Để không có rủi ro khi đưa trẻ đi tiêm phòng

Để không có rủi ro khi đưa trẻ đi tiêm phòng
TP - Khi tiêm cho trẻ, cần lưu ý tiêm phòng đúng thời hạn quy định theo từng loại vaccine; Khi đi tiêm, cháu bé cần phải khỏe cả thể chất lẫn tinh thần; Giữ vệ sinh, da sạch cho cháu bé trước khi tiêm...

>> Ngừng sử dụng lô vaccine viêm gan B gây tử vong

Để không có rủi ro khi đưa trẻ đi tiêm phòng ảnh 1
BS Nguyễn Văn Lộc

Trong thời gian chờ đợi các cơ quan chức năng điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây tử vong cháu bé hơn một tháng tuổi sau khi tiêm vaccine phòng viêm gan B, BS Nguyễn Văn Lộc - PGĐ BV Nhi T.Ư đã khuyến cáo các rủi ro có thể gặp phải khi tiêm cho trẻ.

Ông Lộc nói:

Sốc phản vệ có thể gặp ngay khi đang tiêm, hoặc sau khi rút mũi tiêm ra khỏi cơ thể, loại này có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Còn có một dạng sốc khác, cũng hay gặp nhưng còn được ít nói đến là sốc nhiễm trùng, hay còn gọi là sốc muộn.

Đó là sốc gây ra do vi khuẩn. Vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể qua vết tiêm, hoặc có trong chính vaccine không đảm bảo chất lượng.

Vi khuẩn sinh ra độc tố, làm người tiêm bị nhiễm trùng, với các biểu hiện sốt, mưng mủ,  làm co mạch, tim ngừng đập, nhiễm độc cơ tim, dẫn đến truỵ tim mạch, tử vong. Sốc nhiễm trùng không phải là hiện tượng hiếm.

Tỷ lệ chết do sốc nhiễm trùng là khá cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn tiền sốc vẫn có thể cứu sống.

Song, các độc tố do vi khuẩn sinh ra khá mạnh nên với các bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, dù chữa được, vi khuẩn vẫn có thể khu trú lại trong cơ thể, gây viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm tuyến thượng thận, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, áp xe não...

Khi tiêm cho trẻ, cần lưu ý những gì?

Với vaccine, nên tiêm phòng đúng thời hạn quy định theo từng loại. Khi đi tiêm, cháu bé không có bệnh nhiễm trùng cấp tính (sốt, tiêu chảy, viêm họng, viêm amidan, áp xe, đang sốt mọc răng...) mà cần phải khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.

Khi cháu mệt mỏi, uể oải, chán ăn cũng không nên đi bởi lúc đó, cơ thể sẽ có phản ứng khi chất lạ đưa vào người.

Giữ vệ sinh, da sạch cho cháu bé trước khi tiêm. Mặt da có thể có nhiều loại vi khuẩn như tụ cầu trùng, các vi khuẩn gram âm (liên cầu khuẩn, E.Coli, Pseudomonate...). Nhất là mùa lạnh, việc hạn chế tắm rửa sẽ làm tăng mật độ các vi khuẩn này.

Khi đã tiêm xong sau 1 ngày, vết tiêm lành, cháu bé có thể hơi đau, nhưng cần cẩn thận khi có vết xước ở chỗ tiêm.

Tuy nhiên, theo tôi, người thực hiện việc tiêm cũng phải có thao tác chuẩn,  tiêm đúng vị trí, liều lượng, chỗ tiêm kín gió.

Ví dụ như đối với vaccine viêm não Nhật Bản B, đối với các cháu trên 5 tuổi thì tiêm 1ml/lần, còn đối với các cháu bé hơn thì chỉ tiêm 0,5ml/lần.

Xin cảm ơn BS!

Mỹ Hằng
Thực hiện

MỚI - NÓNG