Thêm cơ hội sản sinh nhiều 'tiến sĩ giấy'

Thêm cơ hội sản sinh nhiều 'tiến sĩ giấy'
TP - Theo dự thảo Quy chế đào tạo TS mà Bộ GD- ĐT mới soạn thảo, việc đào tạo TS sẽ bỏ thi đầu vào; nghiên cứu sinh (NCS) chỉ việc tham gia  xét tuyển, được đào tạo và trở thành TS. Điều này đã khiến không ít người lo lắng.

Sau khi Bộ GD&ĐT đưa dự thảo Quy chế này lên mạng, Tiền phong đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi từ lãnh đạo các trường đại học và cán bộ quản lý.

Ông Nguyễn Lân Việt - Hiệu trưởng ĐH Y khoa Hà Nội: Không ủng hộ 

Tôi vẫn ủng hộ chủ trương các kỳ tuyển sinh nên có thi cử. Bộ GD&ĐT muốn làm gì thì làm chứ đối với hệ bác sĩ nội trú dứt khoát vẫn sẽ thi tuyển sinh.

Thi tuyển là để người học khi vào học phải có một trình độ nhất định. Chả nhẽ ai muốn làm luận án tiến sĩ, cứ thích học là vào học? Điều đó thật không nên chút nào về mặt học thuật. Với hệ thạc sĩ, tiến sĩ thì nên thi tuyển sẽ tốt hơn.

PGS TS Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng khoa Sau ĐH, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng đứng ở cương vị người quản lý thi tuyển sẽ tin tưởng hơn và chất lượng cũng tốt hơn. Theo bà, xét tuyển có thể chỉ nên là một tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM: Tăng trách nhiệm của người phản biện  

Hiện nay, các trường ĐH ở phía Nam có số người đăng ký dự thi nghiên cứu sinh (NCS) bao giờ cũng thấp hơn chỉ tiêu trong hoàn cảnh các học bổng nước ngoài đang cuốn hút nhiều người đi học nước ngoài.

Cho nên bỏ thi tuyển đầu vào (NCS) là cần thiết nhưng những người làm NCS vẫn phải có trình độ để đảm bảo năng lực làm NCS.

Thầy hướng dẫn và Hội đồng Khoa học có quyền đánh giá xem NCS này có đủ trình độ và năng lực có đảm bảo hoàn thành luận án hay không. Cần tăng trách nhiệm của người phản biện bằng cách tăng thù lao để họ đọc các tài liệu có liên quan, tìm ra sự “trùng lặp”  giữa các đề tài mới và cũ...

Ông Phạm Minh Việt - Giám đốc Viện ĐH Mở Hà Nội: Không nên đào tạo theo kiểu vào là có bằng tiến sĩ

Bỏ thi đầu vào nhưng phải sàng lọc kỹ trong quá trình đào tạo. Phải có thi quốc gia đánh giá ở một số ngành tối thiểu bắt buộc.

Có thể hình dung cách đào tạo như sau: xét tuyển, vào học những kiến thức hiện đại nhất, qua một hội đồng thi tối thiểu gồm những giáo sư thẩm định 3, 4 môn nhằm xác định NCS đủ trình độ để được làm luận án chứ không nên đào tạo theo kiểu vào học thế nào cũng có bằng.

Ông Mai Trọng Nhuận- Giám đốc ĐHQG Hà Nội: NCS phải là nhân sự của đơn vị đào tạo

Không ít người tỏ ra lo lắng cho chất lượng đào tạo tiến sĩ nếu bỏ thi đầu vào.

Một người làm công tác đào tạo sau đại học có kinh nghiệm nói: “Có thi đầu vào như thước đo đảm bảo người học có khả năng học mà chất lượng còn linh tinh, sinh ra lớp “tiến sĩ giấy”, nay với thay đổi không đồng bộ kiểu Việt Nam không hiểu sẽ đào tạo ra tiến sĩ kiểu gì”.

Một người khác nói không úp mở rằng đây là “cơ hội vàng” để đào tạo không đạt chuẩn.

Tôi hoan nghênh chủ trương mới của Bộ GD&ĐT và ĐHQG Hà Nội sẵn sàng đứng ra làm theo mô hình mới này nhưng cần có một số điều kiện.

Xu hướng của thế giới  là mềm hóa đầu vào nhưng rất chặt chẽ khâu đào tạo kiểm soát quá trình học tập, quá trình nghiên cứu, phản biện công trình nghiên cứu, công trình nghiên cứu phần lớn phải đăng  trên các tạp chí có uy tín trên thế giới.

Ta nên tham khảo cách làm rất tốt của nước ngoài là NCS phải là nhân sự của đơn vị đào tạo, nơi NCS bắt buộc phải tham gia giảng dạy, hướng dẫn bài tập, nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, liên tục trình bày kết quả, liên tục làm seminar... Tuy nhiên vấn đề cũng đặt ra là lấy chỗ đâu cho họ ở trong trường từng trường khi mà chỗ cho giảng viên cũng còn thiếu?

Bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó Vụ trưởng Vụ ĐH-Sau ĐH, Bộ GD&ĐT: NCS phải có ít nhất 1  bài báo đăng trên tạp chí uy tín nước ngoài

Chủ trương này đã mở rộng tối đa với người học và Bộ GD&ĐT chủ trương khống chế chất lượng bằng việc kiểm soát chặt chẽ trong quá trình đào tạo hay như điều kiện đầu ra, người học phải có ít nhất 1 bài báo được công bố trên các tạp chí có uy tín nước ngoài (trừ 4 ngành: an ninh, quốc phòng, mỹ thuật, khoa học chính trị đăng ở các tạp chí trong nước), 1 bài đăng trong nước.

Một trong những yếu tố làm cho chất lượng NCS kém là do lâu nay các bài báo của NCS đăng trong những tạp chí trong nước không đảm bảo chất lượng. Để chấm dứt tình trạng này, bài báo đăng trong nước phải đăng trên các tạp chí do Hội đồng chức danh nhà nước chọn và quy định.

Giao quyền cho các trường thực hiện đào tạo quản lý trong thời gian đào tạo tập trung 3 năm (đây cũng là một điểm mới của quy chế lần này).

Quy chế mới cũng quy định: người hướng dẫn có 2 NCS không bảo vệ được thì tạm dừng hướng dẫn; nếu có 3 NCS không bảo vệ được luận án thì người hướng dẫn cũng sẽ không được nhận NCS trong 5 năm.

Trước mắt, từ 2008 – 2009, các trường xét tuyển chưa đồng loạt bắt buộc về điều kiện ngoại ngữ (TOEFL 450 hoặc  IELTS 5.0 trở lên).

Sẽ rất lộn xộn và lãng phí

Trong xu thế hội nhập, công cuộc đổi mới đào tạo sau đại học nhất là đào tạo tiến sĩ là hết sức cấp thiết để nâng tầm bằng cấp của nước ta ngang tầm khu vực và thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó cần thiết phải xây dựng một quy trình đào tạo thật bài bản và khoa học.

Trước hết phải kiểm kê và củng cố lại các cơ sở đào tạo hiện có. Số lượng những cán bộ khoa học phải có đủ trình độ hướng dẫn nghiên cứu sinh (GS.; PGS.; TS KH.) công việc này phải thực hiện thật sự nghiêm túc để có thể yên tâm về cái “gốc”.

Tiếp đến là tuyển chọn nghiên cứu sinh. Công việc này theo tôi vẫn có thể có hai phương án:

1) Trực tiếp không qua thi tuyển đối với người được tuyển chọn có kết quả đạt loại giỏi trong bảo vệ luận án cao học và nhận xét của cán bộ hướng dẫn luận án về khả năng nghiên cứu khoa học trong thời gian thực hiện luận án thạc sĩ.

2) Thi tuyển đối với những trường hợp có bằng thạc sĩ khác. Thi các chuyên đề liên quan đến đề tài luận án sẽ thực hiện và ngoại ngữ để có thể thực hiện được đề tài.

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT “để được công nhận là tiến sĩ ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành ở nước ngoài (1), một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định (2), điểm TOEFL quốc tế 500 hoặc tương đương (3)”.

Tôi nhận thấy tiêu chuẩn đầu tiên (1) là một thách đố hết sức khó khăn với nghiên cứu sinh, bởi vì khi có một bài báo gửi đến tạp chí quốc tế phải thông qua vài phản biện và chờ đợi hàng năm mà khả năng được đăng là rất hiếm, trừ phi GS hướng dẫn có uy tín quốc tế và đã từng có nhiều bài đăng trên tạp chí này.

Ngay cả tiêu chuẩn (2) là cần thiết, nhưng tôi đã chứng kiến nghiên cứu sinh khá vất vả để được đăng bài trên tạp chí trong nước, thậm chí kể cả nộp tiền để được đăng.

Còn tiêu chuẩn (3) đây cũng là tiêu chuẩn khó, nhưng nghiên cứu sinh cần cố gắng đáp ứng để thuận lợi trong khi thực hiện luận án và rất có ích cho công tác sau này.

Mặt khác, chúng ta cứ tuyển vào đào tạo nhưng rồi NCS không có bài viết đăng trên tạp chí nước ngoài thì sao? Như vậy sẽ vô cùng lộn xộn và lãng phí. 

 PGS. Hà Đình Đức
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.