Chính quyền 'đá' nhau, dân lãnh đủ

Chính quyền 'đá' nhau, dân lãnh đủ
TP - Cách đây 16 năm, một công dân bỏ tiền ra mua khu nhà lẫn đất của HTX mua bán có giấy tờ của UBND xã và đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Đến nay làm nhà, lại bị cưỡng chế.

Chuyện ngược đời ấy đã xảy ra ở xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. 

Văn bản của 2 phó chủ tịch UBND huyện cùng thời... đá nhau

Năm 1991, UBND xã Kỳ Thọ do ông Phạm Đình Ngữ làm Chủ tịch, đã bán cửa hàng mua bán HTX cho gia đình ông Lương Đình Nông, có đủ giấy tờ và sơ đồ cấp đất được lập vào ngày 10/7/1991. Gia đình ông Nông buôn bán và sinh hoạt bình thường trong khu nhà trên đất ấy.

Ngày 29/6/2000, UBND huyện Kỳ Anh ra Quyết định số 367, do ông Trần Bá Song - Phó Chủ tịch ký, cho phép ông Lương Đình Nông được sử dụng 123,5m2 làm ốt kinh doanh tại khu vực phía Nam - Chợ Chào.

Giấy tờ văn bản rõ ràng, gia đình ông Nông đã xây dựng các công trình trong phạm vi 123,5m2 đất được cấp. Do sự ghen tỵ về mảnh đất có mặt tiền trước chợ, một số người địa phương làm đơn khiếu nại lên huyện cho rằng gia đình ông Lương Đình Nông xây dựng công trình trên đất chiếm dụng trái phép.

Đáng tiếc, ngày 27/10/2000, UBND huyện Kỳ Anh ra Quyết định 775, do ông Nguyễn Đình Vận - Phó Chủ tịch cùng thời với ông Trần Bá Song, ký, tiến hành cưỡng chế, đập phá tan hoang phần công trình.

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao cũng chính quyền cấp huyện, cũng con dấu ấy, cũng vào năm ấy, một phó Chủ tịch huyện  ký cấp đất cho làm ki-ốt, còn một Phó Chủ tịch khác lại ký quyết định đưa lực lượng cưỡng chế đến phá tan tành.

Người dân thấp cổ bé họng biết kêu ai, sự việc rơi vào im lặng?

Năm 2001, do thắc mắc của gia đình ông Nông về khoản đền bù giải toả lộ giới 203, tại văn bản số 293 ngày 12/7/2001 do Phó Chủ tịch Trần Bá Song trả lời nói rõ: “Xét thực tế... diện tích đất 123,5m2 của ông nằm ngoài chỉ giới 203 QLộ 1A theo Nghị định 203 - HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng bộ trưởng - nay là Thủ tướng Chính phủ nên không được đền bù”.

Năm 2003, gia đình anh Lương Đình Dương con trai ông Nông có nhu cầu ở riêng đã làm tờ trình xin chuyển mục đích lô đất 123,5m2 này làm nhà ở lâu dài. Ngày 19/3/2003, UBND huyện Kỳ Anh đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 875/2003 do Phó Chủ tịch Trần Bá Song ký.

Qua những văn bản giấy tờ từ 1991 - 2003 đã thể hiện mảnh đất 123,5m2 này có giấy tờ đầy đủ tính pháp lý, nằm ngoài lộ giới 203.

Xã “đá” huyện

Sau ngày được cấp giấy chứng nhận QSDĐ lâu dài, gia đình anh Lương Đình Dương vẫn cư trú nơi ki-ốt bán hàng này. Gần đây anh tập kết vật liệu chuẩn bị làm móng nhà ở. 

Liên tục trong các ngày 16/10 và 15/11/2007, UBND xã Kỳ Thọ ra Thông báo số 16 và 19 cho rằng, mảnh đất 123,5m2 mà UBND huyện Kỳ Anh đã cấp sổ đỏ ấy nằm trong chỉ giới mốc 203 đề nghị giải toả.

Ngày 18/11, anh Dương đã tiến hành đào móng xây tường. Ngày 20/11, UBND xã Kỳ Thọ tổ chức lực lượng đến cưỡng chế. Hai bên xô xát vật lộn nhau quyết liệt. Nhằm củng cố tính hợp pháp của lô đất này, anh Lương Đình Dương mang toàn bộ hồ sơ giấy tờ đến Trung tâm trợ giúp Pháp lý tỉnh Hà Tĩnh nhờ xem xét, cho ý kiến.

Ngày 10/12/2007, Luật gia Phan Trọng Hà đã trả lời: Giấy chứng nhận QSDĐ số 875-2003 UBND huyện Kỳ Anh cấp cho gia đình ông ngày 19/3/2003 với diện tích 123,5m2 là đúng thẩm quyền, hợp pháp...

Việc UBND xã Kỳ Thọ có quyết định và tổ chức cưỡng chế, buộc gia đình ông phải đình chỉ việc xây dựng nhà là một quyết định hành chính trái pháp luật.

Người có thẩm quyền lạm quyền ra quyết định trái pháp luật và người thi hành xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân, đó là việc làm của những kẻ cường hào đời mới đang xuất hiện ở một số địa phương mà pháp luật và Nhà nước cần phải nghiêm trị. 

Vòng luẩn quẩn

Ngày 19/12, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo xã Kỳ Thọ. Phía địa phương xã nhiều ý kiến đưa ra đề nghị thu hồi tấm bìa đỏ ấy và cấp cho gia đình anh Dương một lô đất khác. Gia đình ông Dương phản ứng quyết liệt.

Chủ trì cuộc họp này là ông Trần Bá Song - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh. Ông Song chính là người đã 3 lần khi còn giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện luôn khẳng định bằng văn bản và thể hiện trên Giấy chứng nhận QSDĐ là mảnh đất này nằm ngoài lộ giới 203.

Tuy nhiên, kết luận cuộc họp ông lại giao vụ việc cho Thanh tra huyện, để tiếp tục..báo cáo ông, xử lý.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.