Cuộc đọ sức tháng Chạp năm 1972 trên bầu trời Hà Nội:

Kỳ III: Hai hiệp đấu với 'siêu pháo đài bay'

Kỳ III: Hai hiệp đấu với 'siêu pháo đài bay'
TP - Ngày 20/12, là một ngày “bội thu” B52 của quân và dân Thủ đô Hà Nội khi có tới 7 “siêu pháo đài bay” bị bắn rơi. Cuộc chiến diễn ra trong “hai hiệp”  đầy cam go,  ác liệt…

>> Kỳ trước

Trận đêm 20/12, bắt đầu lúc 19 giờ 27 phút khi tốp B52 đầu tiên xuất hiện trên vùng trời Tây Bắc.

Qua 2 đêm oanh tạc, nhận thấy đối thủ đe dọa lớn nhất đối với B52 là tên lửa chứ không phải không quân, Bộ chỉ huy 57 của Mỹ ra lệnh cho các liên đội không quân chiến thuật tập trung các loại máy bay cường kích F4, F105, F111 săn lùng gắt gao các trận địa tên lửa để chế áp, dọn sạch đường bay cho B52 đột nhập không phận Hà Nội.

Hiệp đầu

Từ 20 giờ 2 phút đến 20 giờ 5 phút, tiểu đoàn 93 ở trận địa Phú Thuỵ (Gia Lâm) phát hiện 2 tốp 6 chiếc B52 đang vào ném bom khu vực ga Yên Viên. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hạ lệnh bám sát và tiêu diệt tốp 389 ở phương vị 3100, độ cao 10 km.

Sĩ quan điều khiển Hoàng Đức Vĩnh lập tức phát sóng nhưng không thấy rõ mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đánh bằng phương pháp 3 điểm, 2 đạn, cự ly 38 km ngay sát rìa vùng hỏa lực của tiểu đoàn. Quả thứ nhất vượt mục tiêu tự huỷ.

Đúng lúc quả thứ hai gần đến điểm nổ thì trên cả bốn màn hiện sóng của các trắc thủ và sĩ quan điều khiển đều hiện rõ 3 tín hiệu B52. Chớp thời cơ, tiểu đoàn trưởng ra lệnh: “Chuyển PC, phóng quả 3”.

 Đạn gặp mục tiêu ở cự ly 25 km. Chiếc B52G gãy làm đôi rơi xuống xã Yên Thường, gần ga Yên Viên lúc 20 giờ 10 phút. Toàn bộ kíp lái trên chiếc máy bay này không kịp nhảy dù.

Chiến thắng đầu tiên trong đêm của tiểu đoàn 93 đã giải tỏa nỗi lo lắng cho bộ đội tên lửa sau đêm 19/12 đánh không thắng. Kinh nghiệm chuyển phương pháp điều kết hợp bắn bồi quả thứ 3 khi phát hiện tín hiệu B52 của tiểu đoàn 93 được phổ biến đến tất cả các đơn vị tên lửa ở Hà Nội và Hải Phòng để cùng rút kinh nghiệm.

20 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 77 ở Chèm đang dõi theo tốp B52 số hiệu 621 từ hướng tây - tây bắc xuống. Đài 1 (radar nhìn vòng 12) phát hiện dải nhiễu B52 từ ngoài 50 km như các đêm trước. Tới cự ly 35 km, cả sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ cùng nhìn thấy tín hiệu B52 trên nền dải nhiễu. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh: “PC, 2 đạn, tự động”.

Hai quả đạn rời bệ phóng, quả trước cách quả sau 6 giây. Tín hiệu đạn nổ chập vào tín hiệu mục tiêu. Chiếc B52 thứ hai bị đánh rơi tại chỗ trong đêm phơi xác trên các thửa ruộng mới cày của xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây.

Cùng thời điểm đó, các tiểu đoàn 57, 59, 94 tập trung hỏa lực phóng 12 đạn vào các tốp 621, 356 và 618. Chỉ có tiểu đoàn 94 ở trận địa Tam Sơn được công nhận đánh rơi 1 chiếc B52 nhưng không rơi tại chỗ...

Kỳ III: Hai hiệp đấu với 'siêu pháo đài bay' ảnh 1
Siêu pháo đài bay B52

Hiệp hai

Bộ tư lệnh lực lượng đặc biệt 57 của Mỹ không đánh đợt 2 trong đêm 20/12, vào Hà Nội mà đánh Thái Nguyên là có lý do về chiến thuật và cả những lý do tâm lý. Sau đêm 18/12, 2 B52 nộp xác tại chỗ, các phi công Mỹ chỉ có vẻ xao xuyến chứ chưa có biểu hiện xuống tinh thần.

Tướng 2 sao Sullivan chỉ huy căn cứ Utapao còn nói cứng rằng: “Vì bay với đội hình dày đặc như vậy nên việc trúng tên lửa SAM 2 là “xác suất ngẫu nhiên”. Đêm 19, trừ hai chiếc bị SAM đánh trúng phải hạ cánh bắt buộc xuống căn cứ Clack (Philippines) và Corat (Thái Lan), tất cả các B52 khác đều trở về an toàn, củng cố thêm “niềm tin”  của các phi công Mỹ vào lời hứa hẹn từ cấp chỉ huy.

Tuy nhiên, đến đợt đầu trong đêm 20/12 thì sự việc lại diễn ra không như Bộ chỉ huy 57 tính toán. Tinh thần phi công Mỹ lại có “vấn đề”. Chính vì vậy mà các tướng lĩnh chỉ huy cuộc không kích lớn nhất của không quân Mỹ kể từ chiến tranh thế giới thứ II này đã quyết định điều 3 tốp B52 đánh Thái Nguyên, dùng đòn nghi binh này để kéo lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội “xoay bản lề” về hướng không cơ bản; đồng thời tạm tránh “tọa độ lửa” để giảm bớt thiệt hại.

Dĩ nhiên, Bộ tư lệnh 57 không thể biết rằng, vào thời điểm đó, lực lượng tên lửa phòng không Hà Nội cũng đang “khan đạn”. Quả thực là trong chiến tranh cũng như trong đời sống hòa bình, sự may mắn chỉ dành cho những người đã chuẩn bị sẵn về tinh thần và vật chất để tranh thủ được nó. Và cái gì đến, ắt sẽ đến.

Đợt tấn công thứ 3 trong đêm bắt đầu từ 4 giờ 36 phút rạng sáng ngày 21/12 khi địch sử dụng 15 tốp, 45 chiếc B52 đánh Hà Nội. Đường bay cơ bản của địch vẫn không có gì thay đổi lớn: qua ngã ba sông Việt Trì hoặc núi Tam Đảo vào đánh Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. Các trận đầu chỉ diễn ra trong 5 phút từ 4 giờ 58 phút đến 5 giờ 2 phút. Hai tiểu đoàn 78 (E257) và 57(E261) đánh 3 trận, 4 đạn nhưng không kết quả.

Lúc 5 giờ 9 phút, Tiểu đoàn 57 ở trận địa Đại Đồng (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã bắt đúng dải nhiễu B52 của tốp 518 mà trung đoàn đã giao nhiệm vụ tiêu diệt. Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên kịp thời phát sóng nhưng cả ba trắc thủ Mè, Thi và Lịch đều không thấy tín hiệu B52.

 Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt  quyết định đánh bằng phương pháp T, 1 đạn (vì tiểu đoàn chỉ còn 2 quả đạn trên bệ phóng), tăng cường bám sát bằng tay. Đạn được điều khiển tốt, gặp mục tiêu ở cự ly 25 km. Trắc thủ Đoàn Văn Súc báo cáo mục tiêu bốc cháy và rơi xuống hướng Tây Nam. Bộ Tổng tham mưu công nhận tiểu đoàn 57 đã đánh rơi chiếc B52 này.

Lúc 5 giờ 10 phút, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 257 Nguyễn Ngọc Điển giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 77 diệt tốp B52 số hiệu 318 từ ngã ba Bạch Hạc đang lao vào đánh sân bay Nội Bài. Với lợi thế của trận địa, tiểu đoàn phát sóng từ cự ly ngoài 40 km và lại nhìn rõ tín hiệu B52 như những trận trước.

Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn hạ lệnh đánh bằng phương pháp Y, 2 đạn, bám sát hỗn hợp. Cả hai quả đạn đều nổ trúng mục tiêu. Chiếc B52G đang cắt bom đã bốc cháy ngùn ngụt, lao đầu xuống xã Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên. Tiểu đoàn 77 trở thành đơn vị dẫn đầu quân chủng về đánh rơi tại chỗ B52.

Lúc 5 giờ 14 phút, Tiểu đoàn 79 ở trận địa Đông Mai (Văn Lâm, Hưng Yên) đã sử dụng radar pháo cao xạ K-380 hỗ trợ, cũng phát hiện tốp 318 đã cắt bom và đang thoát ly. Sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ báo cáo đã nhìn thấy mục tiêu.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chiến ra lệnh đánh bằng phương pháp Y, 2 đạn. Chiếc B52 thứ hai của tốp 318 trúng đạn trên bầu trời Bắc Ninh, bốc cháy dữ dội và rơi ở khu vực Phả Lại, Hải Dương.

5 giờ 19 phút, Sở chỉ huy Trung đoàn 361 lệnh cho Tiểu đoàn 57 tiêu diệt tốp B52 mang số hiệu 532 đang đánh ga Đông Anh. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt ra lệnh phát sóng nhưng vẫn chỉ thấy dải nhiễu, không thấy mục tiêu.

Đồng chí Phiệt quyết định đánh bằng phương pháp 3 điểm, 1 đạn (quả đạn duy nhất còn lại của tiểu đoàn). Quả tên lửa cuối cùng của tiểu đoàn 57 phóng lên gặp mục tiêu ở ngày đầu đông sân bay Nội Bài. Chiếc B52 bốc cháy rơi xuống khu vực chợ Thá (gần núi Đôi, Sóc Sơn). Trong đêm lực lượng cao xạ và tự vệ Hà Nội cũng bắn rơi 2 máy bay chiến thuật của địch.

Từ 5 giờ 27 phút đến 5 giờ 39 phút, địch điều thêm 3 tốp B52 (các tốp 533, 541, 543) đánh Hà Nội. Các tiểu đoàn 93 (E261), 86, 88 (E274) đánh trả quyết liệt, phóng 6 đạn nhưng không có chiếc B52 nào rơi. Lúc 5 giờ 40 phút, trận chiến đấu đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12 năm 1972 ở Hà Nội kết thúc.

Trong trận này, địch đã sử dụng 93 lần chiếc B52 và 151 lần chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức đánh Hà Nội 2 đợt, Thái Nguyên 1 đợt và hơn 50 lần chiếc cường kích của hải quân đánh suốt đêm vào Hải Phòng; với ý đồ giáng đòn quyết định để ép ta phải chấp nhận các điều kiện bất lợi khi quay lại Paris đàm phán.

Địch chẳng những không đạt được mục tiêu của trận đánh mà còn bị thiệt hại nặng nề nhất kể từ đầu chiến dịch. 14 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 7 B52 và 7 máy bay chiến thuật. Sau trận này, tinh thần các phi công B52 đi xuống trông thấy. Họ không còn tin vào các cấp chỉ huy, sĩ quan tác chiến và sĩ quan tình báo.

Nhiều phi công B52 quá căng thẳng và mệt mỏi đã cáo ốm không nhận nhiệm vụ, thậm chí chống lệnh, điều chưa từng xảy ra đối với lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ.

Các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa bảo vệ Hà Nội đã đánh 22 trận, tiêu thụ 38 đạn tên lửa, bắn rơi 7 máy bay B52; trong đó 5 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống nhiều phi công địch. Tỷ lệ thắng đạt 31,8% (cao nhất trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm). Trung bình 5,4 đạn hạ 1 máy bay B52.

Không chỉ bị thiệt hại nặng nề về quân sự, ngay trong dịp diễn ra Noel, chính quyền Nixon đã phải nếm trải “những loạt bom rải thảm” của dư luận ngay trong lòng nước Mỹ...

-----------

(Còn nữa)

Phùng Nguyên – Nguyễn Minh Tâm

MỚI - NÓNG