Bản Vẽ, ngày kinh hoàng

Bản Vẽ, ngày kinh hoàng
Anh Nguyễn Tất Hải, công nhân công ty Sông Đà 2, vẻ mặt hoảng hốt dẫn chúng tôi ra hiện trường vụ tai nạn. Anh đau đớn chỉ tay về đống đất đá đổ nát:” Dưới nớ, anh em của tui nằm lại cả”. Anh chỉ kịp nói đến đó rồi bưng mặt lại, khóc không thành lời.
Bản Vẽ, ngày kinh hoàng ảnh 1
Ngóng đợi tin tức cứu hộ, cứu nạn suốt đêm. Ảnh: Hoàng Sang.

Buổi sáng định mệnh

Sáng 15/12,hàng ngàn công nhân thuỷ điện Bản Vẽ đang làm việc thì bỗng nghe một tiếng động kinh hoàng. Liền sau đó là những tiếng thét thất thanh. Như có linh tính chẳng lành, hàng ngàn công nhân không ai bảo ai, chạy ùa về quả đồi D3. Họ không thể tin nổi vào mắt mình nữa. Trước mắt họ là cả một núi đất, đá khổng lồ ào ào đổ xuống. Cả biển người hoảng loạn, nhốn nháo trong nỗi đau tột cùng.

Cơn địa chấn đã làm rung chuyển những quả đồi xung quanh. Thông tin về 18 công nhân xấu số bị vùi lấp đựoc lan nhanh. Họ chạy vội đến và chỉ biết đứng nhìn. Trước mắt họ, nhiều tảng lớn vẫn ầm ầm lao xuống đường như nổi cơn thịnh nộ, muốn nghiền nát tất cả những ai có mặt ở đây.

Nhìn những tảng đá hàng trăm tấn rơi xuống, che lấp cả lối đi, nhìn vùng đất trống trơ trước đây bỗng dưng ngập đầy đất đá, chẳng ai dám tin 18 công nhân lao động ở đây còn sống sót. Tất cả lặng im, một sự lặng im đến rợn người. Rồi như không kìm nén được, bầu không khí đó vỡ oà. Những tiếng khóc xé lòng, những đôi tay quờ quạng, vật vã. Nhiều người trong số đó cố lao về nơi xẩy ra tai nạn, rồi ngất lịm đi lúc nào không biết.

Bản Vẽ, ngày kinh hoàng ảnh 2

Đêm 15/12 ở Bản Vẽ, không ai còn có thể ngả lưng. Công nhân tập trung đợi với hy vọng mong manh là vẫn còn người sống sót và cứu được kịp thời. Ảnh: Hoàng Sang.

Thông tin về 18 công nhân, kỹ sư bị vùi lấp được lan ra như một hiệu ứng dây chuyền. Những giọt nước mắt lăn vội trên những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió.

Bác Hoa, lái xe của Công ty Sông Đà, người chứng kiến giây phút kinh hoàng đó hoảng hốt: “Như thường lệ, tôi chạy xe đến để chở đá. Vừa đi đến chân đỉnh đồi D3 thì nghe một tiếng thét kinh hoàng. Nhìn lên thì thấy một núi đá ào ào đổ xuống. Mấy chục công nhân đang khai thác đá la hét, bỏ chạy hoảng loạn. Chỉ trong giây lát, họ đã bị nuốt chửng. Tôi còn kịp nhìn những cánh tay vẫy vẫy của họ khi những tảng đá đầu tiên bắt đầu đổ xuống. Những tảng đá hàng chục tấn lao rầm rầm và nằm chình ình ngay trước mặt”.

Một chiếc bàn thờ được đặt vội dưới đỉnh đồi D3. Không di ảnh, không một dòng lí lịch trích ngang của những nạn nhân xấu số. Trên bàn thờ, chỉ có một bó hoa rừng hái vội. Tất cả nguyện cầu! Những giọt nước mắt tuôn trào trên khoé mắt của những người công nhân dạn dày sương gió và khắc khổ.

Chẳng ai dám tin là trong số họ sẽ còn người sống sót trở về. Có lẽ, giờ phút này, mong muốn duy nhất là tìm được thi thể của các công nhân một cách nhanh nhất.

Tìm kiếm trong vô vọng

18 kỹ sư, công nhân đã nằm lại trong đống đổ nát. Hiện, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn và chưa thể xác đinh được họ có thể sống sót hay không sau trận lở núi kinh hoàng này. Hy vọng là rất mong manh. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của các cá nhân, công tác cứu hộ đã được triển khai hết sức khẩn cấp.

Sau khi sự việc xẩy ra, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã cử cán bộ lên nắm tình hình và tổ chức cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm ra những phương pháp tối ưu để khắc phục hậu quả. Vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Nghệ an quan tâm lúc này là bằng mọi cách phải tìm ra những phương án để tìm kiếm những công nhân xấu số hiện đang mắc kẹt dưới hàng ngàn m3 đất đá kia.

Hơn 200 bộ đội của Quân khu 4 , hàng trăm dân quân tự vệ của huyện Tương Dương và hàng ngàn công nhân thuộc Tổng Công ty xây dựng Sông Đà đã được huy động. Mọi phương tiện cơ giới đều được huy động tối đa.

Lực lượng công binh đựơc huy động để thăm dò và tìm phương án tối ưu nhất, nhanh nhất, an toàn nhất để tìm kiếm các thi thể nạn nhân. Một vết nứt trên đỉnh đồi D3 cũng đựoc xác định nhanh, tránh nguy hiểm cho đoàn cứu hộ trong quá trình tìm kiếm.

Phương án cứu hộ khả thi nhất đến thời điểm này vẫn là cho nổ mìn để vận chuyển khối lượng đất đá khổng lồ. Trong quá trình tìm kiếm, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu nạn. Bởi, hiện tại còn rất nhiều tảng đá hàng trăm tấn sẵn sàng rơi xuống bất kỳ lúc nào.

Với một khối lượng đất đá khổng lồ lớn và tình hình địa chất phức tạp như vậy nên khả phải mất ít nhất 10 ngày để vận chuyển toàn bộ. Do đó, khả năng sống sót của 18 nạn nhân này là rất thấp.

“Con ơi, mùa cưới sắp đến rồi”

Đêm, cả biển người lặng đi trong tiếng khóc đến xé lòng. Gia đình của các nạn nhân xấu số mang theo nỗi đau tột cùng đến miền Tây xứ Nghệ. Họ không thể tin được rằng con cháu mình lại nằm lại trên quả đối lạnh lẽo và sương giá này.

Bản Vẽ, ngày kinh hoàng ảnh 3

Bàn thờ lập vội cho các nạn nhân dưới chân đỉnh D3, thuỷ điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) ngày 15/12. Ảnh: Hoàng Sang.

Ông Vũ Xuân Toản, chú ruột của nạn nhân Vũ Xuân Nhượng gắng trườn mình ra phía quả đồi. Tiếng gười đàn ông đã ngoại ngũ tuần gào lên vô vọng: “Nhượng ơi, sao cháu nằm lại ở vùng đồi núi lạnh lẽo này. Sao cháu không về với cha, chú và các cháu. Sao cháu bỏ lại người vợ chưa cưới ở lại nơi quê nhà? Lần về phép trước, con còn nói đùa với chú là ăn xong tết, con sẽ cưới vợ. Mùa cưới sắp đến rồi, sao con không về nữa”.

Tiếng gào thét, tiếng gọi trong vô vọng của ngưòi sống gọi người đã chết:” Tú ơi, Trang ơi, Vũ ơi, sao lại thế này? Hôm qua, tụi mình còn ở bên nhau, mày còn khoe bức thư mà người yêu mới gửi từ quê nhà, mày còn bảo là sắp tới đưa vợ chưa cưới vào đây giới thiệu. Thế mà....”

Chẳng có ai trả lời, chỉ có tiếng thét vọng vào vách đá.

Dưới ánh đèn hiu hắt và cơn mưa rừng nặng hạt, đoàn người vẫn nối đuôi nhau ngày càng đông. Hàng ngàn ánh mắt vô hồn nhìn lên phía sườn đồi. Thỉnh thoảng, lại có những tiếng thét thất thanh, tiếng gọi người thân đến khản giọng.

“Chỉ cần khoảng 30 phút nữa thôi là những người bạn, những người đồng nghiệp của tui sẽ chẳng bị vùi lấp dưới kia. Ca làm việc chỉ còn khoảng 30 phút nữa là hết. 30 phút định mệnh đã cướp mất 4 anh em, trong đó có một người đội trưởng của tổ khoan. Lúc xẩy ra tai nạn, tôi có gọi cho anh, thấy điện thoại vẫn còn đổ chuông. Nhưng, nếu anh ấy còn sống thì làm sao mà đưa anh lên được?", anh Trần Văn Giang, một công nhân công ty Sông Đà 2 đau đớn.

24 giờ. Đêm tĩnh mịch và lặng im đến đáng sợ. Đoàn cứu hộ vẫn tìm đường để “xẻ núi”. Điều mà các anh mong muốn và chỉ có thể làm được trong lúc này là làm thể nào để tìm thấy thi thể các nạn nhân một cách nhanh nhất.

Ai cũng cố hết sức mình với một hy vọng, dù điều đó là rất mong manh.

Theo Hoàng Sang – Minh Biền
VietnamNet

MỚI - NÓNG