhờ sự vùng lên mạnh mẽ của nền công nghiệp và dòng chảy đầu tư ào ạt từ nước ngoài sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á công bố vào tháng 9/2007, ADB cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện các cam kết sau khi gia nhập WTO sẽ đảm bảo tự do hóa khu vực tài chính, tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thông qua hình thức liên danh, liên kết giữa ngân hàng trong ngoài nước.

ADB khẳng định rằng mức tăng 8,5% của nền kinh tế Việt Nam còn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực kinh tế không thuộc nhà nước, chiếm hơn ½ GDP của Việt Nam năm 2006. Cũng theo ADB, gia nhập WTO tạo ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam khi vấn đề hạn ngạch không còn là rào cản.

Theo ADB, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên dưới 18% trong năm 2007 và tiếp tục gia tăng vào năm tới. Nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tăng vọt cũng giữ mức tăng trưởng nhập khẩu cao và thâm hụt thương mại ở mức 4,7% GDP năm 2007 và 3,8% GDP năm 2008.

Một trong những thách thức lớn nhất mà các nước châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đang phải đối mặt là lạm phát gia tăng. Theo ADB, lạm phát vào những tháng cuối năm 2007 tăng lên mức cao nhất trong 16 năm qua ở Singapore, 12 năm ở Trung Quốc…

Tính trung bình, lạm phát trong khu vực tăng 5,2% vào tháng 10/2007 so với 1,9% của tháng 10/2006. Báo cáo AEM cho biết, tại Việt Nam, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2005. Theo ADB, việc chính phủ một số nước duy trì chính sách trợ giá năng lượng khiến lạm phát tăng thêm. Tuy nhiên, những nước áp dụng chính sách tăng giá đồng tiền trong nước lại giúp giảm lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế ADB còn cho biết một thực tế rằng sự tăng trưởng cao của nền kinh tế cũng góp phần tăng lạm phát với trường hợp cụ thể là Việt Nam. Theo báo cáo AEM, giá cả tiêu dùng ở Việt Nam trong tháng 11/2007 tăng 10% so với cách đây 1 năm và là mức cao nhất trong 3 năm qua.

Gần đây, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, đã khuyến cáo rằng Việt Nam cần phải kiềm chế lạm phát đang tăng lên mức độ “đáng lo ngại”. Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng mức lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm vào năm 2008.

Đặt biệt, báo cáo AEM đề cao Chính phủ Việt Nam và một số nước khác với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, làm giảm nhiệt cơn sốt nhà đất… trong bối cảnh nhu cầu nội địa bùng nổ và lạm phát tăng cao. Điều này sẽ góp phần làm giảm rủi ro cho nền kinh tế.

MỚI - NÓNG