Một cái Tết đắt đỏ

Một cái Tết đắt đỏ
TP - Từ nay đến Tết, chắc chắn giá nhóm lương thực thực phẩm sẽ tăng thêm từ 10-15% nữa, do dự trữ nguồn hàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội -  khẳng định.

>> Những ghi chú về kinh tế Việt Nam trong sổ tay
>> Nỗi lo tăng giá
>> Lạm phát cao sẽ để 'di chứng' nặng nề

Trong kho chẳng có con lợn, con gà nào dự trữ

Một cái Tết đắt đỏ ảnh 1
Ông Vũ Vinh Phú

Ông Phú cho rằng, theo quy luật thị trường hàng hóa giáp Tết Nguyên đán bao giờ giá cả cũng tăng do sức mua tăng, nhưng năm nay mặt bằng giá cả lại tăng lên rất nhiều hơn so với các năm.

Bởi giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào tăng mạnh như: xăng dầu, phân bón, chi phí vận chuyển... Bên cạnh đấy, lượng tiền tung vào lưu thông rất lớn, rồi thiên tai dịch bệnh, cộng với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế diễn ra phổ biến trong dịp này, tất cả sẽ đẩy giá từ nay đến Tết Nguyên đán tăng cao và người tiêu dùng phải đối mặt với một cái Tết đắt đỏ là không thể tránh khỏi. 

Ngoài những nguyên nhân trên, có phải hệ thống phân phối và khả năng dự trữ nguồn hàng Tết yếu kém cũng góp phần đẩy giá tăng cao, thưa ông?

Đúng vậy! Hiện, kênh phân phối của mình rất kém. Cụ thể hệ thống phân phối từ trang trại, cơ sở sản xuất, kho dự trữ, sơ chế, đến việc bán lẻ... đều bị cắt khúc, phân tán, làm cho chi phí đầu vào quá cao.

Chẳng hạn, khi chúng tôi đi khảo sát thị trường cho thấy tôm mua tại nơi sản xuất ở tỉnh Thái Bình là 80-100 nghìn đồng/kg nhưng về đến các chợ của Hà Nội là 140-200 nghìn/kg.

Có nghĩa là các khâu trung gian, các tư thương, đầu nậu “ăn hết”, bởi người nông dân sản xuất ra phải chịu thiệt vì bị ép giá, người tiêu dùng lại phải mua với giá cao.

Về khả năng dự trữ nguồn hàng, ngay như địa bàn Hà Nội, hiện hệ thống các đơn vị thương mại không có đơn vị nào mạnh cả, trong kho hầu như chẳng có con lợn, con gà để dự trữ.

Các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn đều không có kho, chỗ dự trữ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân lâu dài, chủ yếu bán hàng theo kiểu đại lý, ký gửi.

Mặt khác, hiện tính liên kết hợp tác giữa các địa phương trong việc cung ứng hàng Tết còn lỏng lẻo, làm ăn kiểu “cò con”. Việc quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm yếu. Ở cả 3 miền thậm chí còn chưa có một trung tâm kiểm nghiệm theo đúng nghĩa.

Cùng với những yếu kém trong khả năng phân phối, dự trữ, nếu như từ nay đến Tết mà xảy ra dịch cúm gia cầm, thì chắc chắn sẽ bùng nổ giá thực phẩm. Khi đó, giá một kg thịt lợn không còn 50-60 nghìn đồng nữa mà có thể trên 100 nghìn đồng/kg.

Như vậy, sức mua trong dịp Tết tăng mạnh, lượng hàng dự trữ sẽ khó đáp ứng nhu cầu của người dân?

Về giá từ nay đến Tết, chắc chắn nhóm lương thực thực phẩm sẽ tăng thêm từ 10-15% nữa, do dự trữ nguồn hàng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hiện như Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ khoảng 300 tấn thịt lợn, 100 tấn cá, 50 tấn thịt bò, hàng trăm tấn hải sản, 800 tấn rau.... Tuy nhiên, tôi đã nói ở trên, hiện nay chúng ta chưa có tập đoàn, TCty thương mại nào mạnh đúng nghĩa.

Ngay như TCty thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên đưa ra kế hoạch phục vụ Tết chỉ có 240 tấn thịt lợn dự trữ, còn lại là bia, rượu thì giải quyết vấn đề gì? Cái mà hầu hết người tiêu dùng cần là các mặt hàng thiết yếu như, thịt, gà, dầu ăn..., chứ không phải bia, rượu.

Thứ nữa, việc dự trữ nguồn hàng Tết phải được chuẩn bị từ rất sớm. Có thể từ 4 tháng trước anh phải cho gà, lợn vào chuồng, chuẩn bị bánh kẹo, mì chính, dầu ăn vào kho.

Trong khi hiện chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán  TP Hà Nội vừa mới đồng ý đề xuất của các doanh nghiệp là cấp khoảng 200 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa.

Như thế là quá chậm, bởi giá cả liên tục tăng vùn vụt, hàng hóa có nhiều loại tăng 40-50% so với các tháng trước, nên bỏ tiền ra dự trữ lúc này là không có lợi.

Ngoài ra, phải biết tung hàng hóa ra ở thời điểm quan trọng nhất. Ví dụ, thịt lợn tung ra từ 26- 29 Tết mới là đúng thời điểm. Tuy nhiên, để có đủ lượng hàng dự trữ tung ra đúng thời điểm nhằm khống chế giá cao tăng, cần có 3 điều kiện: Một là phải có lực lượng, nguồn hàng áp đảo; Tung ra đó đúng thời điểm và phải ký hợp đồng từ trước đó nửa năm.

Tóm lại, sẽ xẩy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa trong dịp Tết?

Nhiều người cứ nói chúng ta không sợ thiếu hàng chỉ sợ thiếu tiền. Tôi đồng ý với quan điểm đó, nhưng cái mà người dân mong muốn là một thị trường hàng hóa có sự kiểm soát về chất lượng, về giá cả, chứ không phải là 90% lượng hàng hóa là ở thị trường tự do, tức là anh phải mua ở chợ, các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài.

Điều này không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp được, cái chính là các cơ quan quản lý nhà nước phải đi trước, nắm trước trong điều phối cung, cầu thì mới có thể chuẩn bị tốt hàng Tết.

Kiểm soát thị trường tự do

Một cái Tết đắt đỏ ảnh 2

Người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với một cái tết đắt đỏ!  Ảnh: Phạm Yên

Trong thời điểm “nóng bỏng” như dịp Tết này các siêu thị, trung tâm thương mại có vai trò như thế nào đối với việc điều tiết giá và lượng hàng của thị trường?

Hiện nay lượng hàng hóa ở các siêu thị của cả nước chỉ đáp ứng khoảng 12% nhu cầu người dân. Ở Hà Nội có gần 50 siêu thị, chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân thủ đô, 5% là sản xuất trực tiếp bán hàng.

Ở TP Hồ Chí Minh có khoảng trên 70 siêu thị đáp ứng khoảng 15-17% nhu cầu, còn lại là các chợ, cửa hàng lẻ và bán rong. Nhìn vào kênh thị trường như vậy có nghĩa thị trường tự do đang chi phối, mà đã là thị trường tự do thì hết sức phức tạp và mênh mông.

Có nghĩa các siêu thị hiện không thể chủ động trong việc cung ứng hàng hóa cũng như góp phần làm “hạ nhiệt” được giá tiêu dùng trong dịp Tết này, thưa ông?

Không chỉ ở các siêu thị, ngay cả các Cty thương mại Nhà nước đang có một thực trạng là vốn rất ít, nên có tới 70% hàng hóa bán trong siêu thị là hàng ký gửi, làm đại lý. Mà ký gửi thì phải phụ thuộc vào giá của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, vì không có nguồn vốn, hàng dự trữ.

Các nhà phân phối, siêu thị liên tục nhận thông báo tăng giá

Theo các nhà phân phối tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào thời điểm này tình trạng các nhà sản xuất, cung ứng liên tục thông báo điều chỉnh giá. Đại diện một nhà phân phối ở TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay, họ đã nhận được khoảng 50 lần thông báo đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, để giữ uy tín với khách hàng bằng việc đảm bảo giá cả ổn định, nhà phân phối này đã yêu cầu các nhà cung cấp, sản xuất phải đưa ra được những lý do chính đáng về việc tăng giá, tránh tình trạng tăng theo xu thế gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tại TP Hồ Chí Minh, các nhà phân phối, các siêu thị qua tìm hiểu cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị còn chủ động lượng hàng hóa thiết yếu nhập khẩu từ các nước.

Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart TP Hồ Chí Minh, cho biết: Siêu thị đã đặt hàng 4 container trái cây từ Mỹ, 6 container các mặt hàng thực phẩm từ Mỹ, Philippines, Singapore và Thái Lan... Tương tự, siêu thị Maximark cũng đã hoàn tất kế hoạch nhập 4 container các loại bánh kẹo, sô-cô-la từ Tây Ban Nha để bán trong dịp Tết năm nay... 

Tại Hà Nội, theo Cục Thống kê TP Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2007 của thành phố tăng 1,78% so tháng trước.

Trong đó, lương thực tăng 3,93%, thực phẩm tăng 1,35%, giao thông bưu chính tăng 5,04%. Các ngành hàng khác đều tăng so tháng trước trừ ngành hàng văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24%.  

Lúc nào họ tăng giá buộc mình cũng phải tăng, phục thuộc vào người giao, người cung ứng. Vì vậy, siêu thị chỉ giữ được mấy tiêu chí với người tiêu dùng như: niêm yết giá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa và thái độ phục vụ tốt....

Nếu bảo các siêu thị này giữ giá thì cũng chẳng có lực mà giữ. Thị trường tự do chiếm tới hơn 90% thì giữ làm sao. Nếu muốn giữ giá thì chí ít phải chiếm 60-70% thị phần.

Kể cả các thành viên trong Hiệp hội siêu thị Hà Nội như chúng tôi gồm trên 20 thành viên thì cũng trong tình trạng mua đuổi bán đuổi, hầu như chỉ 5-10% thị phần mà không có dự trữ nhiều.

Ông vừa nói ở các siêu thị đảm bảo chất lượng hàng hóa, giá cả dịch vụ, nhưng vừa qua ở một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng hàng hóa?

Đúng là vừa qua ở một số siêu thị có vi phạm về chất lượng hàng hóa. Tuy nhiên, phải phân biệt rõ đâu là lỗi của siêu thị đâu là lỗi nhà cung ứng. Ví dụ nước mắm, thịt cá hộp để trong siêu thị mà hết hạn sử dụng thì cái đó siêu thị chịu trách nhiệm, còn hộp cá mẫu mã còn đẹp, nhưng bên trong có vấn đề đơn vị sản xuất, cung ứng phải chịu trách nhiệm.

Siêu thị chỉ kiểm tra bằng cảm quan thôi, còn về kỹ thuật thì nhà cung ứng và đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề. Còn đối với mặt hàng mà chính siêu thị ký hợp đồng mà bán không đúng chất lượng thì ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tôi cũng nhấn mạnh siêu thị nào để xảy ra vi phạm tức là anh đã tự đánh mất mình đối với người tiêu dùng, bởi để xây một siêu thị chỉ mất khoảng 6 tháng nhưng để xây dựng cho siêu thị có thương hiệu thì phải mất 5 đến 10 năm.

Theo ông cần phải có những giải pháp gì để người dân có thể mua được hàng đảm bảo chất lượng, với giá cả hợp lý trong dịp Tết?

Doanh nghiệp phải cố gắng khai thác các nguồn hàng, tận dụng nguồn vốn của mình, của bên ngoài để thu hút hàng hóa thế nào cho phong phú vừa đảm bảo doanh số, vừa phục vụ nhân dân.

Cái này phải là các doanh nghiệp nhà nước làm chủ lực, nếu họ có nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định thì thị trường tự do khó có thể tăng giá được. Về phía Nhà nước thì phải tiến hành kiểm tra kiểm soát thật gắt gao như chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Mặt khác, cách phân chia về quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịp Tết cũng phải thay đổi. Cần phải kiểm soát thị trường tự do là các chợ, đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ... bên ngoài.

Việc này theo tôi nên giao cho chính quyền địa phương đóng vai trò chủ lực. Từ trước đến nay, vì quản lý chia khúc, không ai chịu trách nhiệm nên vi phạm trên thị trường mới tràn lan.

Cảm ơn ông!

Nguyễn Tú (thực hiện)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG