Cuộc đua lập hãng hàng không mới sẽ làm giảm giá vé

Cuộc đua lập hãng hàng không mới sẽ làm giảm giá vé
TP- Nhiều chuyên gia ngành hàng không nhận định rằng, việc hình thành thêm hãng hàng không mới sẽ tạo sự cạnh tranh giảm giá vé và tăng chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách hàng.

Việt Nam hiện có 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và hàng không tư nhân Vietjetair mới thành lập). Cục Hàng không (Bộ GTVT) vừa cho biết, sắp tới đây có thể sẽ có thêm một hãng hàng không tư nhân nữa là Phú Quốc Air.

Việc có nhiều hãng hàng không trong một quốc gia là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, đặc biệt sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không hứa hẹn mang lại nhiều quyền lợi hơn cho hành khách.

Nhiều Việt kiều muốn kinh doanh hàng không trong nước

Thông tin hãng hàng không tư nhân đầu tiên-Vietjetair ra đời được dư luận hồ hởi đón nhận. Mặc dù, chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng Vietjetair đã cho biết mức giá sẽ rất cạnh tranh (chỉ với 2 hạng ghế) và sẽ thực hiện các chuyến bay đêm.

Tin mới nhất từ Cục Hàng không VN, sau Vietjetair đã có Phú Quốc Air được Chính phủ chấp thuận về mặt nguyên tắc thành lập hãng hàng không. Bốn Cty ở TP HCM cũng đã gửi thư nhờ Cục Hàng không VN tham vấn để thành lập hãng hàng không có tên Vinasun Airlines, với vốn pháp định 1.000 tỷ đồng khai thác tuyến quốc tế, có quy mô từ 11 đến 30 máy bay.

Trước đó, tập đoàn Mai Linh cũng từng tuyên bố sẽ mở rộng mô hình kinh doanh sang cả lĩnh vực hàng không. Theo đó, tập đoàn này tiến tới sẽ thành lập hãng Taxi Air.

Nhiều Việt kiều cũng đã ngỏ ý với Cục Hàng không về việc thành lập hãng hàng không theo kiểu của Cty dịch vụ bay (Vasco) - Dùng máy bay nhỏ bay những chặng ngắn.

Trưởng ban Vận tải (Cục Hàng không) Võ Huy Cường cho biết: “Cục đã khuyên những Việt kiều có ý định thành lập hãng hàng không tư nhân, căn cứ vào Nghị định 76 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không, để xúc tiến ý định; hoặc có thể hợp tác với ông Đoàn Văn Quảng - người lâu nay có ý định thành lập Sài Gòn Air”.

VNA và PA không sợ cạnh tranh?

Trước cơn “sốt” thành lập hãng hàng không mới, cả Vietnam Airlines (VNA) và Pacific Airlines (PA) dường như không mấy quan ngại. Tổng Giám đốc PA Lương Hoài Nam nói: “Với cơ sở hạ tầng như sân bay hiện nay, chả lẽ các hãng hàng không tậu máy bay về rồi ra ngoài đồng mà đỗ”.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rục rịch thành lập hãng hàng không, Bộ Tài chính đang xem xét phương án giá trần mới (Giá trần hiện nay cho trục bay Bắc Nam hạng ghế phổ thông là 1,5 triệu đồng/vé).

Theo phương án dự kiến, giá trần sẽ được nâng lên 1,7 triệu đồng/vé. Cùng với đó là áp mức giá sàn được cân nhắc trên dưới 100 nghìn đồng.

Lần này, Bộ Tài chính cũng đưa ra mức giá cụ thể cho từng đường bay nội địa (cả chặng bay ngắn).

Nếu giá trần, sàn được thực hiện theo hướng nới thêm, các hãng hàng không sẽ có điều kiện đa dạng giá vé (từ thấp lên cao). Tuy nhiên, hàng không giá rẻ sẽ không còn vé “siêu” rẻ. 

Tổng Giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh lại cho biết: “Nhân lực hàng không vốn đặc thù, việc thuê mua máy bay cũng không phải đơn giản. Thực tế, VNA đâu có muốn chậm, hủy chuyến gây phiền hà cho hành khách”.

Nhiều chuyên gia ngành hàng không nhận định rằng, thị trường hàng không của Việt Nam hiện giống như thời kỳ đầu hình thành mạng điện thoại di động.

Theo đó, việc hình thành thêm hãng hàng không mới sẽ tạo sự cạnh tranh giảm giá vé và tăng chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách hàng. Nhiều người dân sẽ có cơ hội tiếp cận với dịch vụ hàng không như lời ông Lương Hoài Nam nói là “Bình dân hoá các dịch vụ cao cấp trong tương lại”.

Mặc dù đại diện của VNA và PA tỏ ra không quan ngại với “cuộc đua” lập hãng hàng không mới. Nhưng thực tế kinh doanh hàng không của nhiều nước trong khu vực đã cho thấy bài học ngược lại.

Hãng hàng không quốc gia Malaysia (MAS), “đứa con” của Chính phủ Malaysia, đã và đang thua lỗ thảm hại vì bộ máy cồng kềnh và hoạt động bằng cơ chế quản lý mang tính o bế, thiếu điều kiện cạnh tranh. Tổng Giám đốc MAS đã công khai bản báo cáo tài chính những năm qua khiến dư luận không khỏi giật mình.

Báo cáo này cho biết, năm 2006 lỗ 461 triệu USD và dự báo lỗ khoảng 500 triệu USD trong năm 2007. Nguyên do của sự thua lỗ này có nhiều, nhưng có thể nói sự xuất hiện của Air Asia mới thực sự là “ác mộng” cho MAS. Air Asia thâm nhập vào thị trường Malaysia cuối năm 2001, là hãng hàng không giá rẻ và đương nhiên chỉ bay những chặng nào có lợi nhuận.

Trong khi, MAS vừa hoạt động kinh doanh vừa kiêm nhiệm vụ nặng nề “phát triển kinh tế - xã hội”. Ngay như VNA, mỗi năm hãng này phải chịu lỗ khoảng hơn 300 tỷ đồng trên các chặng bay nội địa, trong khi hệ số sử dụng ghế đạt trên 80% (mức tương đương với một số hãng lớn trong khu vực). Tuy biết các đường bay ngắn và ít khách thì lỗ nhưng VNA vẫn phải thực hiện vì nhiệm vụ “phát triển kinh tế-xã hội”.

Tổng Giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh cho biết: “Tổng doanh thu toàn mạng phải gánh cho mạng bay nội địa”. Cuối năm 2008, VNA mở đường bay thẳng đi Mỹ với mức đầu tư ban đầu hàng trăm triệu USD nhưng dự báo con số chi phí bù lỗ hàng năm cho đường bay này là không nhỏ.

Còn PA, sau hơn 10 năm làm ăn lẹt đẹt, nay đã bỏ những chặng bay không có lãi và cải tổ phương thức kinh doanh thành hàng không giá rẻ.

“Cuộc đua” thành lập hãng hàng không mới hứa hẹn đem lại nhiều quyền lợi hơn cho hành khách, nhưng điều hứa hẹn chỉ trở thành thực tế khi Nhà nước thực sự “cầm cương” tốt trong cuộc đua này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.