Nỗi lo tăng giá

Nỗi lo tăng giá
TP- Dù Bộ Tài chính chiều 4/1 cho biết chưa tăng giá xăng nhưng nhiều dự đoán, giá xăng dầu tăng chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều này tác động đến nhiều mặt hàng khác khi Tết Mậu Tý gần kề…

>> Một cái Tết đắt đỏ
>>
Những ghi chú về kinh tế Việt Nam trong sổ tay
>> Lạm phát cao sẽ để 'di chứng' nặng nề
>> Lạm phát cao nhất trong một thập kỷ

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, với giá xăng hiện tại trên 105 USD/ thùng thì nếu không điều chỉnh giá bán lẻ, Cty ông lỗ khoảng 800 đồng/lít.

Ông này nói thêm do vốn yếu và không có kho dự trữ lớn nên VN thường phải nhập theo cảnh “ăn đong” với giá cao.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn chịu đựng nổi nhưng nếu giá dầu vẫn đứng trên 100 USD/thùng thì họ phải xin điều chỉnh tăng giá.

TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế TP HCM nhận định “Giá xăng VN đang thấp hơn nhiều nước nhưng có tăng hay không thì Nhà nước còn cân nhắc vì ảnh hưởng đến đời sống hàng chục triệu dân”. Các doanh nghiệp trên lo một thì nhiều Cty, siêu thị và nhất là người tiêu dùng lo mười.

Ông Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Cty nhựa Hưng Tiến (TPHCM) lo lắng: “Đối tác nước ngoài thông báo sẽ tăng giá nguyên liệu ít nhất 5% từ tháng sau, cộng với các chi phí khác, lương, giá vận chuyển… cùng tăng thì chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành hóa nhựa, cao su, dệt may… đang cầm cự trước bão giá vì nói như ông Trần Công Nam, Giám đốc Cty may Thành Phát (Q 12 TPHCM) thì: “Giá sản phẩm ngày càng hạ mà giá nguyên liệu, nhân công chỉ có tăng nên cầm cự được ngày nào hay ngày đó và chỉ biết cầu mong cho giá cả đừng tăng thêm nữa”.

Không nói thẳng nhưng ông Tiến, ông Nam cũng ngỏ ý phải tăng giá thành sản phẩm để bù lỗ như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác nếu giá xăng dầu, nguyên liệu tăng và đó đang là e ngại của nhiều nhà phân phối.

Đại diện Citimart cho biết: “Giá nhập hàng tháng trước vừa tăng và với đà này nhiều nhà cung cấp đã thông báo sẽ tăng giá”.

Tại nhiều nơi, không chỉ những mặt hàng lương thực, thực phẩm mà cả giá vận chuyển, ăn uống, học phí… đã tăng 5 - 10% từ 1/1/2008. Việc giá gas tăng từ 3000 - 9.000 đồng/bình 12kg, tuy  không nhiều nhưng cũng gây tác động dây chuyền đến nhiều mặt hàng khác.

Cộng với ảnh hưởng từ giá vàng, giá dầu, vật liệu xây dựng cùng tăng đã đẩy giá một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… tăng nhẹ ở một số chợ lớn, siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Ý Nhi (P.13 Q. Bình Thạnh TP HCM) so sánh: “Với việc lạm phát trên 12%, giá nhiều mặt hàng tăng thì thu nhập của gia đình tôi chỉ còn khoảng 80% so với năm trước. Nếu giá tăng nữa thì không hiểu sẽ xoay xở ra sao để với thu nhập 5 triệu/tháng của 2 vợ chồng đủ để tiêu xài và nuôi 2 con ăn học”.

Ông Trần Du Lịch cũng thừa nhận những người thu nhập trung bình thấp sẽ chịu hậu quả nặng nhất của các đợt tăng giá. Anh Trần Văn Minh, công nhân tại một Cty giày da trong KCN Tân Bình (TPHCM) lo lắng, với số lương sắp tăng từ 800.000đồng lên hơn 1,1 triệu đồng nhưng tiền nhà đã từ 200.000 lên 350.000đồng, ăn uống hàng ngày mất thêm khoảng  300.000đồng/tháng… thì “thà đừng tăng lương mà giá giữ nguyên còn hơn”.

Tại một số trường mẫu giáo tại TPHCM, tiền ăn, học phí của học sinh đã tăng trung bình 100.000đồng/em. Nhưng lo nhất là bữa ăn hàng ngày hoặc tốn thêm hoặc bớt đi trong những ngày sắp tới nếu xăng dầu cùng nhiều mặt hàng khác không chịu “nằm yên”.

Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng cũng phần nào được “an ủi” khi hàng điện máy, may mặc, thực phẩm nhập, cước viễn thông… đã và đang thi nhau giảm giá.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.