Mắm tôm được 'minh oan':

Chờ được vạ thì má đã sưng

Chờ được vạ thì má đã sưng
TP - Mắm tôm được minh oan, hoàn toàn vô phạm với “tội” gây ra dịch tiêu chảy cấp hồi đầu tháng 10/2007. Nhưng món mắm tôm và những người sản xuất ra chúng vẫn đang phải nhọc nhằn tìm lại chỗ đứng của mình trên thị trường thực phẩm.

Ngày 11/12/2007, lệnh cấm lưu hành, vận chuyển, sử dụng mắm tôm đã được Bộ Y tế bãi bỏ. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất mắm tôm tại Thanh Hóa vốn nhộn nhịp khách hàng trước kia, thì nay có vẻ ít bạn hàng hơn.

Lao đao vì thông tin mắm tôm gây bệnh

Đối với bà con ngư dân xứ Thanh, song song với nghề khai thác hải sản ngoài biển là nghề chế biến hải sản trong bờ - trong đó chủ yếu là sản xuất mắm tôm. Đây là nghề có truyền thống lâu đời, tạo việc làm và thu nhập chính cho hàng nghìn lao động.

Khi dịch tiêu chảy cấp xuất hiện, nghe thông tin nguyên nhân là do ăn mắm tôm gây ra, nhiều người sản xuất món ăn này rất hoang mang mặc dù với kinh nghiệm làm nghề lâu năm họ khẳng định mắm tôm hoàn toàn vô tội.

Để có được sản phẩm mắm tôm bán ra thị trường phải qua nhiều quy trình sản xuất như: khai thác moi (tôm nhỏ) tươi, chà moi một cách vệ sinh, ủ moi với tỷ lệ 3 kg moi/1kg muối trắng...

Tận dụng nguồn tài nguyên từ biển, nhiều địa phương vùng biển của tỉnh Thanh Hóa đã hình thành các làng nghề chuyên đi khai thác moi tươi để nhập cho các cơ sở sản xuất mắm tôm.

Được biết, mỗi lao động khai thác moi có thu nhập trung bình thu từ 30.000 - 40.000 đồng/ngày. Nhiều xã vùng bãi ngang như Hoằng Thanh, Hoằng Hải, Hoằng Trường (huyện Hoằng Hoá); Ngư Lộc, Hòa Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc); Hải Thanh, Hải Bình (Tĩnh Gia)... không có nhiều đất nông nghiệp, nên một trong những nguồn thu nhập chính của người dân là từ nghề khai thác moi.

Việc cấm vận chuyển, buôn bán, sử dụng mắm tôm khiến cho các cơ sở sản xuất mắm tôm không thu mua moi, nên một số lượng lao động lớn đánh bắt, khai thác moi phải tạm dừng. Không có việc làm, hằng tháng các hộ dân này còn phải trả nợ lãi vay ngân hàng để đầu tư vào bè mảng đi khai thác moi.

Đến cuối tháng 12 này, sau hơn hai tuần lệnh cấm sử dụng, lưu thông, buôn bán mắm tôm được bãi bỏ, làng nghề sản xuất món ăn này ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vẫn lưa thưa khách.

Hàng chục nghìn tấn mắm tôm của bà con ngư dân đến thời kỳ xuất bán đang ế ẩm, nằm trong chum, bể chứa. Hàng nghìn lao động địa phương mất việc làm, không có thu nhập.

Chị Lê Thị Thu, chủ một hộ sản xuất mắm tôm ở thôn Đông Hoà, xã Hoằng Hải (Hoằng Hoá) giải bày: “Trước đây, trung bình mỗi ngày gia đình tôi bán được từ 5 đến 7 tạ mắm tôm. Trong thời gian thực hiện lệnh cấm, hàng chục tấn mắm tôm đang ủ phải thuê lao động để phơi, vệ sinh hằng ngày.

Trong khi đó, gia đình còn phải trả nợ lãi vốn của ngân hàng đầu tư vào sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi mỗi ngày chỉ bán được khoảng 30 kg mắm. Nhiều khách hàng lớn của cơ sở chúng tôi từ Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh vẫn dửng dưng với sản phẩm, chưa quay trở lại”.

Xã Hải Thanh, nơi sản xuất mắm tôm lớn nhất huyện Tĩnh Gia có gần 1.000 người dân của xã sống dựa vào nghề sản xuất món ăn này. Trước khi bệnh tiêu chảy cấp xuất hiện, mỗi ngày địa phương có từ 3- 5 ô tô tải chuyên chở khoảng 20- 30 tấn mắm tôm cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc.

Đối với bà con vùng biển này, cái ăn, cái mặc, mua sắm đồ dùng, con cái học hành phụ thuộc vào  nghề sản xuất sản phẩm mắm tôm. Điều đáng nói là với những thông tin này đã làm cho nhiều lao động phải hoang mang và lo lắng.

Ông Tô Văn Hiến (53 tuổi), ở xã Ngư Lộc- nơi sản xuất mắm tôm lớn nhất huyện Hậu Lộc buồn bã:

“Thời gian qua, gia đình tôi như ngồi trên đống lửa vì mắm tôm không bán được. Hơn 50 triệu đồng tiền vốn bỏ ra mua nguyên liệu làm mắm tôm vụ này chắc là đổ sông, đổ biển thôi, bởi món ăn này để lâu sẽ bị loãng, chuyển sang màu đen, giá bán sẽ bị hạ đáng kể, có khi không bán được. Chưa bao giờ người làm mắm tôm ở đây lại gặp phải phen lao đao, khốn đốn như hiện nay”.

Khôi phục lại thị trường

Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hàng chục nghìn hộ dân ở các huyện ven biển sản xuất mắm tôm. Mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tấn món ăn này. Đây là một trong những nghề sản xuất đem lại thu nhập chính cho bà con ngư dân vùng biển.

Đến nay, mừng vì mắm tôm đã được “minh oan” nhưng hàng nghìn hộ dân sản xuất kinh doanh mặt hàng này vẫn chưa biết các “thượng đế” khoái món ăn này bao giờ mới trở lại.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, ở thôn Quang Minh, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia)- người có kinh nghiệm hơn 40 năm sản xuất mắm tôm tâm sự: “Oan của mắm tôm thì đã được giải rồi, nhưng những thiệt hại của chúng tôi ai sẽ đền bù đây? Thôi thì không đền bù nhưng cơ quan chức năng cũng nên có lời động viên người nông dân sản xuất mắm tôm.

Từ sự việc này, thiết nghĩ để tránh những thiệt hại về tài sản và gây hoang mang tâm lý cho người dân, các cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, đánh giá chất lượng mắm tôm đủ tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp ra thị trường. Chúng tôi là những người sản xuất mắm tôm chân chính, rõ nguồn gốc, đừng để chúng tôi khi gỡ được vạ thì má đã sưng!”.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, nhiều cơ sở sản xuất mắm tôm ở Thanh Hóa bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng mới. Dẫu còn nhiều khó khăn để bắt đầu khôi phục lại thị trường như trước đây, nhưng hàng nghìn lao động làm nghề sản xuất mắm tôm tại Thanh Hoá phấn khởi chuẩn bị cuộc hành trình vượt sóng biển khai thác moi.

Hằng đêm, họ cần mẫn bên những chum moi thơm phức và nhấc điện thoại để tìm lại bạn hàng. May mà mắm tôm đã kịp trở lại thị trường thực phẩm để rong ruổi ra Bắc vào Nam làm quà tết cho những người xa quê. 

MỚI - NÓNG