Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ
TP- Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh là câu thơ của Trần Tung (có bản chép là Trần Tuy), viên sứ thần đời Nguyên ứng tác ngay ở thành Thăng Long khi được vua Trần tiếp.

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ/Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh (Bóng lòe gươm sắt lòng thêm đắng/Nghe rộn trống đồng tóc đốm hoa) để thốt lên nỗi kinh khiếp khi chứng kiến đại bại của quân xâm lược thiên triều trước thế đánh ngoại xâm của dân tộc ta thời ấy.

Nghe trống mà bạc cả tóc? Có lẽ tôi đành mạo muội mượn ý câu ấy để thử vận vào chút thân phận của một người dân ở Đồng Cổ Đan Nê, nơi có đền thờ trống đồng thiêng từ thuở Hùng Vương...

Nhớ cà Hổ Bái Đan Nê/ Nhớ cơm chợ Bản thịt dê quán Lào hoặc trai Hổ Bái gái Đan Nê là những tấm tắc bao đời về đức hạnh tính cách lẫn sản vật vùng quê ngoại Yên Định tôi.

Lần về Yên Định này, tôi lại có dịp về lại vùng đất thiêng Đan Nê, từ thời điểm Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH, như chán vạn địa phương làng xã nước mình được mang tên mới, Đan Nê hợp với nhiều làng bên cạnh có tên khác là xã Yên Thọ. Đan Nê có đền Đồng Cổ trứ danh. Đền thờ thần núi Đồng Cổ còn có tên núi Khả Lao.

Tương truyền ngày xưa, Vua Hùng đi đánh giặc trú quân dưới chân núi đêm mộng thấy sơn thần hiện lên xin cho đem trống đồng theo quân để trợ chiến. Khi lâm trận vua Hùng nghe có tiếng trống văng vẳng oai hùng từ không trung dội xuống. Giặc nghe thấy thất kinh bỏ chạy cả. Thắng trận trở về Vua Hùng phong cho vị Sơn thần ấy là Đồng Cổ Đại Vương và lập đền thờ.

Ngày trước, vó ngựa của các triều đại ruổi trên trục đường thiên lý Bắc Nam đều qua Đan Nê này. Là vị trí thuận lợi trên con đường thượng đạo từ Thăng Long đến vùng biên viễn phía Nam, đền Đồng Cổ lại nằm trong khu vực thung lũng kín, chỉ có một lối ra, cận kề sông Mã nên các vị Hoàng đế của các Vương triều Lý – Trần - Lê thường chọn nơi đây làm nơi hạ trại trong các cuộc tuần du chinh phạt phương Nam.

Các vua thời Lý – Trần - Lê đã có dịp đóng quân ở khu vực này và được thần Đồng Cổ phù hộ trong các trận mạc. Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết: Vua Lý Thái Tổ đi chinh phạt phương Nam, được thần Đồng Cổ xin theo đánh giặc lập công.

Đầu đời Lê Trung Hưng, quân Mạc vào xâm chiếm các huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) và Yên Định, nhà Lê đóng bản doanh ở thượng lưu, sông Mã, đêm nghe thấy ba tiếng trống nổi lên từ trong núi Khả Lao (Đồng Cổ), sáng ra quan quân đánh đuổi quân Mạc, gặp được gió mạnh, nước cường, thuận buồm xuôi gió, khí thế hăng hái gấp bội nên quân giặc phải thua.

Đời Lê Hoàng Định đã có sắc phong cho đền. Trong sắc phong có câu “giang thượng phong trào, đại trợ tam quân chi thắng. Nghĩa là Gió nước trên sông giúp sức lớn để tam quân đại thắng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đền Đồng Cổ ở phường Yên Thái, huyện Quảng Đức, thành Thăng Long nay là phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội là phiên bản của Đền Đồng Cổ Đan Nê, Thanh Hóa. Duyên do nhiều lần kéo quân đi bình phương Nam, Lý Thái Tổ thường cho quân buông màn hạ trại nghỉ ngơi ở khu vực Đồng Cổ Đan Nê này. Những lần ấy đều được thần Đồng Cổ hiển ứng giúp vua Lý đánh thắng giặc.

Khi Lý Thái Tổ mất, ba hoàng tử Vũ Đức, Đông Chính, Dực Khánh gây biến định tranh ngôi báu. Thái tử Lý Phật Mã được vệ sĩ Lý Nhân Nghĩa Lê Phụng Hiểu giúp sức dẹp biến. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông nhận rằng trước hôm nổi loạn ba vương Thái tử đã được thần Đồng Cổ báo mộng vì thế vua mới biết mà phòng bị. Vua xuống chiếu giao cho quan hữu ty dựng đền thờ phía sau chùa Thánh Thọ (năm 1028) lấy ngày 25 tháng 3 dựng đàn thề.

Sau vì tháng 3 có ngày quốc kỵ nên chuyển sang ngày mồng 4 tháng 4. Các vua triều Trần cũng giữ  lễ như vậy đến thời Lê mới đổi nơi hội thề ở bờ sông. Còn đền Đồng Cổ thì sai quan đến tế.

Từ triều Lý đến Trần và Lê Trịnh đều nhất loạt vang lên lời thề Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh giết chết. Sau đó, mỗi người từ cửa đông đi vào, qua thần vị, uống tiết sống ăn thề. Có nhiều ý kiến cho rằng nước ta có tục uống máu ăn thề là bắt đầu vào đời Lý Thái Tông như thế?

Tôi may mắn có nhiều bận ngồi với nhà sử học Trịnh Quang Vũ để nghe anh lan man về trống đồng, đại loại như sau. Người Việt thời vương quốc Văn Lang thờ thần mặt trời, vì vậy mặt trời được thể hiện lớn trên mặt trống đồng. Giá trị của trống đồng trở thành biểu tượng của nền văn hóa, văn minh cổ xưa cách đây 3 nghìn năm.

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ ảnh 1
Cổng tam quan vào Đền

Thời nhà Hạ có trống một chân (Túc cổ), thời nhà Thương có doanh cổ (trống có lỗ thông ở giữa), các hoàng đế Trung Hoa có trống giao long (da quỳ) đều không thể vượt qua sự trường tồn và giá trị văn hóa cổ của trống đồng Việt cổ. Trống đồng còn là biểu tượng cao quý, linh thiêng của người Việt.  Trống Đông Sơn là vật thiêng, làm trung gian giữa con người và trời đất, giữa cõi sống và cõi chết.

Trên mặt trống hình tia mặt trời tỏa rộng, ban sự sống cho muôn loài, bao quanh các vành trang trí muông thú, chim bay, hươu chạy, cá bơi là cõi đất, với biết bao hình ảnh nhảy múa, thuyền bơi, sóng nước là đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Chính vì sự cao quý linh thiêng và tượng trưng quyền lực của thủ lĩnh người Việt, khi cần tập hợp chống ngoại xâm, đoàn kết, đều đánh trống đồng của nhà nước Âu Lạc.

Khi xâm lược nước ta năm 43 nhà Hán đã tổ chức thu vét trống đồng đem đi thủ tiêu, phá hoại văn hóa. Mã Viện đã vơ vét trống đồng đúc thành hình con ngựa cao 3 thước - 5 tấc, dài 4 thước - 4 tấc (cao khoảng 1m40, thân dài khoảng 1m80) để dâng vua Hán Quang Vũ, đặt tại kinh đô Trường An. Kể từ đó, trống đồng được người Việt bảo vệ bằng cách đem chôn giấu trong lòng đất.

Cuộc đô hộ của người Hán qua 10 thế kỷ, thời gian đã làm quên lãng, đứt gẫy văn hóa, mỹ thuật của người Việt cổ bị phủ mờ bởi thời gian.Trong gần một thế kỷ qua, các nhà khảo cứu tốn biết bao giấy mực để tìm ra những lời giải về trống đồng.

Cũng theo nhà sử học Trịnh Quang Vũ, trong nghi lễ vương triều Việt đều có sử dụng trống đồng, sau khi dàn đại cổ đánh ba tiếng trống lớn, trống đồng đánh ứng lên ba tiếng  (Kim cổ ứng chi). Có lẽ dùi trống được bọc bằng da, khi đánh vào vòng vành trong mặt trống như thúc giục quân sĩ, lúc quyết liệt, lúc ung dung.

Dùi đánh chuyển động ra vòng ngoài, vào trung tâm, âm thanh vang động hào hùng như vạn hùng binh, lúc réo rắt, lúc trầm hùng như giao hòa cõi trời đất  núi sông Đại Việt. (Không phải một nhóm người cầm gậy gõ trên trống như lễ hội diễn hiện nay là không đúng).

Theo kết quả nghiên cứu âm nhạc, phạm vi đánh các vùng trong mặt trống tạo ra các nốt nhạc khác nhau, ví dụ như đánh vào khoảng 1-3 ta được nốt si giáng; vành 4-5 được nốt mi, nốt pha, ở vành 7 lại si giáng v.v...

Tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép một chi tiết. Năm Canh Thân hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 ( 1800) triều Tây Sơn Hoàng đệ Tuyên công em vua Nguyễn Quang Toản là Nguyễn Quang Bàn làm trấn thủ Thanh Hóa tìm được chiếc trống đồng cổ ở bờ sông Mã gần khu vực đền Đồng Cổ đem về trả thờ trong đền. Đến thời Tự Đức, chiếc trống thiêng ấy vẫn còn.

Như vậy, chiếc trống đồng thiêng  truyền rằng có từ đời Vua Hùng ấy hiện đang ở đâu? Có một người châu Âu, sử gia người Pháp, V. Goloubew những năm đầu thế kỷ XX đã tận mắt trông thấy một chiếc trống cổ trong ngôi đền trống đồng linh thiêng ở Khả Lao này.

Trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. vol XXXIII, 1933, V. Goloubew kể những gì ông ta đã thấy: Làng Đan Nê, huyện An Định, phủ Thuận Hóa, tỉnh Thanh Hóa, là một vùng hoàn toàn Việt Nam, và gần đó không có dân Mường. Trong đền thờ trên đường Phủ Quảng, gần bến đò An Định đưa sang sông Mã, có trống đồng cùng loại trống Hòa Bình để ở Bảo tàng viện Hà Nội, mặt trống rộng 0,85 thước và cao 0,58 thước.

Trống này chỉ để thờ chớ không được đánh, bằng cớ là lớp bụi dày trên mặt trống. Trong đền có bài vị gỗ và bản dịch của ông Trần Văn Giáp cho biết nội dung của bài vị như sau: Phía Tây Thanh Hóa, làng Đan Nê, huyện Yên Định, có núi Đồng Cổ, núi có ba đỉnh núi đá hình ngôi sao nên cũng có tên là núi Tam Thai. Trong thung lũng gần núi, có đền cổ thờ thần núi rất linh thiêng.

Như vậy từ năm 1933, có một người Âu châu cũng có thấy tận mắt một đền thờ trống đồng trong vùng lịch sử này, và thấy tận mắt một chiếc trống đồng đang được người đương thời thờ, chứ không phải là trống đồng đào được trong lòng đất và cất ở viện bảo tàng nào đó.

Năm 1949, những trận ném bom dã man của Pháp đã biến vùng tự do khu giáp ranh Ban Nê - Kiểu trở thành bình địa. Đền thiêng Đan Nê Đồng Cổ chỉ còn là đống gạch vụn. Chiếc trống đồng linh thiêng ấy cũng biến mất!

Còn nữa

MỚI - NÓNG